Phát hiện loài chim ăn thịt tại Công viên Gia Định

Quỳnh Hoa| 18/11/2016 22:37

KHPTO - Theo kết quả nghiên cứu thành phần loài chim tại khu vực đô thị TP.HCM của các tác giả Lê Duy, Trần Văn Bằng, Viện sinh thái học Miền Nam, với 81 loài được ghi nhận, cho thấy khu vực nội thành TP.HCM có sự đa dạng hơn về số loài chim so với các thành phố khác trên thế giới.

Trong quá trình đô thị hóa, những mảng xanh tại các công viên trong khu vực nội thành TPHCM đóng vai trò quan trọng duy trì sự đa dạng các loài chim bản địa. Đặc biệt, Ưng xám (Accipiter badius) - loài chim ăn thịt này được ghi nhận tại Công viên Gia Định, với số lượng cá thể bắt gặp là 1 cá thể; có thể xem loài này định cư tại khu vực nội thành TPHCM. Trong vùng phân bố Đông Nam Á, loài di này di trú đông ở bán đảo Malaysia và nam Thái Lan.
Trong 81 loài chim được phát hiện tại khu vực nội thành, có 51 loài gặp được tại các công viên chính, trong đó Công viên Tao Đàn (27 loài), Thảo Cầm Viên (20 loài), Đầm Sen (17 loài) và Công viên Gia Định (16 loài) có mức độ đa dạng thành phần loài chim cao hơn so với các công viên còn lại. So với các hệ sinh thái tự nhiên khác thì sốlượng loài chim trong khu vực nội thành TPHCM ít hơn nhiều, cụ thể như tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu có 195 loài chim đã được ghi nhận. Điều này cũng cho thấy sự suy giảm về sự đa dạng sinh học, đặc biệt đối với nhóm động vật, khi quá trình đô thị hóa diễn ra. Các nghiên cứu về sự đa dạng loài trong khu hệ chim ở khu vực đô thị cho thấy, hệ sinh thái đô thị được xem là kiểu sinh thái phù hợp cho một số ít loài có khả năng thích nghi cao với sự hiện diện của con người. Do đó, thành phần loài chim ghi nhận được trong nghiên cứu này đều là những loài có phân bố phổ biến trong cả nước, là một kết quả dễ hiểu.
Thành phần các loài chim được ghi nhận trong nghiên cứu này là những loài hoang dã, sống trong môi trường tự nhiên tại khu vực nội thành TPHCM. Riêng loài Cu bụng vằn (Geopelia striata) được xem không phải là loài chim bản địa của Việt Nam. Cu bụng vằn có nguồn gốc từ khu vực bán đảo Malaysia đến vùng Indonesia. Sự du nhập loài này theo con đường buôn bán sinh vật cảnh có thể là nguyên nhân chính cho sự hiện diện của loài này tại Việt Nam. Một số nghiên cứu gần đây về khu hệ chim đã ghi nhận loài này có vùng phân bố ở khá rộng ở miền Nam như Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát, Khu bảo tồn Thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu, Vườn Quốc gia Cát Tiên và một số tỉnh ở đồng bằng Sông Cửu Long. 
Mặc dù nằm trong xu thế đô thị hóa diễn ra nhanh trong những năm gần đây, nhưng một số mảng xanh tự nhiên như Công viên Đầm Sen, Công viên Gia Định, Thảo Cầm Viên ít chịu tác động thay đổi mạnh bởi con người; nên vẫn giữ được sự đa dạng về loài. Và vẫn cao hơn nhiều đô thị đã phát triển lâu trên thế giới; ví dụ như tại khu  vực nội thành Greater Vancouver của Bristish Columbia, Melles và cộng sự chỉ ghi nhận được 42 loài chim, hay chỉ 64 loài chim ở thành phố Taubaté, bang Sao Paulo, Brazil.
Trong hệ sinh thái đô thị TPHCM, vai trò duy trì tính đa dạng thành phần loài chim của Công viên Tao Đàn, Thảo Cầm Viên, Đầm Sen và Công viên Gia Định là quan trọng nhất bởi các khu vực này có diện tích lớn, có sự đa dạng về cảnh quan và còn giữ được nhiều loài cây bản địa. Bên cạnh đó, tốc độ mở rộng đô thị tại khu vực Quận 11 và Gò Vấp là nhanh nhưng mới diễn ra trong thời gian gần đây và vẫn giữ được một phần sinh cảnh nông thôn tự nhiên nên vẫn còn giữ được nhiều loài chim phù hợp với sinh cảnh nông thôn như các loài Di, Chiền chiện, Rẻ quạt.
Hoạt động nuôi chim cảnh và đánh bẫy chim tự nhiên về nuôi, ăn thịt hoặc buôn bán vẫn đang diễn ra hằng ngày ở trong và ven đô thị TPHCM, đây có thể được xem là nguyên nhân chính làm suy giảm nhiều quần thể các loài chim bản địa. Mặc dù chưa có ghi nhận về tác động của động vật nuôi lên khu hệ chim ở Việt Nam, nhưng những nghiên cứu trên thế giới cho thấy các loài vật nuôi như Mèo nhà (Felis catus) là một trong những nguyên nhân chính làm suy giảm số lượng cá thể, ảnh hưởng đến loài Cuốc California (Callipepla californicus). 
Trong khi nghiên cứu ở môi trường tự nhiên, sự tác động của con người làm sinh cảnh bị phá hủy, chia cắt là nguyên nhân chính gây nên sự tuyệt chủng địa phương đốivới nhiều loài chim rừng, các nghiên cứu tìm hiểu về nguyên nhân suy giảm chim ở khu vực đô thị ít được đề cập đến. Mặc dù sự hình thành nên sinh cảnh đô thị giúp tạo nên sự thu hút đối với nhiều loài chim ngoại lai, nhưng số lượng loài hiện diện ngoài tự nhiên vẫn ít. Từ nghiên cứu này và các nghiên cứu khác, những nguyên nhân chính làm suy giảm số lượng loài chim tại một khu vực đô thị có thể là: sự suy giảm về thảm thực vật tự nhiên, bản địa, môi trường sinh sống chủ yếu của hầu hết các loài chim; sự tác động của con người như tiếng ồn, đánh bắt; sự phát triển vượt trội của các loài chim du nhập; sự tác động của các loài vật nuôi.
Với 81 loài chim được ghi nhận, khu vực nội thành TPHCM có đặc điểm một khu hệ chim đô thị điển hình, mang yếu tố phổ biến, bản địa và ngoại lai. Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh nhưng các mảng xanh quan trọng tại các công viên còn được giữ lại đóng vai trò quan trọng giúp duy trì sự đa dạng về khu hệ chim bản địa. Các nghiên cứu chuyên sâu hơn về sự biến động thành phần loài chim của khu vực nội thành, ngoại ô và vùng giáp ranh sẽ giúp các nhà quy hoạch đô thị xây dựng được chiến lược đô thị hóa bền vững, giúp phát triển kinh tế như du lịch sinh thái xem chim (Birdwatching)  mà vẫn đảm bảo giữ được tính đa dạng sinh học bản địa.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện loài chim ăn thịt tại Công viên Gia Định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO