VietGAP trong nuôi trồng thủy sản

THÀNH CÔNG| 17/11/2016 10:02

(KHPTO) VietGAP trong nuôi trồng thủy sản ra đời được xem là giải pháp cấp thiết đưa nghề nuôi thủy sản Việt Nam ra khỏi “mê hồn trận” tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt khẳng định chất lượng thủy sản Việt Nam và tiến tới phát triển bền vững.

Thời gian qua, ngành thủy sản Việt Nam đã bị “bao vây” bởi nhiều tiêu chuẩn về nuôi trồng thủy sản bền vững do các tổ chức phi chính phủ xây dựng và tạo áp lực phải áp dụng lên nghề nuôi trồng thủy sản. Điều này khiến cho bà con nuôi thủy sản trong nước vô cùng bối rối, bởi tiêu chuẩn nào cũng “quốc tế”, còn chi phí chứng nhận thì cao ngất ngưởng. Trước tình trạng này, VietGAP trong nuôi trồng thủy sản ra đời được xem là giải pháp cấp thiết đưa nghề nuôi thủy sản Việt Nam ra khỏi “mê hồn trận” tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt khẳng định chất lượng thủy sản Việt Nam và tiến tới phát triển bền vững. Tuy nhiên, để VietGAP được áp dụng đại trà trong nuôi trồng thủy sản là điều không dễ. 

VietGAP - thương hiệu thủy sản Việt Nam

Bộ NN-PTNT đã ban hành Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP) - là quy phạm thực hành áp dụng trong nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm, giảm thiểu dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái, đảm bảo trách nhiệm xã hội và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm, với trọng tâm là kiểm soát quá trình nuôi thương phẩm và các yếu tố đầu vào.

Theo bà Trần Thị Thu Nga, giám đốc Trung tâm chuyển giao công nghệ, dịch vụ và phát triển cộng đồng nông ngư nghiệp Việt Nam (FACOD), mục tiêu chính của VietGAP là nhằm tăng cường quản lý để phát triển bền vững năng suất và sản lượng, chất lượng và an toàn thực phẩm, môi trường sinh thái, an toàn xã hội, từ đó tiến tới xây dựng thương hiệu, nâng hình ảnh của sản phẩm Việt Nam trên trường quốc tế, là cơ sở chống bôi nhọ sản phẩm thủy sản Việt Nam. Việc ra đời của tiêu chuẩn này cũng nhằm tạo cơ hội cho các cơ sở nuôi vừa và nhỏ tham gia thị trường, tiếp cận các dịch vụ; nâng cao nhận thức của người sản xuất về sản xuất hàng hóa, chứng nhận sản phẩm, tiếp cận và đáp ứng nhu cầu của thị trường; nâng cao chất lượng của các sản phẩm nuôi trồng thủy sản mà không làm tăng quá mức chi phí sản xuất, và là nền tảng của hệ thống chứng nhận nuôi trồng thủy sản tự nguyện, tận dụng kinh nghiệm, nguồn lực.

Các chuyên gia ngành thủy sản cho rằng, việc áp dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản sẽ giúp thay đổi dần tập quán sản xuất, suy nghĩ của nông dân cũng như doanh nghiệp về sản xuất bền vững, trước hết là đối với người nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cá tra; tạo sự liên kết giữa nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà quản lý bền chặt hơn, giúp quá trình tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi, lợi nhuận trong chuỗi sản xuất được phân phối hợp lý, phù hợp sản xuất lớn hiện nay, từ đó góp phần đưa ngành thủy sản Việt Nam phát triển ổn định và bền vững. Đồng thời, nếu cơ sở nuôi thủy sản có nhu cầu chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế khác thì VietGAP cũng là cơ sở để người nuôi trồng thủy sản chuyển đổi dễ dàng với chi phí thấp và những điều chỉnh nhỏ trong sản xuất.

Với những điểm nổi bật như trên, có thể nói, sự ra đời của VietGAP trong nuôi trồng thủy sản là một yêu cầu cấp thiết hiện nay để xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng VietGAP đại trà đối với các vùng thủy sản trong cả nước vẫn là một con đường đầy gian nan phía trước với những khó khăn phải đối mặt như: cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thiếu vốn cải tạo hệ thống ao nuôi thủy sản phù hợp với tiêu chuẩn, tập quán sản xuất người dân không quen với việc ghi chép, nhận thức và tập quán của người sản xuất và tiêu dùng về sản phẩm an toàn chưa đầy đủ dẫn đến chưa có sự khác biệt về giá cả giữa sản phẩm sản xuất theo cách truyền thống với sản phẩm đạt chuẩn,... Đặc biệt, hiện chuẩn VietGAP chưa được thị trường quốc tế công nhận (Benchmark) là bộ tiêu chuẩn đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm.

Cần khắc phục hạn chế

Nếu đứng trên phương diện quản lý thì tư tưởng đầu tư nhiều hơn nhưng giá bán sản phẩm không tăng là chưa đúng, bởi VietGAP mang lại lợi ích lâu dài, góp phần nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu thủy sản Việt Nam, tiến tới nâng cao giá trị toàn chuỗi ngành hàng thủy sản. Tuy nhiên, về góc độ các hộ nuôi thủy sản, khi đầu tư thêm không ít công sức, tiền của vào cùng một diện tích nuôi nhưng trước mắt sản lượng giảm (do phải dành một diện tích ao nuôi làm ao xử lý nước thải), giá bán không cao hơn so với sản phẩm sản xuất truyền thống thì rõ ràng không đủ động lực để họ nhiệt tình với VietGAP.

Trước thực trạng nêu trên, để VietGAP được nông dân nuôi thủy sản đồng tình ủng hộ thì các bộ, ngành có liên quan cần có giải pháp giải quyết đầu ra ổn định, khẳng định một thương hiệu riêng để phân biệt với sản phẩm cá tra sản xuất theo kiểu truyền thống với giá cả hợp lý hơn. Giá trị của thủy sản VietGAP phải được nhìn nhận và khẳng định từ các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, từ cả thị trường trong nước và thế giới. Do đó, cần phải nhanh chóng xúc tiến khâu quảng bá, đàm phán và thừa nhận của quốc tế đối với VietGAP để giúp giá trị cá tra VietGAP tăng lên, từ đó người dân mới toàn tâm toàn ý vào VietGAP bên cạnh những tiêu chuẩn khác như BAP, GlobalGAP, ASC...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
VietGAP trong nuôi trồng thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO