Về làng chằm nón bài thơ

Hòa Vang| 16/11/2016 10:14

(KHPT) Làng Phú Cam nay là phường Phước Vĩnh, ngay ở trung tâm thành phố Huế. Nón Huế, nón Phú Cam trông rất thanh mảnh, mỏng nhẹ, soi lên ánh sáng thấy rõ những hình trổ giấy về phong cảnh Huế kèm theo lời thơ được cài ở hai lớp lá.

Một bô lão ở làng Phú Cam cho hay, ngày trước, cả làng có tới ngàn hộ đều chằm nón, nhưng từ ngày nhiều người dùng nón vải, nghề làm nón nơi đây bắt đầu mai một. Nhất là khi có quy định đội mũ bảo hiểm, thì số phận nón lá Huế dường như đã khác trước. Nón làm ra ít người mua, cho nên nhiều hộ làm nón ở làng Phú Cam dần chuyển sang nghề khác. Ðến nay, cả làng chỉ còn khoảng 20 hộ làm nón, mà chủ yếu là làm nón lá để bỏ mối các chợ, đưa đi các tỉnh xung quanh tiêu thụ.

Chiếc nón bài thơ xứ Huế có vẻ thanh lịch hơn những chiếc nón lá ở các vùng khác. Sở dĩ có sự khác biệt như vậy vì nguyên liệu để “chằm” nón là lá cọ, lá buông ở rừng A Lưới, rừng Nam Ðông của Huế rất thanh mảnh, bền dai. Muốn nón bền, đẹp, người làm nón phải tự tay chọn những chiếc lá vừa đủ một tháng tuổi, đã phát triển hết chiều dài, chiều ngang. Ấy là khi lá không quá non cũng không quá già, chưa chuyển sang màu xanh đậm, các bẹ lá vẫn ôm khít nhau và độ mềm vừa đủ. Nếu khéo léo, nghệ nhân chỉ cần 9 đến 10 đọt lá là có thể làm thành một chiếc nón hoàn chỉnh. Sau khi lá được cột lại thành từng chùm thì đến công đoạn đạp lá bằng chân, để sau đó sấy lá dễ chín đều. Thời gian sấy lá kéo dài đến 5 giờ, phải trở lá liên tục. Ðến khâu ủi lá thì tương đối phức tạp, bởi phải ủi thật đều tay thì lá mới đủ độ phẳng và láng.

Lồ ô tươi có đót dài là nguyên liệu thích hợp để vót những vòng tròn cho “bộ vành” trong thân nón. Người chằm nón lấy một cây kim nhỏ đã luồn sẵn sợi cước mảnh trong suốt và bắt đầu chằm nón. Cuối cùng là quét một lớp dầu nhựa thông lên mặt ngoài giúp nón bóng, sáng và không thấm nước. Những chiếc nón bài thơ của làng nghề cũng bán cho khách du lịch với giá từ 40 - 50 ngàn đồng/chiếc. Ðể làm đa dạng các mẫu nón, các nghệ nhân khác đã sáng tạo ra những chiếc nón nhỏ hơn dành cho trẻ em, rồi những xâu nón gồm một bộ năm chiếc treo trang trí trong nhà. Không chỉ là vật dụng để che nắng, che mưa, giờ đây nón Huế đã thật sự trở thành món quà đầy ý nghĩa cho du khách phương xa mỗi khi đến Huế.

Lồng trong chiếc nón bài thơ là những hình ảnh quen thuộc thân thương của xứ Huế được in lồng giữa hai lớp lá nón, nào sông Hương, nào núi Ngự, nào cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ,... tất cả những hình ảnh tiêu biểu của cố đô đã được “lồng” vào chiếc nón Huế. Những chiếc nón lá thanh tao ẩn hiện lung linh những vần thơ “xứ Huế”: “Ai ra xứ Huế mộng mơ /Mua về chiếc nón bài thơ làm quà”, “Dạ thưa xứ Huế bây giờ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”, “Ta chừ xa Huế đã đành / Nỗi niềm tâm sự vẫn dành cho nhau”, “Anh gửi lại em một cành hoa sứ tím / Tạ ơn đời, em mãi Huế trong anh”, “Gió đưa cành trúc la đà / Tiếng chuông thiên mụ, canh gà Thọ Xương”... Những câu thơ trên được ẩn hiện trên chiếc nón bài thơ như mơ hồ, sâu lắng trên dòng Hương giang êm ả; trên thành quách lâu đài lối cổ xưa trong những cơn mưa bụi xa mờ xứ Huế.

12B

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về làng chằm nón bài thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO