Trà với sức khỏe

LY.DS. BÀNG CẨM| 24/03/2017 05:09

(KHPTO) Trà trước nay được xem là thức uống giúp sống lâu. Các danh y đời Đường Trung Hoa cho rằng: “Thuốc là thuốc của các bệnh, còn trà là thuốc của trăm bệnh”, đã đánh giá cao giá trị bảo vệ sức khỏe của trà. Từ lâu, người dân Việt Nam cũng có thói quen thưởng thức món uống đầy chất nhân văn này

Trà có những thành phần dinh dưỡng gì?

Năng lượng: So với các thực phẩm khác, trà là một loại thức uống năng lượng thấp. Năng lượng của trà có liên quan chất lượng và chủng loại trà. Thường trà chất lượng tốt, năng lượng càng cao. Xét về năng lượng, trà xanh chứa năng lượng cao nhất (1,26 – 1,46 Kcal), kế đến là trà đỏ, trà hoa, trà ô long, trà bánh thấp nhất.

Protid: Hàm lượng protid trong trà tương đối cao. Hơn nữa các acid amin cần thiết được tạo thành so với trứng gà và đậu nành thì chủng loại càng hoàn thiện.

Hydratcacbon: Tài liệu mới cho biết, hàm lượng hydratcacbon trong trà nhiều khoảng 40%, một số loại trà tốt đạt trên 60%, với phần nhiều là những polysaccharide.

Lipid: Trà chứa lipid không cao, trà xanh không vượt quá 3%, trà bánh với hàm lượng là 8%.

Vitamin: Nhóm vitamin tan trong nước có chứa trong trà thì tan hết trong nước sôi, tỷ lệ chiết xuất hầu như đạt 100%.

Chất khoáng và nguyên tố vi lượng: Trà chứa 4% - 9% chất khoáng, trong đó 50% - 60% tan trong nước sôi, được cơ thể tận dụng hấp thu, có ích cho sức khỏe. Thành phần vô cơ có hàm lượng nhiều nhất trong trà là K, P, kế đến là Ca, Mg, Fe, Mn… các nguyên tố Cu, Zn, S hàm lượng ít hơn. Những loại trà khác nhau sẽ có hàm lượng hơi khác biệt, trà xanh chứa P và Zn nhiều hơn trà đỏ, nhưng Ca, Cu, Na của trà đỏ nhiều hơn trà xanh.

Trà có tác dụng bảo vệ sức khỏe như thế nào?

            Trà dinh dưỡng phong phú, chứa gần 400 thành phần. Chủ yếu gồm caffeine, theophylline, tinh dầu thơm, hydratcacbon, nhiều vitamin, protid và các acid amin. Trong trà còn chứa nhiều chất khoáng gồm Ca, P, Fe… Những thành phần này rất có ích cho cơ thể. Chức năng chính của chúng là giải khát sinh tân (tạo nước, thể dịch), sảng khoái tỉnh não, tiêu thực chống béo ngậy, thông tiện lợi tiểu, tan đàm trị ho, sáng mắt thanh nhiệt…

Lợi tiểu cường tim: Uống trà giúp điều trị nhiều bệnh đường tiết niệu như thủy thũng, viêm bàng quang, viêm niệu đạo…, đối với sỏi đường tiết niệu, trà cũng có tác dụng bài sỏi nhất định. Nhóm người không uống trà tỷ lệ mắc bệnh mạch vành là 3,1%, thỉnh thoảng uống trà là 2,3%, thường uống trà là 1,4%. Bởi lẽ caffeine và theophylline chứa trong trà có thể gây hưng phấn trực tiếp trên tim, giãn động mạch vành, làm cho máu đi vào tim một cách đầy đủ, nâng cao chức năng tự tại của tim.

Sát khuẩn tiêu viêm: Trà đối với que khuẩn (E. coli), tụ cầu khuẩn (Staphylococcus) và virus… đều có tác dụng ức chế. Bởi lẽ các hợp chất polyphenol như polyphenolic, xanthin trong trà sẽ kết hợp với protein của virus, làm giảm hoạt tính của các virus.

Sinh tân giải khát: Sách Bản thảo cương mục đã ghi: “Trà đắng vị hàn…….. giáng hỏa rất tốt. Hỏa là trăm bệnh, hỏa giáng tức đã thanh nhiệt!”. Nhất là vào mùa nắng, trà là thức uống tốt nhất chống say nắng, giải nhiệt, trừ bệnh tật.

Tiêu thực trừ ngậy: Uống trà giúp trừ béo ngậy, trợ tiêu hóa. Do trà có chứa một số hợp chất amin thơm, chúng làm tan chất béo, trợ giúp tiêu hóa thức ăn từ thịt.

Giảm áp, chống lão hóa: Polyphenolic, vitamin C và PP chứa trong trà giúp giảm mỡ, giảm huyết áp, cải thiện chức năng mạch máu.

Sảng khoái tỉnh não: Trong trà có chứa caffeine, chất này có tác dụng hưng phấn thần kinh.

Phòng chống ung thư: Thành phần polyphenolic trong trà có hiệu quả chống ung thư rất rõ, dịch chiết từ nước hãm trà có tác dụng ngăn cản sự hình thành chất gây ung thư nitrosamin. Nhiều nghiên cứu khắp nơi đều cho thấy trà là thức uống dự phòng hay điều trị chứng ung thư hiệu quả. Hội ung thư học Mỹ vận động dân chúng hàng ngày uống 6 tách trà xanh có thể giúp dự phòng ung thư.

Chống co thắt, bình suyễn: Uống trà có hiệu quả vã mồ hôi trừ mệt, giúp chống co thắt định suyễn, có tác dụng điều trị bệnh cảm ho. Theophylline trong trà hưng phấn trực tiếp với trung tâm hô hấp, có công hiệu cứu nguy khi bị suy hô hấp.

Răng chắc xương khỏe: Nguyên tố fluor giúp răng chắc xương khỏe, dự phòng sâu răng. Các bệnh răng miệng thường gặp như viêm loét lưỡi miệng, chảy máu chân răng thường do thiếu vitamin C gây ra. Trong trà chứa nhiều vitamin C, uống trà giúp bổ sung phần nào sự thiếu hụt vitamin C từ thức ăn.

Làm đẹp giảm béo: Uống trà vừa phải có công hiệu nhuận da làm đẹp, tan mỡ giảm béo.

Tác dụng giải độc: Acid tannic chứa trong trà có thể phản ứng với những chất độc như kim loại và alkaloid. Sau khi uống nhầm những chất độc này, nên nhanh chóng uống ngay trà đậm, giúp trì hoãn và giảm bớt hấp thu chất độc.

            Trà là một trong ba thức uống lớn lừng danh thế giới, được xem là “thức uống vua của người phương Đông”.

Phải chăng có những lời khuyên cho người uống trà?

            Uống trà quả nhiên có nhiều điểm tốt, tuy nhiên, không thể uống trà vào bất cứ lúc nào, nên chọn thời điểm thích hợp, nếu không, sẽ có những ảnh hưởng không tốt cho cơ thể.

Không uống trà ngay sau bữa ăn: Uống trà ngay sau bữa ăn, không những làm loãng dịch vị, trỡ ngại tiêu hóa, hơn nữa trong trà có chứa nhiều acid tannic, chất này sẽ phản ứng với protid tạo ra chất mang tính thu liễm; mặt khác, acid tannic sẽ kết hợp với Fe của thức ăn tạo ra chất tủa không tan, làm cho Fe khó được hấp thu, dễ tạo ra thiếu máu; hơn thế nữa do tác dụng thu liễm của acid tannic, làm chậm nhu động đường ruột, kéo dài thời gian phân lưu lại trong ruột, dễ gây ra táo bón, còn tăng khả năng chất độc hại và chất gây ung thư được cơ thể hấp thu, có hại cho cơ thể. Do vậy, thường uống trà 1 giờ sau bữa ăn là thích hợp.

Không uống trà trước khi đi ngủ: Uống trà có thể gây hưng phấn và đi tiểu nhiều. Nếu ban đêm uống trà trước khi ngủ, nhất là uống trà đậm, tất sẽ gây hưng phấn, tiểu nhiều mà ảnh hưởng giấc ngủ bình thường.

Không uống trà khi đang sốt cao. Khi sốt, mạch đập nhanh, huyết áp cũng tăng, nếu uống trà, nhất là trà đậm, thì theophylline trong trà sẽ làm cho thân nhiệt càng tăng lên. Caffeine và theophylline còn sẽ làm giảm hay mất tác dụng của một số loại thuốc hạ sốt. Ngoài ra, acid tannic trong trà còn có tác dụng thu liễm, không tốt cho việc bài tiết mồ hôi, cản trỡ cơ thể thải nhiệt bình thường. Cho nên, uống trà khi sốt, không chỉ không đạt tác dụng thanh nhiệt hạ sốt, trái lại sẽ tạo ra những ảnh hưởng không tốt cho cơ thể. Do vậy, người đang phát sốt uống nước đun sôi là tốt nhất.

Không uống trà sau khi say rượu: Một số người sau khi say rượu, có thói quen uống vài tách trà đậm để giải rượu, việc làm này không tốt cho sức khỏe. Bởi lẽ thành phần chính của rượu là ethanol, trong cơ thể có thể bị oxy hóa thành ethylaldehyde. Quá trình phân giải ethanol trong cơ thể diễn ra hơi chậm, thường mất 3 – 4 giờ. Sau khi uống trà đậm, caffeine, theophylline… trong trà có tác dụng lợi tiểu, làm cho ethylaldehyde chưa kịp phân giải đã tích tụ tại thận, làm cho thận bị kích thích bởi quá nhiều ethylaldehyde, theo đó ảnh hưởng chức năng thận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trà với sức khỏe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO