Quản lý bệnh chổi rồng theo quy trình mới

PHƯƠNG DUY| 10/11/2016 10:00

Khoa Học Phổ Thông, khoa học, tạp chí, tin tức

(KHPT) Bệnh chổi rồng đang hoành hành trên cây nhãn tiêu da bò tại ĐBSCL, để tìm giải pháp đối phó, Cục bảo vệ thực vật tổng hợp các kết quả nghiên cứu khoa học của Viện bảo vệ thực vật và kết quả từ thực tế đã ban hành quy trình kỹ thuật quản lý bệnh chổi rồng hại nhãn để nông dân ứng dụng hiệu quả hơn (quy trình này thay thế quy trình tạm thời, sổ tay phòng trừ bệnh chổi rồng đã ban hành trước ngày 28/6/2016).

Qua nhiều nghiên cứu cũng như tranh luận, đến thời điểm này, Cục bảo vệ thực vật vẫn cho rằng nhện lông nhung (Eriophyes dimocarpi) là nguyên nhân gây hại các bộ phận non của cây nhãn tạo ra triệu chứng chổi rồng. Triệu chứng này xuất hiện rất sớm trên đọt non và trên bông. Nhện lông nhung rất khó nhìn thấy bằng mắt thường, vòng đời ngắn (8 - 15 ngày), hình thành 13 - 15 thế hệ trong một năm. Nhện chích hút trên cả hai mặt lá của đọt non tạo ra lớp lông mịn và sống trong đó. Cần chú ý, nhện phát sinh mạnh vào các đợt cây nhãn ra đọt non ra bông, gây hại nặng nhất trong các tháng mùa khô (tháng 11, 12 và tháng 2, 3, 4). 
Theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn, sau khi thu hoạch nhãn, cần vệ sinh vườn, loại bỏ các ký chủ phụ trong hoặc gần vườn nhãn, bón phân NPK cân đối, tăng cường bón phân hữu cơ, bón phân trung vi lượng, giúp cây sinh trưởng tốt, ra hoa tập trung. Trong mùa khô cần tưới đủ nước, che phủ gốc bằng xác thực vật hoặc phủ bùn để giữ ẩm. Đối với vùng bị bệnh chổi rồng hại nặng, cần phun thuốc trừ nhện lông nhung (có kết hợp với dầu khoáng), thời điểm phun là cơi đọt 1, 2, phun khi đọt mới nhú 0,5 - 1 cm, phun kỹ lên đọt non, lá bánh tẻ và lá già. Khi mầm hoa vừa nhú 1 - 2 cm thì phun thuốc trừ nhện, phun kỹ lên mầm hoa, đọt non, lá bánh tẻ và lá già. Đối với vùng bệnh chổi rồng hại nhẹ thì tập trung phun thuốc trừ nhện lông nhung khi nhãn ra cơi đọt 1 và lúc ra bông. Sử dụng thuốc trừ nhện lông nhung trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam ban hành trong năm, phun theo nguyên tắc 4 đúng. Nên sử dụng luân phiên các loại thuốc trừ nhện lông nhung có cơ chế tác động khác nhau hoặc có hoạt chất khác nhau, tránh nhện kháng thuốc. Sau khi phun thuốc trên cơi bông, không phun thuốc trừ nhện lông nhung cho đến khi thu hoạch. 

Theo cục trưởng Cục bảo vệ thực vật, ông Hoàng Trung, trước mắt, các địa phương và nông dân tuân thủ quy trình kỹ thuật hướng dẫn của Cục bảo vệ thực vật quản lý nhện lông nhung, dập dịch kịp thời khi phát hiện, không để bùng phát như thời điểm trước đây. Ngoài ra, nông dân trồng mới hoặc cải tạo vườn cần chú ý giống nhãn chống chịu bệnh chổi rồng và nhện lông nhung, không nhân giống từ vườn bệnh. Ở vùng nhiễm nặng nên chọn trồng giống mới hoặc ghép cải tạo bằng giống chống chịu bệnh. Vườn trồng mới nên xử lý nhện lông nhung trên cây giống trước khi trồng. 

TS. Lê Quốc Cường, giám đốc Trung tâm bảo vệ thực vật phía Nam cho biết, trung tâm phối hợp với Chi cục bảo vệ thực vật các tỉnh có công bố dịch xây dựng các mô hình quản lý bệnh chổi rồng hại nhãn. Bằng các giải pháp kỹ thuật cũng đã tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và năng lực của nông dân về biện pháp canh tác, chăm sóc bón phân, quản lý nước thích hợp để cây nhãn phát triển khỏe. Khi cần, xử lý thuốc trừ nhện lông nhung một cách kịp thời. Đặc biệt là sự chỉ đạo và các chính sách hỗ trợ của địa phương để giúp dân tiêu hủy và ngăn chặn sớm nguồn bệnh, góp phần quản lý bền vững bệnh chổi rồng. Hai biện pháp có tác động và hiệu quả nhất để quản lý bệnh chổi rồng là cắt tỉa cành và quản lý dinh dưỡng (bón phân đủ lượng để cây bung đọt nhanh). Hai biện pháp này phải tiến hành song song, nếu thực hiện riêng lẻ, hiệu quả quản lý bệnh sẽ không cao. 

Hiện ở Việt Nam, các khảo sát ngoài đồng cho thấy mức độ nhiễm chổi rồng của các giống nhãn ở Nam bộ rất khác nhau. Có giống nhiễm nặng, nhiễm nhẹ hơn và có giống chưa thấy triệu chứng. Có 3 giống nhãn chưa xuất hiện triệu chứng, đó là nhãn long, super và xuồng cơm vàng. Riêng giống nhãn Idor đang phát triển hiện nay vẫn xuất hiện bệnh chổi rồng nên nông dân thường xuyên theo dõi để xử lý, không nên chủ quan dù bệnh chưa xuất hiện nhiều như trên nhãn tiêu da bò.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý bệnh chổi rồng theo quy trình mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO