Tạo vùng kinh tế trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao

N.Hoa| 30/12/2016 22:38

KHPTO - Theo TS. Dương Minh Tâm, phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, trên thế giới, từ sự thành công điển hình của mô hình "Thung lũng Silicon" tại bang Califomia - Mỹ, có nhiều quốc gia phát triển “Vùng công nghệ cao” với các tên gọi thích hợp với từng mô hình.

Từ thời đại nông nghiệp (đến năm 1800), chuyển qua thời đại công nghiệp hóa và một số quốc gia đã bắt đầu chuyển qua "thời đại kỹ thuật số" hay nền kinh tế tri thức, các khu công nghệ cao, viện nghiên cứu, trường đại học đã trở thành hạt nhân hình thành vùng kinh tế có năng suất lao động vượt trội so với nền kinh tế công nghiệp.

Đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chất keo kết dính các địa phương trong vùng rất hấp dẫn trong vài thập niên tới đây chính là "liên kết để cùng chuyển đổi, phát triển công nghệ cao", hướng về nền kinh tế tri thức. Trong đó, phát triển ứng dụng công nghệ cao mạnh mẽ vào cả 3 khu vực: công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ - thương mại.

Một số kinh nghiệm hình thành "Vùng công nghệ cao" đã thành công được trình bày tóm tắt sau đây:

Đô thị khoa học, vùng khoa học công nghệ (Technopolis, Science City): với diện tích rộng lớn hàng trăm km2 trở lên, tạo thành một vùng đô thị khoa học đặc trưng, thí dụ khu thung lũng Silicon gồm các thị trấn Palo Alto, Santa Clara, San Jose, Sunnyvale, đến nay thêm vùng dọc theo đường 101 (Netvalley),... của vùng Vịnh San Fracisco (Mỹ); Khu Tsucuba (Nhật), Khu Trung Quan Thôn gồm 5 quận của thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc); Khu Sophia Antipolis rộng 2.400 ha gồm 4 tổng địa phương phụ thuộc (Pháp), Thành phố Akađemgorod của Liên Bang Nga hiện nay đã biến đổi từ thành phố khoa học bao cấp thành khu sản xuất phần mềm rất lớn gồm nhiều thị trấn; Khu Bangalore (ấn Độ) cũng lan rộng thành vùng kinh tế quan trọng của Ấn Độ trong 10 năm gần đây.

Trong vùng kinh tế mới tạo ra, xuất hiện các trung tâm dân cư mà hạt nhân là khu công nghệ cao, khu công nghiệp kỹ thuật cao, công viên khoa học, khu đổi mới công nghệ. Các trung tâm này có tác động nghiên cứu, sản xuất. Đa số có mô hình khu công nghệ cao chuyên ngành như: khu công viên phần mềm; khu nông nghiệp công nghệ cao; khu điện tử -vi mạch; khu công nghệ sinh học ứng dụng.

*Vùng thung lũng Silicon (Silicon Valley)

Theo một số tư liệu phổ biến, khu thung lũng Silicon được thành lập năm 1951 tại Palo Alto (tây nam San Francisco, Mỹ), rộng gần 1.000 km2 chủ yếu phát triển công nghệ thông tin. Tuy vậy, điều này chưa nói lên hết bản chất sự hình thành của khu công nghệ cao này. Ngay từ ngữ "thung lũng Silicon” (Silicon Valley) chỉ mới xuất hiện vào đầu thập kỷ 1970.

Sự kiện Đại học Stanford cho thuê 3.240 ha đất nhà trường để làm khu công nghiệp Stanford vào năm 1951 đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện các công ty nhỏ chuyên về sản xuất linh kiện điện tử, nhưng sau này trở thành các "đại gia": General Electric, Eastman Kodak, Lockheed Aerospace, IBM, Xerox, Syntex, Synvar,.. Đến giai đoạn công nghiệp vi mạch trong khu công nghiệp Stanford này xuất hiện thêm: Fairchild, Intel, ADM (các công ty chuyên về chíp CPU máy vi tính), Signetics (sau này đổi là Philips Semieonductors).

* Vùng Sophia Antipolis - Pháp

Sophia Antipolis nằm ở phía Nam nước Pháp, được thành lập vào năm 1960, là một tập hợp các viện nghiên cứu và đào tạo, các doanh nghiệp phát triển và các trung tâm nghiên cứu và sản xuất, cũng như những tổ chức cá nhân và xã hội khác. Khu này được xây dựng như là một thành phố trí tuệ khoa học công nghệ mang tính quốc tế. Khu Sophia Antipolis được xây dựng với mục đích hình thành và phát triển một trung tâm kinh tế chú trọng vào CNC để biến một vùng lớn của Pháp trở thành một trong những trung tâm phát triển kinh tế ở nam Châu Âu.

* Thành phố khoa học Tsukuba (TsukubaScienceCity)

Thành phố khoa học Tsukuba của Nhật Bản là một dự án quốc gia được thực hiện trên một khu vực rộng 28.560 ha. Nó được phát triển thành một thành phố khoa học có quy hoạch cẩn thận bao gồm các khu nhà ở lân cận, các cơ sở giáo dục và thương mại, các văn phòng, các viện thử nghiệm và nghiên cứu quốc gia. Ngoài ra, để có được sự cân bằng, người ta còn phát triển khu vực ngoại vi thành phố. Thành phố khoa học Tsukuba được thành lập từ năm 1970, nhằm thúc đẩy khoa học công nghệ và đào tạo, đồng thời có mục đích tiếp nhận một phần dân cư từ Tokyo.

* Khu công nghệ cao Hsinchu (Tân Trúc, Đài Loan, Trung Quốc)

Khu công nghệ cao (CNC) Hsinchu thành lập năm 1980, nằm trong khu vực cách Đài Bắc 80 km do Uỷ ban khoa học Đài Loan chuẩn bị và tổ chức triển khai. Khu CNC Hsinchu có diện tích 743 ha bao gồm cả 118 ha ở Chunan Bay. Đến 2015, đã thành lập thêm 5 công viên khoa học xung quanh, Công viên khoa học Hsinchu là nơi thực hiện sự hợp tác tay ba: giữa trung tâm nghiên cứu khoa học; các trường đại học; và các hãng công nghệ cao, gồm các công viên: Jhunan, Tongluo, Longtan and Yilan, Hsinchu Biomedical Science Park. Doanh thu trung bình hàng năm cả vùng đã tăng gấp 20 lần từ năm 1980 đến  2010 với các trung tâm công nghệ cao. Riêng khu Hsinchu đã góp doanh số 40 tỷ USD/năm, trong đó doanh thu từ hoạt động R&D là 3,239 tỷ USD. Hàng năm trung bình có 4.000 bằng sáng chế và đào tạo cho 6.000 lượt người. Giá trị gia tăng của sản phẩm làm ra trên 55%.

*Khu công nghệ cao Kulim Malaysia:

Đây là khu công nghệ cao (CNC) đầu tiên của Malaysia được hình thành với sự tư vấn nghiên cứu khả thi, quy hoạch của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Khu được thành lập từ năm 1992 và chính thức hoạt động từ năm 1993 với các chức năng ban đầu là thu hút FDI về công nghiệp CNC, nghiên cứu - triển khai CNC và hướng đến hình thành một đô thị khoa học với đầy đủ các tiện nghi, ưu đãi cho các nhà khoa học công nghệ, các công ty sản xuất trên cơ sở CNC. Diện tích Khu hiện đã lên đến 1.450 ha. Khu Kulim góp phần tạo vùng công nghiệp rất lớn tại Bang Kedah, thúc dẩy nền kinh tế địa phương phát triển đồng bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo vùng kinh tế trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO