Sử dụng tinh dầu lá trầu không như kháng sinh được chiết xuất từ thiên nhiên

Như Quỳnh| 15/01/2017 08:36

KHPTO - Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Trường đại học Cần Thơ cho thấy, tinh dầu lá Trầu không biểu hiện hoạt tính kháng vi sinh vật tốt .

Cây Trầu không có tên khoa học là Piper betle L. hay Piper sriboa L., thuộc họ Hồ tiêu (Piperaceae), là một trong những loài thực vật nhiệt đới quan trọng ở khu vực châu Á, được trồng rộng rãi ở Ấn Độ, Sri Lanka, Malaysia, Thái Lan, … Ở nước ta, trong y học cổ truyền Việt Nam, lá trầu được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như nhai trầu để chắc răng, chữa viêm mủ chân răng, nước sắc lá trầu để rửa hoặc đắp trị vết thương, bỏng, lở loét, mụn nhọt, chàm, lá trầu ngâm trong nước sôi dùng nhỏ mắt để chữa bệnh viêm kết mạc... (Đỗ Tất Lợi, 2003).

Nghiên cứu này tìm hiểu về thành phần hoá học và khả năng kháng vi sinh vật của tinh dầu lá trầu trồng ở Hậu Giang, một địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm đóng góp cơ sở khoa học cho tác dụng điều trị các bệnh do nhiễm khuẩn và nấm của tinh dầu Trầu không, đồng thời làm phong phú thêm nguồn dược liệu có ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Lá Trầu không được thu mua trực tiếp tại vườn trầu huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang và được định danh bằng cách tham chiếu với tài liệu tham khảo (Shukla, R., 2015). Nguyên liệu còn tươi được xử lý sơ bộ, loại tạp chất, rửa sạch và xay nhuyễn trước khi tiến hành ly trích tinh dầu.

Tinh dầu lá Trầu không được ly trích bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước trực tiếp, với bộ chưng cất tinh dầu Clevenger, kết hợp việc sử dụng muối NaCl để hỗ trợ sự khuếch tán của tinh dầu trong quá trình lôi cuốn tinh dầu theo hơi nước. Đồng thời khảo sát sự ảnh hưởng của thời gian chưng cất, thể tích và nồng độ dung dịch muối được sử dụng trong quá trình chưng cất đến hàm lượng tinh dầu thu được.

Kết quả cho thấy tinh dầu lá Trầu không thể hiện hoạt tính ức chế 3 chủng vi sinh vật kiểm định: vi khuẩn Gram (+) Bacillus subtillis, nấm mốc Aspergillus niger và Fusarium oxysporum với giá trị MIC lần lượt là 100, 200 và 200 µg/mL. Trong đó, các loài nấm mốc Aspergillus không chỉ gây bệnh ở thực vật mà còn gây ra các bệnh nghiêm trọng ở người như các bệnh nấm Aspergillosis (Thomas, 2015); nấm F.oxysporum gây ra bệnh héo vàng ở nhiều loài thực vật, loài nấm này gây hại nhiều loại cây trồng trên tất cả các bộ phận, đặc biệt bộ phận gốc và rễ của cây (Rosado-Álvarez, 2014). Kết quả này cho thấy tiềm năng kháng khuẩn và kháng nấm của tinh dầu Trầu không có thể ứng dụng được vào thực tế.

Qua nghiên cứu này, quá trình chiết xuất tinh dầu từ lá Trầu không bằng phương pháp lôi cuốn hơi nước ở quy mô phòng thí nghiệm đã đề xuất điều kiện tối ưu về thời gian (240 phút), nồng độ dung dịch NaCl (15%) và thể tích nước cất thêm vào bình cầu (500 mL) với hiệu suất đạt được cao nhất là 0,63%. Kết quả nghiên cứu về thành phần hoá học trong tinh dầu Trầu không Hậu Giang được so sánh với kết quả của một nghiên cứu tương tự được thực hiện ở Ấn Độ (Bhanu P. et al., 2010) nhận thấy có sự khác nhau về các hợp chất thuộc nhóm phenylpropene trong hai tinh dầu ở hai vùng nguyên liệu khác nhau. Trong khi hợp chất chủ yếu trong tinh dầu Trầu không Hậu Giang là 4- allyl-1,2-diacetoxybenzene (34,55%) thì eugenol là thành phần chiếm hàm lượng cao nhất trong tinh dầu Trầu không ở Ấn Độ (63,39%), hai hợp chất này là đồng phân vị trí nhóm chức của nhau. Có sự khác nhau trên có thể là do khí hậu, thổ nhưỡng hoặc phương pháp ly trích tinh dầu.

Tinh dầu lá trầu không được ly trích thành công bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước đạt hiệu suất 0,63%. Bằng phương pháp phân tích sắc ký khí ghép khối phổ (GC-MS), thành phần hóa học chính trong tinh dầu lá Trầu không được xác định là hợp chất 4-Allyl-1,2-diacetoxybenzene với hàm lượng 34,55%. Hoạt tính kháng vi sinh vật của tinh dầu được đánh giá bằng phương pháp pha loãng đa nồng độ để xác định nồng độ ức chế tối thiểu (MIC). Kết quả thử hoạt tính kháng vi sinh vật cho thấy tinh dầu Trầu không có khả năng ức chế sự tăng trưởng của 3 chủng vi sinh vật: B. subtillis, F. oxysporum và A. niger với giá trị MIC lần lượt là 100, 200 và 200μg/mL.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng tinh dầu lá trầu không như kháng sinh được chiết xuất từ thiên nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO