Sử dụng radar thời tiết để dự báo, cảnh báo dông ở TP.HCM

Như Quỳnh| 15/12/2016 09:33

KHPTO - Dông là nhiễu động có tính chất địa phương, thường kèm theo hiện tượng phóng điện gây nên sấm và chớp.

Nhóm nghiên cứu Lê Đình Quyết, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, Bùi Thị Tuyết, Trường đại học tài nguyên và môi trường TP.HCM  đã nghiên cứu sử dụng radar thời tiết kết hợp phần mềm raob để dự báo, cảnh báo hiện tượng dông ở TP.HCM.
Dông là một trong những hiện tượng thời tiết nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động dân sinh kinh tế. Hiện tượng thời tiết này có quy mô nhỏ nên dự báo sự xuất hiện cũng như cường độ dông vẫn là vấn đề khó khăn, phức tạp. Do đó, việc sử dụng radar thời tiết kết hợp phần mềm RAOB để dự báo, cảnh báo hiện tượng dông ở TP.HCM là rất cần thiết. 
Nhóm nghiên cứu thống kê giá trị sản phẩm Cmax và XSECT từ radar thời tiết nhằm tính xác suất xảy ra dông. Ngoài ra, sử dụng các chỉ số bất ổn định khí quyển từ số liệu thám không, giá trị tổng hợp Y của radar để xây dựng phương trình hồi quy, chạy chương trình dự báo dông bằng phần mềm được tính toán bằng ngôn ngữ Fortran. Mục đích là nâng cao năng lực dự báo, góp phần chủ động phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do dông gây ra.
Dông xảy ra trong mây đối lưu phát triển mạnh. Dông là nhiễu động có tính chất địa phương, thường kèm theo hiện tượng phóng điện gây nên sấm và chớp. TP.HCM nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa thường xuất hiện dông vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11. Thời gian qua đã có nhiều thiệt hại bởi dông gây ra. Thậm chí có những trường hợp dông ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến tính mạng con người. Dông là hiện tượng thời tiết quy mô nhỏ nên dự báo sự xuất hiện cũng như cường độ vẫn là vấn đề khó khăn, phức tạp. Bên cạnh các phương pháp truyền thống, phân tích bản đồ synop và ảnh mây vệ tinh, nhằm mục tiêu nâng cao độ chính xác của kết quả dự báo dông, chủ động trong việc phòng tránh các hiện tượng thời tiết nguy hiểm thì việc ứng dụng phần mềm RAOB và ảnh radar thời tiết đóng vai trò khá quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho phương pháp dự báo truyền thống. 
Trong nghiên cứu này, các tác giả sử dụng chuỗi số liệu từ năm 2010 đến năm 2012 của trạm thám không vô tuyến Tân Sơn Hòa, trạm Radar thời tiết Doppler Nhà Bè để phân tích, tính toán thống kê. Các phương pháp nghiên cứu được áp dụng bao gồm: thống kê dữ liệu sản phẩm thứ cấp của radar, cụ thể là giá trị phản hồi vô tuyến cực đại theo cột Cmax và sản phẩm mặt cắt ngang khối mây XSECTđể xác định độ cao đỉnh mây. 
Nhóm nghiên cứu sử dụng phần mềm RAOB để tính các chỉ số bất ổn định khí quyển từ số liệu thám không vô tuyến, tiến hành tính toán tương quan bằng tính năng hàm Correl, vẽ đồ thị dạng điểm (Scatter), tìm đường ngoại suy bằng chức năng Add Trendline để xây dựng phương trình hồi quy. Sau đó tiến hành chạy chương trình dự báo xác suất xảy ra dông và dự báo dông bằng phần mềm Fortran. 
Qua kết quả nghiên cứu hiện tượng dông vào năm 2010, 2011, 2012 cho thấy: năm 2010 dông xảy ra khoảng 103 ngày/năm, tháng 6 có số ngày dông cao nhất là 19 ngày. Năm 2011 dông xảy ra khoảng 108 ngày/năm, tháng 7 có số ngày dông cao nhất là 22 ngày. Năm 2012 dông xảy ra tương đối ít khoảng 68 ngày/năm, tháng 7 có số ngày dông cao nhất là 13 ngày. 
Năm 2010 tháng 4 có số giờ dông và số ngày dông thấp nhất. Tháng 6 có số ngày dông cao nhất nhưng số giờ dông lại tập trung nhiều vào tháng 7. Năm 2011 tháng 4 vẫn là tháng có số giờ dông và số ngày dông thấp nhất. Tháng 7 có số ngày dông cao nhất, trong khi số giờ dông lại tập trung nhiều vào tháng 11. Năm 2012 tháng 11 có số giờ dông và số ngày dông thấp nhất. Tháng 7 vẫn là tháng có số ngày dông cao nhất, nhưng số giờ dông lại tập trung nhiều vào tháng 5. Qua đó cho thấy hiện tượng dông biến đổi không có quy luật.
Từ 1g00- 11g00 và sau 21g00 tần suất xuất hiện dông hầu như không có hoặc có ở mức độ thấp. Dông xảy ra có xu hướng tăng dần từ 13g00 và bắt đầu giảm dần sau 19g00. Cụ thể: năm 2010 tần suất xuất hiện dông tập trung nhiều nhất lúc 17g00. Năm 2011, 2012 diễn biến gần như nhau tập trung nhiều nhất lúc 19g00. Tuy nhiên, theo số liệu giờ bắt đầu xảy ra dông các năm 2010, 2011, 2012 thì giờ bắt đầu xảy ra dông không nhất thiết phải đúng 19g00, thông thường dông tập trung nhiều trong khoảng 18g00- 18g45.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, radar thời tiết Doppler có khả năng xác định được vùng nào dông, vùng nào không dông một cách khá chi tiết.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng radar thời tiết để dự báo, cảnh báo dông ở TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO