Ứng dụng công nghệ thông tin: giải pháp sống còn cho ngành du lịch Việt Nam

Anh Thư| 26/05/2017 10:17

KHPTO - Tại hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch – xu hướng và giải pháp đón đầu trước hội nhập ngành du lịch Việt Nam”, do Viện du lịch, Trường đại học kinh tế TP.HCM tổ chức, các nhà khoa học đều khẳng định tầm quan trọng và tính cấp thiết của ứng dụng CNTT cho ngành du lịch hiện nay.

Nghiên cứu của tác tác giả Lê Chí Công, Lê Công Hoa, Trường đại học Nha Trang và Trường đại học kinh tế quốc dân, dựa trên nền tảng lý thuyết marketing online (MO) và hiệu quả ứng dụng để đánh giá thực trạng áp dụng MO tại 100 doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Khánh Hòa. Kết quả cho thấy, doanh nghiệp du lịch tại Khánh Hòa đã nhận thức đư­ợc vai trò và hiệu quả của MO trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, việc áp dụng còn nhiều bất cập do thiếu chiến lược thực hiện, hạn chế về nguồn vốn đầu tư­, chất lượng nhân sự triển khai và việc nắm bắt các công cụ MO mới như: website, email marketing, tối đa hóa công cụ tìm kiếm… cũng như hạ tầng thông tin còn yếu. Trên cơ sở thực trạng ứng dụng MO tại các doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu trình bày bốn giải pháp cơ bản: hoàn thiện chiến lược MO; xây dựng các sản phẩm du lịch ấn tượng, mới lạ; huy động nguồn lực thực thi MO; thực thi hiệu quả công cụ MO; và phát triển hạ tầng thông tin.

DSC_6927

Tìm hiểu tác động của việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với ngành hàng không dân dụng, tác giả Nguyễn Thị Thu Thủy, Trường đại học kinh tế TP.HCM cho rằng, xu hướng chung của nền công nghiệp 4.0 trên toàn thế giới, đặc trưng là hệ thống sản xuất thực - ảo (cyber physical system – CPS). Đối với ngành hàng không dân dụng, việc ứng dụng CNTT và truyền thông (ICT) trong việc tự động hóa, cũng như trao đổi, phân tích dữ liệu trong kinh doanh là vô cùng cần thiết.

Khi nghiên cứu vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch ở Pháp và các kinh nghiệm cho Việt Nam, tác giả Hàn Viết Thuận, Trường đại học kinh tế quốc dân cho rằng, ngày nay, dữ liệu chính là tiền bạc của các công ty du lịch. Vào mùa du lịch, các công ty rất bận rộn để thu thập hàng triệu dữ liệu phát sinh từ những hồ sơ lưu tên tuổi khách hàng, các e - mail trao đổi, thói quen, những sở thích của khách hàng, lịch  sử các giao dịch, dữ liệu về giá cả các tour du lịch, khảo sát phản hồi của khách hàng, nhật ký các cuộc gọi... Đó là một kho dữ liệu lớn  - big data. Đa số trong số đó là những dữ liệu phi cấu trúc, do đó không thể sử dụng các công cụ xử lý dữ liệu có cấu trúc truyền thống. Việc khai thác một cách hiệu quả kho big data sẽ mang lại những lợi ích rất to lớn cho các công ty du lịch. Chẳng hạn việc phân tích khách hàng và marketing lòng trung thành của họ, nhờ big data có thể giúp tạo ra một góc nhìn toàn diện 360 độ về khách du lịch để tạo nên một chuyến đi hoàn hảo. Bằng cách cải thiện đáng kể những tương tác với khách hàng mọi lúc mọi nơi thông qua các trải nghiệm của họ, các công ty du lịch có thể cải thiện lòng trung thành của khách hàng. Những hồ sơ khách hàng hoàn chỉnh có thể giúp các công ty khám phá ra những phương cách mới để tương tác với họ cũng như cải thiện dịch vụ và chiến lược marketing của mình.

Ở một hướng khác, tác giả Cao Hồng Minh, Học viên ngân hàng, phân viện Phú Yên đã phân tích ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hành vi lựa chọn điểm đến đối với trường hợp khách du lịch đến Phú Yên, thông qua phương pháp điều tra bằng bảng câu hỏi. Kết quả cho thấy tác động của truyền thông xã hội đến quá trình lập kế hoạch cũng như ra quyết đinh lựa chọn điểm đến du lịch là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, ảnh hưởng của truyền thông xã hội trong việc lựa chọn điểm đến du lịch Phú Yên nói riêng, lại không thực sự rõ ràng. Kết quả này gợi mở về một số khuyến nghị chính sách đối với vấn đề xúc tiến và quảng bá điểm đến du lịch Phú Yên thông qua truyền thông xã hội.

Theo tác giả, du lịch là ngành công nghiệp đi đầu trong việc ứng dụng intemet và các giao dịch trực tuyến. Các sản phẩm du lịch thường được mua trước và cách xa điểm tiêu thụ, vì vậy người mua thường phải dựa vào thông tin mô tả về các điểm đến để ra quyết định. Sự bùng nổ của truyền thông xã hội đã tạo ra một cơ hội tốt trong việc xây dựng và duy trì mối quan hệ giữa điểm đến du lịch và khách hàng, đặc biệt là những khách hàng bận rộn. Ngoài ra, truyền thông xã hội cũng tạo ra sự kết nối giữa những khách du lịch tiềm năng của một điểm đến với những du khách đã thực sự trải nghiệm điểm đến đó. Việc trao đổi kinh nghiệm du lịch, đánh giá về các điểm đến du lịch cũng như chia sẻ thông tin, hình ảnh, video du lịch đã trở nên vô cùng đơn giản. Truyền thông xã hội, vì vậy, không chỉ thay đổi cách thức làm du lịch của các đơn vị kinh doanh du lịch, tức là hành vi của nhà cung ứng, mà còn làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, ở đây chính là khách du lịch.

Ứng dụng công nghệ Semantic Web (web ngữ nghĩa) cho thương mại điện tử trong ngành du lịch là đề nghị của nhóm nghiên cứu Nguyễn Sĩ Thìn, Nguyễn Thị Hòa, Trường cao đẳng CNTT hữu nghị Việt – Hàn và Trường cao đẳng thương mại. Theo các tác giả, hầu hết các hệ thống tìm kiếm hiện có đều đi theo hướng truyền thống là tìm kiếm theo từ khóa. Có nghĩa là các hệ thống tìm kiếm sẽ hiển thị một danh sách rất nhiều các tài liệu có chứa từ khóa cần tìm, mà có thể có nhiều tài liệu không liên quan gì. Do đó, các công nghệ mới là cần thiết để cấu trúc thông tin tốt hơn, cải thiện tìm kiếm và đặt ngữ nghĩa vào thông tin. Vì vậy hướng tiếp cận semantic web là một cách khả thi để đáp ứng những yêu cầu này. Semantic Web sử dụng ontology như một trình diễn có cấu trúc về tri thức để cải thiện thông tin truy xuất, hỗ trợ người và máy tìm kiếm thông tin tốt hơn trên các trang web.

Hơn nữa, thương mại điện tử ngày nay đang phát triển mạnh mẽ và việc tìm kiếm được ghi nhận là điểm bắt đầu cho hầu hết các giao dịch trong thương mại điện tử trong ngành du lịch. Tuy nhiên, chất lượng của bộ máy tìm kiếm hiện tại vẫn chưa thực sự hiệu quả. Sự ra đời của công nghệ Semantic Web cung cấp sự hỗ trợ lớn trong việc tìm kiếm chính xác các sản phẩm du lịch theo nhu cầu cụ thể của người dùng. Với công nghệ Semantic Web, quá trình tìm kiếm có thể dựa trên đặc tính của sản phẩm ngành du lịch mà khách hàng cần. Hơn thế nữa, các dịch vụ về Semantic Web còn hỗ trợ cho các hoạt động xử lý nghiệp vụ trong quy trình kinh doanh và thậm chí các cuộc đàm phán, đặt tour, phòng. . . tự động.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ thông tin: giải pháp sống còn cho ngành du lịch Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO