Thêm nghiên cứu mới về cây trinh nữ

N.Q| 13/01/2017 21:57

KHPTO - Nhóm nghiên cứu Trần Trọng Hiếu,Trường Đại học Trà Vinh và Nguyễn Hữu Hiệp, Trường Đại học Cần Thơ đã Phân lập và khảo sát đặc tính của vi khuẩn nội sinh ở cây trinh nữ (Mimosa pudica L.) tại tỉnh Trà Vinh.

Kết quả nghiên cứu cho thấy có 16 dòng vi khuẩn kháng được với vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây bệnh đốm đỏ ở cá. Trong đó, dòng TH10 có đường kính vòng vô khuẩn lớn nhất (15,5 mm), 12 dòng vi khuẩn kháng vi khuẩn Escherichia coli gây bệnh tiêu chảy ở người và động vật, 7 dòng vi khuẩn kháng vi khuẩn Staphylococcus aureus gây bệnh viêm da, trong đó dòng NH11 có đường kính vòng vô khuẩn lớn nhất, là 8,00 mm.
Tập đoàn vi khuẩn nội sinh có lợi trong cây trồng đã kích thích cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt nhờ chúng có khả năng cố định đạm, hòa tan lân khó tan, tổng hợp các kích thích tố tăng trưởng thực vật như IAA và các hợp chất kháng khuẩn tự nhiên, có khả năng trực tiếp ức chế một số bệnh hoặc kích thích cây trồng sản xuất các hợp chất biến dưỡng thứ cấp chống lại các tác nhân gây bệnh. 
Việt Nam có nguồn tài nguyên thực vật vô cùng phong phú và quý giá, đó luôn là đề tài hấp dẫn các nhà khoa học trong nước và trên thế giới. Trong đó, cây Trinh nữ là một trong những cây dược liệu phổ biến đã được Đông y cổ truyền sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh. Theo Azmi et al. (2011) thì tất cả các bộ phận khác nhau của cây Trinh nữ có chứa nhiều chất có hoạt tính sinh học và dược lý quan trọng, có tác dụng chống lại các bệnh về thần kinh, tim mạch, rối loạn tiêu hóa, tiểu đường, chữa lành vết thương, chống oxy hóa, kháng độc, kháng khuẩn và kháng nấm. 
Theo Hardoim et al., (2008) các vi khuẩn nội sinh với cây dược liệu có khả năng sản xuất trực tiếp các hợp chất kháng khuẩn tự nhiên và kích thích cây chủ sản xuất các hợp chất biến dưỡng trung gian, các hợp chất có tính kháng khuẩn. Vì thế, việc ứng dụng những dòng vi khuẩn nội sinh có lợi trong sản xuất phân vi sinh bón cho cây trồng, nhằm giảm sử dụng phân bón hóa học và ứng dụng hiệu quả trong lĩnh vực y vi sinh, để tạo ra các loại thuốc kháng sinh thảo dược thay thế một phần thuốc kháng sinh tân dược có nguồn gốc hóa học, góp phần bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái nông nghiệp bền vững là việc làm cấp thiết.
Mục tiêu nghiên cứu này là phân lập, tuyển chọn và nhận diện các dòng vi khuẩn nội sinh ở cây Trinh nữ (Mimosa pudica L.) tại tỉnh Trà Vinh có các đặc tính tốt như khả năng cố định đạm, tổng hợp IAA, hòa tan lân khó tan, đặc biệt là có tính kháng khuẩn.
Mẫu thu gồm nốt rễ, rễ, thân và lá của cây Trinh nữ mọc hoang ở huyện Cầu Ngang, Châu Thành và Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh được thu vào buổi sáng sớm và chiều mát, thu luôn phần đất xung quanh gốc cây với độ sâu khoảng 4-5 cm, bảo quản mẫu thu được trong túi nylon sạch khuẩn sau đó mang về để tiến hành xử lý mẫu và phân lập tại Phòng thí nghiệm Vi sinh vật thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Cần Thơ. Nguồn vi khuẩn gây bệnh E.coli và S.aureus được cung cấp từ Phòng thí nghiệm Sinh học Phân tử thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Cần Thơ. Nguồn vi khuẩn gây bệnh A.hydrophila được cung cấp từ Bộ môn Bệnh cá thuộc Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ.
Kết quả nghiên cứu cho thấy có 16 dòng vi khuẩn kháng được với vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây bệnh đốm đỏ ở cá. Trong đó, dòng TH10 có đường kính vòng vô khuẩn lớn nhất (15,5 mm), 12 dòng vi khuẩn kháng vi khuẩn Escherichia coli gây bệnh tiêu chảy ở người và động vật, 7 dòng vi khuẩn kháng vi khuẩn Staphylococcus aureus gây bệnh viêm da, trong đó dòng NH11 có đường kính vòng vô khuẩn lớn nhất là 8,00 mm.
Có 44 dòng vi khuẩn nội sinh đã được phân lập từ nốt rễ, rễ, thân và lá của cây Trinh nữ tại tỉnh Trà Vinh trên môi trường dinh dưỡng PDA (pH=6,5). Tất cả 44 dòng vi khuẩn này đều có khả năng cố định đạm và tổng hợp IAA. Trong đó, có 29 dòng có khả năng hòa tan lân khó tan. Hai dòng NH11 và TH10 có khả năng cố định đạm, tổng hợp IAA, hòa tan lân, đặc biệt là có tính kháng khuẩn mạnh được định danh lần lượt là Klebsiella pneumoniae dòng NH11 và Bacillus megaterium dòng TH10. Nhóm nghiên cứu cho rằng, các dòng vi khuẩn có tính kháng khuẩn triển vọng này cần được tiếp tục khảo sát thêm khả năng kháng khuẩn đối với một số loài vi khuẩn và nấm gây bệnh khác.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm nghiên cứu mới về cây trinh nữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO