Sáng chế chiếc "bẫy chuột thông minh"

HUỲNH VĂN XĨ| 16/11/2016 13:03

KHPT-Em Trần Thị Thúy Hằng, học sinh lớp 9/2 Trường THCS Phú Mỹ (xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước) đã sáng chế ra chiếc "bẫy chuột thông minh" có thể bẫy được nhiều chuột, không gây nguy hiểm cho người và sau khi bẫy, chuột vẫn còn sống, không gây ô nhiễm môi trường.

Trên thị trường hiện có nhiều loại bẫy chuột nhưng có loại bẫy, chuột bị bẫy thì chết gây ô nhiễm môi trường; có loại, chuột bị bẫy vẫn còn sống nhưng chỉ bẫy được một lần hoặc chỉ bắt được 1, 2 con (bẫy sập làm các con chưa mắc bẫy hoảng sợ). Ngoài ra, các loại bẫy sập sử dụng lò xo có thể gây nguy hiểm cho người nếu vô tình chạm phải. Từ thực tế trên, em Trần Thị Thúy Hằng, học sinh lớp 9/2 Trường THCS Phú Mỹ (xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước) đã sáng chế ra chiếc "bẫy chuột thông minh". Chiếc bẫy này có thể bẫy được nhiều chuột, không gây nguy hiểm cho người và sau khi bẫy, chuột vẫn còn sống, không gây ô nhiễm môi trường.

Chiếc bẫy này gồm 2 phần: lồng 1 có cửa bằng lưới thép lúc nào cũng đóng theo nguyên lý hoạt động của đòn bẩy (tấm gỗ dẫn vào lồng được thiết kế nặng hơn tấm cửa lưới thép nên nằm bên dưới, cửa lưới thép nhẹ hơn nằm bên trên nên cửa lúc nào cũng ở vị trí đóng). Khi ta đặt thức ăn để nhử chuột vào, chuột theo đường dẫn lên tấm gỗ đi vào đến cửa lưới thép, khi đó trọng lượng của chuột và tấm lưới thép sẽ nặng hơn tấm gỗ làm cửa mở, dẫn chuột đi vào bên trong lồng. Khi chuột vừa qua khỏi cửa, lưới thép sẽ bật lên, cửa sẽ đóng lại. Tuy nhiên, chuột có thể thoát ra ngoài khi có chú chuột khác đến và leo lên cửa lưới thép làm cửa lại mở ra. Do đó phải thiết kế thêm lồng thứ 2.
Lồng 2 được thiết kế với cửa đi vào là một tấm thép mỏng, được đặt nghiêng theo hướng từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới như mặt phẳng đi qua 2 cạnh huyền của một tam giác (cửa vào này chỉ có một chiều vào và không có chiều ra). Khi chuột chui vào lồng 1 và bị nhốt tại đây, do bản năng tìm đường thoát, nó sẽ chui tiếp vào cửa thép thứ 2 (có lắp đèn chiếu sáng bên trong để kích thích chuột tìm đường vào) và lúc này không có đường thoát ra. Tại lồng thứ 2 này có mở đường dẫn (sử dụng đoạn ống nhựa PVC) kết nối với bao lưới rộng để chuột bò vào. Chuột bị nhử vào bao lưới, không gây tiếng động, chỉ có tiếng kêu nên có tác dụng như vật mồi để dẫn dụ đám chuột bên ngoài tiếp tục tìm đường chui vào bẫy. Khi đó ta có thể bắt được nhiều chuột chỉ với một lần đặt bẫy trong thời gian ngắn.   
Sáng chế "bẫy chuột thông minh" của em Trần Thị Thúy Hằng được trao giải nhất Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Tiền Giang lần thứ 9 (2015 - 2016). 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng chế chiếc "bẫy chuột thông minh"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO