Phẫu thuật ung thư thanh quản bằng nội soi laser

Bài, ảnh: Hồng Dung| 09/03/2017 07:50

KHPT- Ung thư thanh quản là loại thường gặp ở vùng đầu và cổ. Đàn ông bị ung thư này gấp đôi phụ nữ. Độ tuổi có thể mắc bệnh này là từ 40 tuổi trở lên, và cao điểm là khoảng trên 50 tuổi. Nếu phát hiện sớm, cơ may khỏi bệnh rất lớn…

Thanh  quản  là  gì?
GS. Nguyễn Chấn Hùng, chủ tịch Hội ung thư Việt Nam cho biết, thanh quản là phần trên của khí quản, dài khoảng 5 cm - hai dây thanh âm nằm trong thanh quản, rung lên khi không khí đi qua, tạo thành tiếng nói. Khi người ta thở hít luồng hơi đi qua thanh quản, xuống khí quản rồi vào phổi. Khi người ta nuốt, thanh quản chạy lên, sụn nắp che kín thanh quản, bảo đảm thức ăn, thức uống chạy xuống thực quản, không vào khí quản.

Triệu  chứng 
Có nhiều triệu chứng của ung thư thanh quản. Theo GS. Nguyễn Chấn Hùng, một số triệu chứng cần lưu tâm để có thể phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm là: 
- Khàn tiếng dai dẳng. Phần lớn ung thư mọc từ các dây thanh âm. Các dây này lúc bình thường thì bờ đều, nhưng khi có một chút gì làm bờ này mất sự đều đặn, lập tức tiếng nói bị thay đổi.
Khi bị cảm cúm, bị viêm cuống phổi, thanh quản cũng bị sưng hoặc phù nề, giọng nói cũng thay đổi. Tiếng nói bị khàn hoặc rè rè, thậm chí tắt tiếng. Nhưng nếu thanh quản bị viêm cấp, chỉ 2 hoặc 3 tuần, triệu chứng khàn tiếng này cũng hết hẳn.
Còn nếu bị một bướu của dây thanh âm thì khàn tiếng còn dai dẳng, có thể còn nặng thêm hoặc chỉ tạm giảm nhờ thuốc chống viêm và trụ sinh. Lúc này cần khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Tuy nhiên, không phải quá lo lắng. Thực tế, hơn phân nửa trường hợp là viêm thanh quản mạn tính, các pôlyp lành, hoặc vài đốm trắng (bạch sản). Điều trị các bệnh này cũng là ngừa ung thư thanh quản về sau.
- Nuốt vướng. Ung thư mọc phía trên dây thanh âm (nắp thanh quản, dây thanh âm giả) mới đầu chưa gây ra sự thay đổi giọng nói mà làm cho nuốt vướng (lúc nuốt nước miếng hay nuốt cơm, thấy vướng vướng rồi về sau cảm thấy đau). Nuốt vướng và nuốt đau một thời gian rồi thấy khàn tiếng, lúc này ung thư đã tiến xa. Một cục hạch bên cạnh cổ có khá lâu mới khiến người bệnh đi khám mặc dù đã có khàn tiếng và nuốt vướng một thời gian trước nữa.
- Nghẹt thở. Nếu bệnh nhân "lờ" đi các triệu chứng này, ngày nào đó tình trạng nghẹt thở cũng thúc đẩy bạn đến bệnh viện, phải chịu mở một lỗ khí quản để thở gọi là khai khí đạo.

Chẩn đoán
Soi thanh quản (gọi là soi gián tiếp) với một gương nhỏ và đèn rọi đeo trên đầu. Hoặc nội soi thanh quản, dùng ống soi mũi mềm mại, luồn qua mũi vào đến họng. Nếu thấy có điều bất thường (một vết lở, một cục u nhỏ), thầy thuốc sẽ quyết định làm sinh thiết để định rõ bệnh.
Đánh giá mức lan rộng của ung thư. Khi xác định ung thư, cần xem hạch cổ có bị xâm nhiễm không bằng cách chọc hút bằng kim nhỏ (FNA). Cần thêm phương tiện chẩn đoán hình ảnh như rà CT, MRI để biết ung thư xâm lấn thanh quản cỡ nào, đã có di căn hạch cỡ nào, ung thư đã lan tràn chưa để xếp giai đoạn bệnh.

Điều  trị
Theo GS. Nguyễn Chấn Hùng, có thể điều trị bằng một hoặc nhiều phương pháp kết hợp. Tùy theo giai đoạn của bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. 
- Xạ trị: dùng trị tốt ung thư còn nhỏ, tiếng nói vẫn giữ được. Xạ trị còn dùng hỗ trợ cho phẫu trị, chẳng hạn làm xọp khối bướu to trước mổ hoặc tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót sau mổ.
- Phẫu trị: các khối bướu lớn hơn phải cần mổ. Cắt thanh quản một phần để bảo tồn hơi thở và tiếng nói. Cắt thanh quản toàn phần khi ung thư ăn lan nhiều. Sau mổ phải thở qua lỗ khí quản, không còn khả năng nói nữa. Khi ung thư lan rộng hơn, cần phải nạo hạch cổ hoặc lấy thêm vùng lân cận của thanh quản. Sau mổ cắt thanh quản toàn phần, tiếng nói chỉ còn thì thào, khó nghe, người bệnh phải được chỉ cách luyện tập để nói được bằng "giọng thực quản". Sau vài tuần lễ và dần dần, giọng nói sẽ tốt hơn. Người bệnh còn có thể sử dụng máy nói gọn nhẹ, mang theo được, có công dụng làm tiếng nói thì thào rõ lên.
- Hóa trị: có thể kết hợp với xạ trị để bảo tồn dây thanh âm và tiếng nói. Hóa trị còn được dùng cho ung thư tiến xa.
- Liệu pháp nhắm trúng đích: kết hợp thuốc với xạ trị để điều trị, khi không dùng được hóa trị.
- Phẫu thuật bằng nội soi laser: hiện nay, tại Bệnh viện tai mũi họng TP.HCM vừa triển khai kỹ thuật mới "phẫu thuật ung thư thanh quản bằng nội soi laser" và đã điều trị thành công 30 ca. PGS.TS.BS. Trần Phan Chung Thủy, giám đốc Bệnh viện tai mũi họng TP.HCM cho biết, đây là kỹ thuật ít xâm lấn, ghi nhận bước đầu sau điều trị là rất tốt, bảo tồn được giọng nói (giai đoạn ung thư tiến xa), tỷ lệ tái phát thấp, giảm thời gian nằm viện, chi phí thấp hơn nhiều so với phương pháp mổ hở.
Theo BS. Chung Thủy, phương pháp mổ hở trước đây, bệnh nhân chịu nhiều đau đớn, vì phải rạch một đường mổ dài khoảng 10 cm để lấy khối u và yếu tố thẩm mỹ không cao, vì để lại vết sẹo. Còn phẫu thuật nội soi bằng laser, bác sĩ mổ nội soi qua kính hiển vi, nhìn rõ tế bào ung thư nên khả năng lấy sạch tế bào ung thư cao hơn so với mổ hở và không để lại sẹo lớn ở cổ. Vì vậy, khả năng tái phát bệnh cũng thấp hơn. Bên cạnh đó, mổ bằng kỹ thuật laser còn đốt khô mạch máu trong quá trình mổ, giúp vết mổ ít chảy máu. 
Thời gian mổ ngắn, chỉ mất từ 15 phút đến 1 giờ (tùy theo kích thước khối u) cho một ca bệnh. Sau phẫu thuật, bệnh nhân nằm viện khoảng 1 tuần là có thể xuất viện. Tổng chi phí điều trị cho 1 ca khoảng 10 triệu đồng. Còn mổ hở, một ca mổ kéo dài từ 3 - 4 giờ, thời gian nằm viện 2 - 3 tuần và chi phí đến 30 - 40 triệu đồng. Hiện kỹ thuật mới này áp dụng điều trị cho ung thư thanh quản ở giai đoạn 1, 2 và cả giai đoạn 3.

Phòng  ngừa
Có thể phòng ngừa từ các yếu tố nguy cơ gây bệnh như hút thuốc lá, khói thuốc đi qua thanh quản để vào phổi. Uống rượu nhiều. Tiếp xúc với hóa chất hoặc các chất gây ô nhiễm. Virus HPV cũng được cho là có liên quan. Người bệnh viêm thanh quản mạn tính nên theo dõi định kỳ.
Phòng tránh tốt nhất là không hút thuốc lá, cũng như uống rượu. Nói không với rượu và thuốc lá sẽ giúp phòng ngừa được các "nhóm" bệnh ung thư miệng, họng, thanh quản, phổi, thực quản, bọng đái… Ngoài ra, còn tránh được các bệnh khác cũng do thuốc lá như bệnh tim mạch, viêm phế quản mạn tính…

Ung thư thanh quản là dạng ung thư đứng thứ hai trong các loại ung thư tai mũi họng. Đứng đầu là ung thư vòm họng, nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng thì tiên lượng rất khả quan. Khàn tiếng là triệu chứng báo hiệu nguy cơ mắc bệnh ung thư thanh quản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phẫu thuật ung thư thanh quản bằng nội soi laser
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO