Xây dựng thương hiệu nông sản để phát triển bền vững

PHƯƠNG NGHI| 23/02/2017 20:16

KHPT - Trong bối cảnh đất nước hội nhập, việc xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản có thế mạnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) càng trở nên cấp bách.

Bởi cho đến lúc này, 90% nông sản vùng ĐBSCL vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, kim ngạch còn thấp do giá xuất khẩu thấp hơn và có nguy cơ khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác.

Trái cây là sản phẩm được nhiều địa phương vùng ĐBSCL tập trung hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, phát triển sản phẩm vùng miền: chôm chôm Chợ Lách, bưởi da xanh ở Bến Tre, quýt hồng Lai Vung, xoài cát chu ở Đồng Tháp, bưởi Năm roi ở Vĩnh Long, Hậu Giang, quýt đường Trà Vinh, thanh long ở Tiền Giang... Còn đối với thủy sản, hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy sản lớn đều đã xây dựng thương hiệu riêng của doanh nghiệp. Một số sản phẩm truyền thống của địa phương đã xây dựng chỉ dẫn địa lý là nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) hay nhãn hiệu tập thể mắm thái Châu Đốc (An Giang)... Riêng với gạo, đến nay các tỉnh đã xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với gạo nàng thơm Bảy Núi (An Giang), gạo một bụi đỏ (Bạc Liêu) và nhiều thương hiệu địa phương dưới hình thức bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận: gạo nàng thơm Chợ Đào (Long An), gạo thơm Sóc Trăng...

Theo ông Võ Hùng Dũng, giám đốc phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc xây dựng thương hiệu nông sản diễn ra một cách chậm chạp. Một vấn đề quan trọng nữa là hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ, hướng dẫn về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý còn nhiều bất cập, khó triển khai trong thực tiễn tại các địa phương. “Việc đăng ký đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cũng như chỉ dẫn địa lý đã được các địa phương vùng ĐBSCL chú trọng nhưng hiệu quả từ việc đăng ký này chưa lớn vì trên thị trường ít thấy các nhãn hiệu mang tính tập thể này” - ông Dũng chia sẻ.

Một số địa phương của vùng tuy đã xác định được địa chỉ các vùng chuyên canh cho các sản phẩm thế mạnh nhưng quy mô diện tích còn nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm chưa đồng nhất, chưa thực sự có vùng chuyên canh đúng nghĩa. Trong đó có một vấn đề nổi cộm, có thể nói là một khó khăn lớn nhất của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL chính là yếu trong việc liên kết chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa nông sản.

GS.TS. Bùi Chí Bửu, nguyên viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho biết, doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ với nông dân để thương hiệu lúa nông sản của một quốc gia vững mạnh, bản thân mỗi doanh nghiệp phải tự xây dựng thương hiệu của chính mình, hoàn thiện từng bước trong quá trình tạo thương hiệu; trong đó nền tảng chính là sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với nông dân. Đối với doanh nghiệp lúa gạo, khi doanh nghiệp chế biến gạo có được nguồn nguyên liệu đạt chất lượng cao thì thương hiệu mới được tin dùng, lựa chọn và đứng vững. “Để đạt được điều này, chính những nông dân phải nhận thức được rằng họ sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng cao mới được tiêu thụ, thu nhập ổn định, doanh nghiệp mới vững mạnh. Từ đó, thương hiệu gạo đó mới vươn ra thị trường thế giới được” - GS.TS. Bùi Chí Bửu chia sẻ.

Các địa phương của vùng đang nỗ lực tổ chức sản xuất theo hướng phát triển công nghệ sinh học, áp dụng rộng rãi VietGAP, GlobalGAP trong sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch để giảm thất thoát, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản và gia tăng giá trị của sản phẩm... làm nền tảng cho việc xây dựng thương hiệu. Do vậy, các địa phương vùng ĐBSCL tiếp tục tuyên truyền, thay đổi nhận thức để cần khắc phục tình trạng sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống, công nghệ lạc hậu. Đồng thời cần tăng cường các chính sách tích tụ ruộng đất, cơ chế tạo quỹ đất công, đất sạch để phục vụ công tác thiết lập các vùng sản xuất nông nghiệp, xây dựng các vùng chuyên canh hàng hóa, tạo ra sản phẩm đồng chất.

Còn GS.TS. Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ cho rằng: “Một vấn đề không kém phần quan trọng khác là hiện phần lớn lao động của vùng ĐBSCL chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật tốt, đa số xuất thân từ nông thôn, hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu dựa vào khả năng và kinh nghiệm mang tính truyền thống”. Từ thực trạng này, cần có quy hoạch, phân luồng đào tạo chuyên môn và dạy nghề, đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao, cán bộ quản lý có năng lực để cung cấp cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất hay khu công nghiệp sản xuất hàng hóa chủ lực của vùng gắn với vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng thương hiệu nông sản để phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO