Nhà khoa học trẻ giải nhiều bài toàn khó trong sản xuất và điều trị bệnh

Anh Thư| 16/03/2017 13:23

KHPTO - Giúp doanh nghiệp năng cao năng suất, tăng lợi nhuận; giải nhiều bài toán khó trong việc điều trị bệnh… các nhà khoa học trẻ Trường đại học bách khoa TP.HCM vừa báo cáo các công trình khoa học mang tính thực tiễn cao tại Hội nghị khoa học và công nghệ trẻ Bách Khoa năm 2017.

Hội nghị do Đoàn khối cán bộ trẻ trường tổ chức nhằm tạo điều kiện trao đổi học thuật và là bước đệm vững chắc trong con đường nghiên cứu cho những nhà khoa học.
Khoa học giúp doanh nghiệp tăng hiệu suất
Thực hiện đề tài “Áp dụng kỹ thuật đo lường và thiết kế công việc vào xưởng sản xuất: trường hợp nghiên cứu tại công ty sản xuất máy bơm nước”, các nhà khoa học trẻ Trần Lê Bội Ngọc, Võ Thị Hồng Hạnh, Trần Võ Thảo Hương, Trần Quang Sự cho biết, thời đại cạnh tranh gay gắt trong nền kinh tế đặt vấn đề các doanh nghiệp hiện tại là đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng về chủng loại và mẫu mã, tạo được uy tín. Ngoài ra, việc giảm giá thành sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm cũng là điều cần thiết. Một trong những giải pháp chính là tái thiết lập dây chuyền sản xuất để nâng cao năng suất từ đó giảm chi phí sản xuất dẫn đến giảm giá thành sản phẩm và nâng cao chất lượng. Nhóm nghiên cứu áp dụng các công cụ đo lường và thiết kế công việc vào trường hợp thực tiễn tại một xưởng sản xuất máy bơm nước với mục tiêu: loại bỏ thao tác thừa, hợp lý hóa trạm làm việc và chuẩn hóa thao tác của công nhân nhằm giảm thời gian sản xuất, dẫn đến giảm bán thành phẩm tồn đọng trên chuyền cũng như cải tiến năng suất và chất lượng sản phẩm. Kết quả đã thiết kế một số công cụ cải tiến, giảm thời gian định mức tại hai trạm làm việc, cân bằng chuyền hợp lý từ đó tăng 35% hiệu suất so với ban đầu.
Trong một lĩnh vực nghiên cứu khác, áp dụng kỹ thuật mô phỏng và cải tiến hệ thống sản xuất một công ty giày, nhóm nghiên cứu  Nguyễn Như Phong, Nguyễn Hồng Phi, Nguyễn Hoàng Giao, Đàm Quốc Thống, Đỗ Hữu Khôi Nguyên đã giúp cho một công ty giảm được số lượng bán thành phẩm, thời gian chờ bán thành phẩm, phân bổ lại nguồn lực hợp lý. Theo nhóm nghiên cứu, mô phỏng giúp mô hình hóa được tất cả các vấn đề thực tế có thể gặp phải để đưa ra các phương án giải quyết mang lại kết quả tốt nhất: nhanh hơn, chi phí thấp hơn. Vì vậy, đề tài nghiên cứu đã áp dụng kỹ thuật mô hình hóa và mô phỏng phân xưởng giày, nhằm mô phỏng lại đúng thực trạng sản xuất trên phần mềm mô phỏng Arena, dùng mô hình mô phỏng và đánh giá phương án cải tiến cân bằng chuyền theo trọng số. 
Khoa học giúp bảo vệ sức khỏe người dân
Vảy nến là bệnh viêm ngoài da mạn tính qua trung gian miễn dịch rất hay gặp ở Việt Nam và trên thế giới, chiếm tỉ lệ 2-3% dân số. Bệnh gây tổn thương khắp nơi trên cơ thể với các đặc trưng cơ bản như : vảy, hồng ban, nổi cộm,… Các nghiên cứu về vảy nến hiện nay ở Việt Nam chủ yếu tập trung về đặc điểm lâm sàng, hiệu quả của một số phương pháp điều trị bệnh; bên cạnh đó là các nghiên cứu về mảng đề cập kiến thức, thực hành điều trị bệnh cho cộng đồng, cách dùng thuốc, vệ sinh và chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân. Tuy nhiên các nghiên cứu về phương pháp hỗ trợ chẩn đoán bệnh vảy nến thì rất hạn chế. Việc chẩn đoán mức độ nghiêm trọng bệnh vảy nến ở nước ta hiện nay đa số phụ thuộc vào kinh nghiệm lâm sàng của bác sĩ. Chính vì vậy, các nhà khoa học trẻ Nguyễn Hoàng Phúc, Trần Thị Thu Trang, Trần Văn Tiến đã thiết kế mô hình phương pháp hỗ trợ chẩn đoán bệnh vảy nến sử dụng hình ảnh phân cực đa phổ. Thông qua đó, các đặc trưng của vảy nến như vảy, hồng ban được thể hiện rõ ràng và nổi bật hơn để hỗ trợ các chẩn đoán lâm sàng. Cùng với đó thuật toán phân đoạn ảnh của vùng da bị bệnh vảy nến được đưa vào để tính phần trăm điện tích vùng da bệnh, một trong những thông số quan trọng trong chỉ số PASI, chỉ số vàng để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh vảy nến.

hn2
Cũng trong lĩnh vực y tế, nhóm nghiên cứu Nguyễn Trung Hiếu, Nguyễn Nhật Ánh Sao, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Lý Cao Dương, Phan Ngọc Khương Cát, Trần Văn Tiến, Huỳnh Quang Linh đã ứng dụng kỹ thuật xử lý hình ảnh phân cực trong khảo sát một số bệnh lý cổ tử cung. Viêm cổ tử cung do vi khuẩn Trichomonas và u nang Nabothian là hai căn bệnh phụ khoa thường gặp. Gần đây, một số nghiên cứu sử dụng phương pháp xử lý hình ảnh phân cực đã cho thấy khả năng hỗ trợ chẩn đoán bệnh lý cổ tử cung (CTC). Trong nghiên cứu này, họ sử dụng thuật toán TiVi Index và Otsu target blood để xử lý hình ảnh phân cực CTC, tăng cường độ tương phản của máu và phân đoạn vết đỏ. Kết quả này có thể được sử dụng để hỗ trợ đánh giá bệnh lý viêm CTC Trichomonas và nang Nabothian.
Phân tích và xử lí ảnh có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực y học, đặc biệt trong lĩnh vực chẩn
đoán ung thư vú, công cụ xử lí hình ảnh có thể hỗ trợ hiệu quả trong việc đánh giá khả năng ung thư.
Việc phát hiện sớm giúp giảm đến mức thấp nhất khả năng di căn của khối u. Nhóm nghiên cứu Nguyễn Ngọc Hùng, Hà Văn Lưu, Huỳnh Quang Linh đã sử dụng công cụ xử lý ảnh xác định các thông số hình dạng (C0, Cf, ff), tách đường biên của tập hợp hình ảnh khối u trong cơ sở dữ liệu nhũ ảnh số (DDSM) và đánh giá khả năng ung thư dựa vào phương pháp thống kê và nội suy. Bên cạnh đó, đề tài còn nghiên cứu phương pháp Fractal để kiểm chứng độ chính xác của phương pháp hệ số hình dạng. Trên cơ sở đó một chương trình Matlab để xử lí cơ sở dữ liệu, xuất kết quả với một giao diện GUI trực quan, dễ sử dụng đã được xây dựng để hỗ trợ chẩn đoán theo nguyên lý trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà khoa học trẻ giải nhiều bài toàn khó trong sản xuất và điều trị bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO