Tìm hiểu về ngành học quản trị kinh doanh

Anh Thư| 12/03/2017 10:13

KHPTO - Quản trị kinh doanh là lựa chọn của nhiều thí sinh khi nộp hồ sơ tuyển sinh đại học, hầu hết các khoa quản trị kinh doanh của nhiều trường đại học đều có số lượng sinh viên lớn so với các khoa khác.

Hiện nay ngành này thường đào tạo các chuyên ngành:
Chuyên ngành quản trị doanh nghiệp: định hướng cho sinh viên tập trung nghiên cứu về hành vi của cá nhân và tổ chức, đặc biệt là ứng dụng lý thuyết vào tình huống quản lý thực tế. Nội dung nghiên cứu liên quan đến kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng ra quyết định, lập kế hoạch và điều chỉnh hoạt động của tổ chức thích ứng với môi trường kinh doanh, hoạch định phát triển nguồn nhân lực, quản lý sản xuất và dịch vụ.
Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành quản trị doanh nghiệp có thể khởi nghiệp như quản trị viên ở các công ty vừa và nhỏ trong nước; đặc biệt là các công ty liên doanh, công ty đa quốc gia, … hoặc xây dựng và quản lý doanh nghiệp của riêng mình, công ty gia đình. Sinh viên cũng có thể làm việc trong các doanh nghiệp và tổ chức chính phủ hay các tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ.
Chuyên ngành kinh doanh quốc tế: sinh viên được trang bị các mô hình lý thuyết và công cụ phân tích cần thiết để hiểu được nhiều khía cạnh của môi trường kinh doanh quốc tế: tài chính, tiếp thị, chính trị, kinh tế, luật, văn hóa và sự ảnh hưởng của môi trường này đến chiến lược, kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
Sinh viên có khả năng nắm bắt các vấn đề liên ngành trong môi trường kinh doanh toàn cầu, cụ thể là ba lĩnh vực có quan hệ mật thiết với nhau và ảnh hưởng đến doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi quốc tế như: kinh tế – tài chính quốc tế, tiếp thị quốc tế và chiến lược kinh doanh quốc tế.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kinh doanh quốc tế, sinh viên có thể khởi nghiệp như quản trị viên ở các công ty vừa hoặc nhỏ có hoạt động kinh doanh, sản xuất hoặc đầu tư trên phạm vi quốc tế, hoặc các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, các công ty đa quốc gia.
Chuyên ngành tiếp thị (marketing): trang bị cho sinh viên các mô hình lý thuyết và công cụ phân tích cần thiết để hiểu rõ động thái của khách hàng tổ chức, cá nhân; có khả năng thực hiện công tác quản trị chiến lược tiếp thị cho doanh nghiệp, bao gồm nghiên cứu thị trường, phân khúc thị trường, định vị sản phẩm và triển khai các chiến lược truyền thông, quan hệ công chúng, phát triển thương hiệu …
Cơ hội nghề nghiệp: định hướng tiếp thị đặc biệt thích hợp cho sinh viên có ý định công tác trong các lĩnh vực: bán hàng và quản trị việc bán hàng ; kinh doanh bán lẻ; nghiên cứu thị trường, và truyền thông, quan hệ công chúng, tổ chức sự kiện .
Chuyên ngành quản trị nhà hàng – khách sạn: giúp sinh viên nhận biết sâu sắc xu hướng và sự phát triển vượt bậc của ngành du lịch – khách sạn trong môi trường toàn cầu hóa, qua đó nắm bắt các loại hình kinh doanh trong ngành công nghiệp dịch vụ du lịch – khách sạn; nắm vững kỹ năng chuyên sâu về quản trị ngành này ; khả năng quản lý và tổ chức các hoạt động kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn và tạo lập doanh nghiệp mới; khả năng hoạch định chính sách, chiến lược của kế hoạch kinh doanh của nhà hàng – khách sạn; phát triển kỹ năng chuyên nghiệp về quản trị du lịch – khách sạn trong suốt quá trình đào tạo tại trường và thực tập.
Cơ hội nghề nghiệp: sinh viên tốt nghiệp ngành quản trị du lịch – khách sạn có thể đảm đương các vị trí sau:
-Quản lý bộ phận ẩm thực trong khách sạn cũng như các nhà hàng tiêu chuẩn 5 sao.
-Làm việc trong các bộ phận kinh doanh, bộ phận hoạch định chính sách của các công ty du lịch và khách sạn.
-Phụ trách bộ phận nhân sự, kế toán, tài chính, marketing,..
Ngoài những mục tiêu và cơ hội nghề nghiệp của từng chuyên ngành thì sinh viên ngành quản trị kinh doanh còn được trang bị các kiến thức, kỹ năng và các khả năng sau khi ra trường. Hiện nay, hầu hết các trường đều có chuẩn đầu ra cho mỗi chuyên ngành đào tạo, tùy theo mỗi trường có thể đưa ra các chuẩn khác nhau, nhưng nói chung là sinh viên tốt nghiệp sẽ có các kỹ năng liên quan đến các lĩnh vực như sau:
- Kỹ năng phân tích và phản biện: sinh viên tốt nghiệp có khả năng hiểu, phân tích và khai thác các số liệu; sử dụng tốt các kỹ năng giải quyết vấn đề để đưa ra quyết định kinh doanh cũng như xây dựng các báo cáo. Sinh viên tốt nghiệp được trang bị tư duy phản biện tốt, từ đó phân tích, đánh giá nhằm đưa ra cách giải quyết. Sinh viên có thể diễn giải và đánh giá những tình huống phức tạp, xác định vấn đề, áp dụng lý thuyết đã học vào tình huống mơ hồ hoặc các vấn đề  mới chưa có tiền lệ từ đó ra quyết định và ứng dụng trong thực tiễn.
-Kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm: sinh viên tốt nghiệp có khả năng giao tiếp một cách hiệu quả bằng tiếng Anh trong tất cả các hình thức giao tiếp như văn bản, thuyết trình, tổ chức và chia sẻ thông tin. Sinh viên tốt nghiệp có được kỹ năng của một thành viên nhóm hiệu quả. Những ý kiến hay hành động của sinh viên sẽ hữu ích với những thành viên khác trong nhóm; biết học hỏi và tôn trọng những khả năng và đóng góp của đồng nghiệp. 
- Khả năng tự đào tạo và nhận thức triển vọng: mỗi sinh viên luôn được khuyến khích xây dựng thái độ và hành vi tự học phù hợp với môi trường kinh doanh. Sinh viên tốt nghiệp có khả năng tự đào tạo, tự trau dồi kiến thức hoặc thông qua các cơ sở đào tạo, tham gia vào các hiệp hội nghề nghiệp. Sinh viên có thể sử dụng các tài liệu và nguồn lực để tham khảo, biết cách đặt ra những câu hỏi hiệu quả và thích hợp. Sinh viên có thể lĩnh hội, mô tả, giải thích những yếu tố liên quan đến môi trường ngành công nghiệp (như khách hàng, cạnh tranh, nhà cung cấp, luật, môi trường) và đánh giá sự ảnh hưởng đến họat động của tổ chức hay các vấn đề và quyết định trong kinh doanh.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm hiểu về ngành học quản trị kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO