Startup Việt: ý tưởng tốt và sáng tạo thôi vẫn chưa đủ!

Bài, ảnh: TUYẾT MAI| 22/01/2017 10:27

KHPT - Tại Việt Nam, các doanh nghiệp trẻ theo mô hình khởi nghiệp (startup) cũng đã hình thành từ vài năm gần đây, nhưng chưa có nhiều thành công bởi rất thiếu các điều kiện phát triển ban đầu như văn phòng, nhân lực, nguồn vốn, mô hình kinh doanh...

Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam

Theo TS. Nguyễn Hải An – giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, các bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp đa phần mới tốt nghiệp đại học hoặc vẫn đang là sinh viên nên luôn gặp nhiều khó khăn để biến ý tưởng của mình trở thành sản phẩm thực sự. Dù chấp nhận làm không cần lương, họ vẫn thiếu chỗ ngồi, thiếu trang thiết bị, môi trường làm việc, nghiên cứu, quy trình thành lập công ty... Đây đều là những rào cản không dễ vượt qua đối với một startup.

Khoảng gần 10 năm trước đây, các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài cũng từng rất quan tâm tới các doanh nghiiệp công nghệ trẻ của Việt Nam. Nhưng do sức ép phải bảo toàn vốn cho nhà đầu tư nên các quỹ đầu tư quốc tế cũng không dám mạo hiểm rót vốn vào mà chỉ đầu tư nhỏ giọt để các startup tiềm năng tạo dựng được thương hiệu, từ đó bán lại cổ phần với giá cao hơn cho các quỹ đầu tư khác theo kiểu “gặt lúa non”. Hạn chế này khiến nhiều startup Việt Nam khi chưa kịp tạo được đà phát triển tốt đã lại rơi vào cảnh thiếu vốn, phải tập trung làm thương hiệu theo yêu cầu của nhà đầu tư hơn là tạo ra các sản phẩm chất lượng tốt thực sự.

Cần tạo vườn ươm cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Israel... cho thấy, để khởi nghiệp thành công, cần tạo ra một môi trường vườn ươm để các “hạt giống” startup có điều kiện nảy mầm tốt nhất. Môi trường này được gọi là hệ sinh thái khởi nghiệp và cần được xây dựng bởi chính quyền sở tại để đảm bảo tính ổn định và độ sẵn sàng về các điều kiện giúp các startup khởi nghiệp.

Theo đó, Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng và then chốt trong việc thúc đẩy các startup hoạt động hiệu quả, cũng theo TS. Nguyễn Hải An thì Nhà nước cần có những hành động hỗ trợ cụ thể sau:

- Cần chung tay chia sẻ những rủi ro trong hoạt động đầu tư mạo hiểm: rủi ro đối với ngân hàng có thể được chia sẻ thông qua hoạt động bảo lãnh công nghệ trong tín dụng; rủi ro đối với các nhà đầu tư có thể được chia sẻ khi Nhà nước đối ứng với vốn đầu tư của các nhà đầu tư thiên thần.

- Cần tham gia vào hoạt động đầu tư mạo hiểm cho các lĩnh vực khoa học & công nghệ (KH&CN) có thể mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và kinh tế quốc gia như công nghệ sinh học, vật liệu mới... mà các nhà đầu tư tư nhân chưa mấy mặn mà.

- Đối với giai đoạn đầu khởi nghiệp khi doanh nghiệp mới chỉ có ý tưởng công nghệ chứ chưa thực sự có nguồn thu, doanh nghiệp sẽ rất khó gọi được vốn đầu tư từ các quỹ. Do đó, Nhà nước cần hỗ trợ vốn mồi cho doanh nghiệp trong giai đoạn đầu, có thể bằng cách trực tiếp đầu tư, tài trợ hoặc đối ứng đầu tư với các nhà đầu tư thiên thần và các quỹ đầu tư cho giai đoạn đầu. Giai đoạn phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp càng sớm, tỷ lệ đối ứng của Nhà nước càng cao.

- Cần hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động đào tạo, tập huấn khởi nghiệp, nhất là tại các trường đại học. Đây chính là đầu vào dồi dào cho các ý tưởng công nghệ khởi nghiệp. Và cuối cùng, Nhà nước cần kết nối các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp thành một mạng lưới để họ biết được những thông tin về nhau một cách dễ dàng hơn, từ đó nâng cao số lượng và hiệu quả đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Startup Việt: ý tưởng tốt và sáng tạo thôi vẫn chưa đủ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO