Trồng cây lấn biển để giảm thiểu tác hại của hiện tượng nước biển dâng

25/04/2008 10:30

Nhóm các nhà khoa học của Hội nước và môi trường TP.HCM (Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM) vừa đề xuất dự án nghiên cứu nói trên. TS. Ngô Hoàng Văn, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội nước và môi trường, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, mục tiêu của dự án này là nhằm giảm thiểu mực nước triều ở phần đất liền so với mực nước triều ngoài biển từ vài chục centimet đến 1 mét (sẽ giảm đáng kể thiệt hại về đời sống ở vùng đất hiện hữu khi nước biển dâng).

TS. Ngô Hoàng Văn cho biết, nghiên cứu khảo sát cho thấy thềm lục địa vùng biển phía nam khá nông, có nơi cách biển hàng chục km vẫn chưa chạy được tàu lớn. Trong khi đó nền đá gốc lại rất sâu, có nơi đến hàng trăm mét. Thềm lục địa như vậy sẽ rất thuận lợi cho việc trồng cây, song không thuận lợi cho việc xây dựng công trình. Thời gian triều dâng và hạ thường là 6 giờ. Ảnh hưởng của mực nước triều vào tới các địa điểm nhất định trong đất liền thường phải thông qua sông.

Muốn chống ảnh hưởng của mực nước triều thường có 2 cách: ngăn dòng chảy hay cản trở dòng chảy. Trồng rừng là cách thứ hai. Tuy nhiên không thể trồng trên sông. Trên một đoạn sông chỉ có thể đóng cọc hoặc gắn cọc để tạo rừng giả. Cây và rừng cản trở dòng chảy không trực tiếp để sau đó có tác dụng như hồ điều hòa trên biển để phân luồng dòng chảy trên sông. Khi triều dâng, mực nước biển tăng đều ở mọi điểm trên bờ biển. Ở bờ biển có rừng, mực nước từ ngoài vào đến bờ đất bị cản trở nên thấp hẳn so với mực nước triều trên sông. Do vậy sẽ hình thành dòng chảy từ sông dọc theo bờ biển phân luồng dòng chảy chính và làm giảm mực nước triều trên sông. Giải pháp trồng rừng thuần túy này có thể giảm được mực triều vài centimet và dự kiến có tác dụng trong khoảng 10 năm đầu.

Khi mực nước biển dâng cao hơn, phải dùng rừng phân luồng kết hợp với việc xây bãi cọc cản triều trên sông. Ở cửa sông nhỏ đóng cọc xuống đất. Ở cửa sông lớn cọc gắn trên trục nằm ngang sông thành hàng cọc có thể quay được. Khi có tàu đi qua cọc được quay nằm sát đáy sông theo hướng tàu chạy. Khi có lũ cọc được quay nằm sát đáy sông theo hướng biển. Trên một đoạn cửa sông có thể xây dựng một số hàng cọc. Cọc có hình tròn, vuông hoặc bảng. Vật liệu làm cọc có thể là gỗ hoặc nhựa cốt thép (đề phòng khi lỡ xảy ra va chạm không làm hư hỏng tàu bè). Giải pháp bãi cọc trên sông kết hợp phân luồng nước vào rừng sẽ giúp hạn chế mực nước triều vài chục centimet. Theo tính toán, giải pháp này sẽ áp dụng cho khoảng 20 năm tiếp theo.

Nếu mực nước biển tiếp tục dâng cao hơn nữa, cần phải xây dựng đê bao quanh khu rừng (có thể xây đập đất có nhân bằng nhựa tấm). Khi ấy khu rừng biến thành hồ điều hòa có hai cửa: cửa vào ở phía sông (nhằm làm giảm mực nước trên sông), cửa ra ở phía biển (nhằm xả nước hồ khi triều xuống). Giải pháp hồ điều hòa ngoài biển kết hợp với bãi cọc trên sông có thể làm giảm mực nước đến 1 mét, và có thể áp dụng cho 30 năm tiếp theo.

Trong trường hợp biến đổi khí hậu kéo theo tăng mưa nguồn gây lũ lớn hay trường hợp lũ do thiên tai, hệ thống hồ điều hòa ngoài biển có thể hỗ trợ thoát lũ. Khi ấy bãi cọc trên sông được quay nằm sát đáy sông. Khi triều lên lũ không thoát được thì dùng hồ điều hòa phân lũ cho sông (đóng cửa ra và mở cửa vào). Khi triều xuống nước sông thoát được, mở cửa ra để xả nước. Dung tích hồ điều hòa này sẽ rất lớn (tối thiểu 3 giờ lưu lượng lũ của sông) và dung tích hữu ích chỉ được tính từ chân triều trở lên.v

Nội dung cụ thể sẽ thực hiện trong 10 năm đầu của dự án:

- Lập quy hoạch trồng rừng lấn biển và các công trình trên biển Cần Giờ (công trình cảng biển Cần Giờ đã được UBND TP.HCM thông qua, đề nghị cảng phải nằm cách bờ biển trên 10 km, thay vì 2 km trong quy hoạch trước đây).

- Lập dự án và thiết kế chi tiết khu vực trồng cây, các đảo chắn sóng.

- San nền đáy biển để phù hợp với sự phát triển của cây và giảm tác hại do sóng biển. Vật liệu san nền đáy biển có thể là rác hữu cơ đã được xử lý; bùn đáy nạo vét sông rạch đã được xử lý.

- Trồng thử nghiệm cây trên biển, dự kiến địa điểm trồng thí điểm ban đầu là phần biển cạn giữa đảo Thạnh An và rừng ngập mặn hiện hữu, đảo nhỏ bên cạnh đảo Thạnh An.

- Trồng cây và xây dựng đảo nhân tạo theo kế hoạch hàng năm của dự án.

- Nghiên cứu xác định chân triều, đỉnh triều khi mực nước biển dâng lên 0,5 mét và 1 mét để có cơ sở thiết kế công trình cản trở triều áp dụng cho giai đoạn sau năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trồng cây lấn biển để giảm thiểu tác hại của hiện tượng nước biển dâng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO