Sáng chế thiết bị ép trái cây tiện dụng

Huỳnh Văn| 16/11/2016 13:11

KHPT-Em Nguyễn Thiên Cát, học lớp 8/1, Trường THCS Phú Phong (huyện Châu Thành, Tiền Giang) vừa thực hiện thành công ý tưởng sáng chế ra thiết bị ép trái cây đa năng. Thiết bị này được trao giải ba Cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật do Sở GD&ĐT tổ chức trong năm 2016.

Sau tiết học môn vật lý lớp 8 về lực tác dụng, trên đường đi học về, nhìn thấy chú phụ xe dùng con đội nâng sàn xe để thay vỏ chiếc xe tải bị nổ, rồi liên tưởng đến hình ảnh mẹ phải dùng sức vắt cơm dừa sau khi nạo lấy nước cốt dừa để làm bánh hay chế biến món ăn (nấu chè, làm rau câu…) thế là em nảy sinh ý tưởng sáng chế ra thiết bị vừa để ép xác dừa, vừa dùng để ép trái cây lấy nước khi cần.

Nghe Thiên Cát trình bày ý tưởng, thấy có lý, ông Nguyễn Văn Cẩm (cha em Thiên Cát) nhờ chú thợ hàn trong xóm giúp hiện thực hóa ý tưởng của Thiên Cát.
Thiết bị này được làm bằng chất liệu inox gồm: cối ép, con đội hơi (cao 20 cm, được định vị bởi 2 thanh sắt nằm ngang), khung ép gồm mặt đế để đỡ cối và 2 trục chịu lực hai bên (cao 70 cm, nối với mặt đế theo phương đứng) nhằm định vị con đội tăng, giảm kích thước theo chiều lên, xuống để ép nguyên liệu chứa trong cối (cơm dừa, trái cây…). Cối ép là một khối trụ tròn cao 30 cm, đường kính 25 cm, phía ngoài có đục nhiều lỗ nhỏ (5 mm). Bên trong cối là tấm ép bằng inox dày 5 mm hàn dính với một trục inox (theo phương đứng), tiếp xúc với chân đội qua thanh inox nằm ngang (nối với 2 thanh chịu lực). 
Khi cần ép cơm dừa khô hoặc trái cây (thanh long, sơ ri, khế…), cho nguyên liệu này vào bồng (túi vải) rồi đặt vào trong cối. Sau khi cố định tấm ép và đậy nắp cối, dùng tay bẫy từ từ con đội. Khi chiều cao con đội tăng lên, đẩy trục và tấm ép đi xuống để ép nguyên liệu thành nước thoát ra theo các lỗ bên hông của cối và chảy xuống máng hứng được bố trí ở đáy cối. 
Để đảm bảo cung cấp vừa đủ lực ép (không làm bung 2 bulon bắc thanh sắt định vị đầu trên con đội), trên 2 trục chịu lực có kẻ vạch để người ép chú ý khi thao tác con đội đi xuống sao cho tác dụng lực ép vừa đủ ứng với lượng trái cây trong cối (từ 0,5 - 6 kg).
Qua vận hành, ông Cẩm cho biết, thiết bị này ép nguyên liệu rất triệt để, đặc biệt là cơm dừa khô. Với cùng một khối lượng cơm dừa, nếu vắt bằng tay chỉ thu được 6,5 lít, trong khi sử dụng thiết bị để ép có thể thu được 10 lít nước cốt. Ngoài ra, xác dừa sau khi ép tương đối khô ráo, có thể cho vào bếp củi để đốt, không gây ô nhiễm môi trường.
"Thiết bị này có giá thành khoảng 2,5 triệu đồng, một số cơ sở sản xuất bánh kẹo (cần sử dụng nước ép trái cây, nước cốt dừa để sản xuất bánh kẹo, làm bánh tráng…) có thể đầu tư để sản xuất nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. So với một số thiết bị ép hiện có trên thị trường, thiết bị này khi vận hành đỡ tốn sức lực hơn (do không phải dùng tay để quay cối). Ngoài ra, có thể sử dụng một máy nén khí mini để cung cấp hơi cho con đội tác dụng lực lên tấm ép (không phải dùng tay để gật con đội), khi đó việc vận hành thiết bị này sẽ tiện dụng hơn rất nhiều" - ông Cẩm cho biết thêm.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng chế thiết bị ép trái cây tiện dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO