Sấy rong nho bằng kỹ thuật sấy lạnh kết hợp bức xạ hồng ngoại

Như Hoa| 19/02/2017 12:10

Khoa Học Phổ Thông, khoa học, tạp chí, tin tức

Rong nho biển (Caulerpa lentillifera J. Agardh, 1837) là loài rong biển giàu các hoạt chất sinh học như vitamin nhóm A, nhóm B, nhóm C, polyphenol, chlorophyll,… và đặc biệt là caulerpin - một chất có tác dụng kích thích vị giác làm ngon miệng cũng như có khả năng chữa bệnh, giúp điều hòa huyết áp và tăng cường tiêu hóa, kháng ung thư, chống đông tụ, kháng virus, chống oxy hóa,…

Vì vậy rong nho được nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, … rất ưa chuộng sử dụng. Hiện rong nho được du nhập về nuôi trồng ở Việt Nam chủ yếu ở 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận và được sử dụng dưới dạng tươi. Rong nho có cấu trúc mô lỏng lẻo, chứa nhiều nước nên dễ bị hư hỏng trong quá trình bảo quản. Vì vậy việc nghiên cứu sấy khô rong nho nhằm kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm là rất cần thiết - cơ sở cho việc phát triển nghề nuôi trồng một cách bền vững.

Theo nhóm nghiên cứu, hiện chưa có một công trình nào tại Việt Nam và trên thế giới công bố nghiên cứu về sấy rong nho.

Một trong những kỹ thuật sấy mới có nhiều ưu điểm hiện nay là sấy lạnh kết hợp sấy bức xạ hồng ngoại. Kỹ thuật sấy này làm giảm thời gian sấy và nhiệt độ sấy thấp. Do đó rong nho sấy ít bị biến đổi về chất lượng. Hơn nữa kỹ thuật sấy này còn giúp hạn chế sự biến tính dẫn đến làm giảm đặc tính quan trọng của nguyên liệu sấy đó là khả năng tái hydrat hóa sau sấy. Nghiên cứu  này trình bày tối ưu hóa công đoạn sấy rong nho bằng kỹ thuật sấy lạnh kết hợp bức xạ hồng ngoại.

Rong nho từ 35 đến 40 ngày tuổi được thu mua ngay tại ao nuôi trồng rong nho của các hộ dân tại Cam Ranh - Khánh Hòa. Sau khi thu hoạch, tiến hành loại bỏ phần thân bò và các phần thân đứng bị dập hoặc rụng phần “nho”, thu phần thân đứng có kích thước trung bình 6 cm -12 cm, đóng vào thùng xốp và vận chuyển về cơ sở sơ chế rong nho đặt tại tổ Phúc Ninh, phường Cam Phúc Nam, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa để nuôi phục hồi trong 3-4 ngày trong điều kiện có sục khí. Sau khi nuôi phục hồi, rong nho được vớt ra, tách nước và bao gói bằng bao bì PE, mỗi túi 1kg. Sau đó xếp vào các thùng xốp theo tiêu chuẩn 10kg/thùng và vận chuyển về phòng thí nghiệm làm nguyên liệu cho quá trình nghiên cứu sấy khô.

Kết quả phân tích một số chỉ tiêu lý hóa và vi sinh đối với rong nho sấy lạnh, rong nho sấy nóng và phơi nắng cho thấy rong nho sấy lạnh đảm bảo được chất lượng cảm quan, các chỉ tiêu hóa lý và vi sinh tốt hơn so với rong nho sây bằng các phương pháp khác. Hơn nữa, công nghệ lạnh kết hợp hồng ngoại hoàn toàn có thể triển khai ở điều kiện Việt Nam. Những điều này cho thấy công nghệ lạnh kết hợp hồng ngoại sẽ là công nghệ tiên phong trong lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch góp phần đảm bảo chất lượng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên.

Từ các kết quả, nhóm nghiên cứu rút ra một số kết luận : trong công đoạn sấy lạnh kết hợp bức xạ hồng ngoại, khả năng tái hydrat của rong nho khô sau sấy (Y) chịu ảnh hưởng của tốc độ gió trong buồng sấy, nhiệt độ, khoảng cách chiếu bức xạ, chiều dày nguyên liệu sấy và tuân theo một mô hình toán học.

Nhóm nghiên cứu đã xác định được điều kiện tối ưu cho công đoạn sấy rong nho: nhiệt độ sấy; tốc độ gió; khoảng cách từ nguồn bức xạ đến nguyên liệu sấy (rong nho) là 19 cm và chiều dày nguyên liệu sấy 1,8 cm. Rong nho sấy thu được đạt chất lượng cảm quan, vệ sinh an toàn thực phẩm và có chất lượng vượt trội so với các kỹ thuật sấy nóng và phơi nắng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sấy rong nho bằng kỹ thuật sấy lạnh kết hợp bức xạ hồng ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO