Người trong cuộc nói về dinh dưỡng cho người bệnh ung thư

Phúc Thông (Hà Nội)| 08/03/2017 10:35

Khoa Học Phổ Thông, khoa học, tạp chí, tin tức

KHPT-Trong chế độ điều trị người bệnh nói chung, bên cạnh việc dùng thuốc và các liệu pháp can thiệp thì vấn đề dinh dưỡng cho bệnh nhân luôn được coi trọng bởi nó có vai trò không nhỏ tới hiệu quả trị liệu. Song với bệnh nhân ung thư, chế độ dinh dưỡng đang là lĩnh vực còn có những quan điểm khác nhau giữa hai trường phái hiện nay, tùy thuộc vào việc người bệnh đang được chữa trị theo hướng nào, đó là điều trị theo phương pháp chính thống hoặc là tự chữa theo phương pháp thuận theo tự nhiên...

Phương pháp chính thống là phương pháp chữa trị ung thư hiện đang được chính thức áp dụng tại các cơ sở điều trị của y học hiện đại, chủ yếu bao gồm các liệu pháp: hóa trị, xạ trị và phẫu thuật. Còn phương pháp thuận theo tự nhiên (cụm từ này do người viết xin phép tạm gọi như vậy) để chỉ những liệu pháp điều trị không can thiệp bằng các thủ thuật vào cơ thể người bệnh mà chỉ sử dụng thuốc và thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên cùng việc điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp với giai đoạn bệnh và thể trạng của bệnh nhân.

Ngày nay, tại các bệnh viện, khi bệnh nhân ung thư đang được chiếu xạ hay truyền hóa chất để kiềm chế sự phát triển của các khối u hoặc tế bào ác tính trên cơ thể thì thầy thuốc thường yêu cầu phải tăng cường bồi dưỡng cho người bệnh, nghĩa là họ cần được ăn nhiều các thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa... mà không cần kiêng khem bất cứ thứ gì miễn là cơ thể người bệnh chấp nhận được. Lý do được các thầy thuốc đưa ra là nếu có dinh dưỡng đầy đủ thì cơ thể người bệnh mới nâng cao được khả năng miễn dịch chống lại bệnh tật và phục hồi sức khỏe.

Còn có một lý do nữa nhưng ít được nhắc tới, đó là nếu có đủ dinh dưỡng thì người bệnh mới có đủ sức chịu đựng những đợt điều trị độc hại như thế, vì cùng với việc đưa hóa chất hoặc các tia xạ vào cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư thì nó cũng giết chết luôn cả những tế bào lành ở các mô xung quanh hoặc hủy hoại các tế bào máu. Vì thế, trước mỗi đợt truyền hóa chất, người bệnh thường được xét nghiệm máu để đánh giá số lượng huyết cầu rồi từ đó thầy thuốc đưa ra quyết định có truyền tiếp được hay không hoặc phải truyền máu kèm theo.

Song có những người bệnh lại chọn cho mình một hướng đi khác. Đó là sau khi bệnh ung thư được phát hiện và được y học hiện đại điều trị bước đầu nhằm khắc phục hoặc hạn chế những nhân tố đe dọa nguy cấp đến tính mạng thì sang giai đoạn tiếp sau họ sẽ tìm đến phương pháp thuận theo tự nhiên để chữa trị ung thư một cách “nhẹ nhàng, an toàn và ít tốn kém”. Đó là phương pháp đưa người bệnh về gần với tự nhiên, dựa vào tự nhiên thông qua các dược thảo và thực phẩm mà xây dựng nên một chế độ thuốc men, ăn uống hết sức khoa học và hợp lý.

Khi bàn về vai trò của chữa bệnh bằng dinh dưỡng, trong tác phẩm "Dinh dưỡng học bị thất truyền - Đẩy lùi bệnh tật" của TS.BS. Vương Đào (Trung Quốc), ông đã viết: “Thông qua việc sử dụng dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng mới là cách hợp lý. Sử dụng dinh dưỡng không những cung cấp nguyên liệu tốt cho hệ miễn dịch sản sinh ra các tế bào và phân tử miễn dịch mà dinh dưỡng còn giúp phục hồi các chức năng đã bị tổn thương của các nội tạng...".

"Dinh dưỡng không chỉ chữa khỏi các bệnh lý liên quan đến suy dinh dưỡng mà còn có khả năng phục hồi cho các bệnh lý nghiêm trọng hơn như tiểu đường, huyết áp, tim mạch..., thậm chí cả bệnh nan y như ung thư, không dùng đến thuốc, chỉ dùng dinh dưỡng vẫn có thể điều trị, thậm chí điều trị tận gốc".

Cơ sở khoa học của hướng điều trị này đã được GS. Ohsawa (Nhật Bản) trình bày đầy đủ trong phương pháp chữa bệnh bằng thực dưỡng (Macrobiotics) do ông đề xuất và truyền bá từ đầu thế kỷ 20. Nguyên lý của phương pháp này là dùng chế độ dinh dưỡng để điều chỉnh và phục hồi lại thế quân bình âm dương cho cơ thể cùng tác dụng tăng cường thải độc sẽ giúp cho cơ thể loại trừ các bệnh nan y, kể cả ung thư.

Có thể tóm tắt nội dung cốt yếu của chế độ thực dưỡng là quay về với cách ăn truyền thống mà thực đơn chủ đạo là các món ăn làm từ các loại ngũ cốc lứt (nguyên vỏ cám) như gạo, mì mạch...; các loại hạt, đậu đỗ, hạt quinoa (diêm mạch), các loại quả hạnh (hạnh nhân, mắc-ca, óc chó...); các loại rau củ tươi; các loại rong biển...

Những thứ này được chế biến thành món ăn theo thực đơn hướng dẫn phù hợp với thể trạng người bệnh. Nhiều loại thức ăn, gia vị đều được sản xuất thủ công, chế biến theo quy trình lên men cổ truyền. Người bệnh theo phương pháp này phải kiêng ăn các loại thịt, đồ hải sản, sản phẩm từ sữa, trứng, đường, rượu bia, gia vị cay nồng, kẹo bánh ngọt, thực phẩm tinh chế. Trong thời gian bệnh nặng, không được ăn cả cá, bánh mì, rau quả sống.

Trong vài thập kỷ gần đây, khi bàn về cách chữa ung thư, giới khoa học y học phương Tây nhắc nhiều đến luận thuyết "người bệnh nên ăn gì để bỏ đói tế bào ung thư?" với lời khuyên nên tránh xa các thực phẩm mà tế bào ung thư ưa thích, nghĩa là cắt bỏ nguồn thức ăn nuôi dưỡng chúng nhằm ngăn chặn sự phát triển, dần dần xóa bỏ hoàn toàn khối u nhờ vai trò của hệ miễn dịch trong cơ thể.

Luận thuyết này chính là cơ sở để hai nhà khoa học Mỹ đề xuất một phương pháp chữa ung thư không độc và nhẹ nhàng được mô tả đầy đủ trong cuốn sách "Thoát khỏi ung thư" (Cancer-Free) của Bill Henderson và BS. Carlos M. Garcia. Cuốn sách gồm 8 chương dày ngót 400 trang nhưng tác giả đã dành toàn bộ chương 5 (dài hơn 100 trang) để hướng dẫn người bệnh tự điều trị ung thư.

Song song với việc sử dụng một số loại thuốc (hầu hết có nguồn gốc tự nhiên), tác giả đã chỉ dẫn chi tiết cho người đọc một chế độ ăn chống ung thư rất khoa học và hợp lý. Đó là tránh đồ ăn trong danh mục 4 cấm kỵ bao gồm: đường (kể cả mật ong), thức ăn chế biến, sản phẩm từ sữa và gluten (bánh mì, ngũ cốc, mì ống). Khuyến khích ăn các loại rau tươi với sinh tố và nước trái cây. Giảm tối đa đạm động vật, tránh hoàn toàn các loại thịt đỏ (sinh vật 4 chân).

Khi kết quả điều trị có dấu hiệu khả quan, tùy tình trạng của người bệnh mà có thể cho phép thêm một chút đạm động vật (cá, thịt gà, trứng) vào chế độ ăn từ 1 đến 2 lần một tuần. Ở đây có một sự trùng hợp lý thú, đó là những đồ ăn mà tác giả cho phép người bệnh được dùng thì gần như trùng hợp với chế độ thực dưỡng của Ohsawa như đã nói trên đây.

Cái độc đáo của chế độ ăn do Bill đề xuất chính là chế định Budwig với thành phần chính là pho-mát không kem trộn đều với dầu hạt lanh. Nó không những là món ăn giàu dinh dưỡng cho người bệnh mà quan trọng hơn, nó còn là liệu pháp tuyệt vời tiêu diệt các tế bào ung thư trong cơ thể.

Ở Hàn Quốc, ông Han Man Cheong, giáo sư danh dự, nguyên hiệu trưởng Đại học y, Đại học quốc gia Seoul bị ung thư gan giai đoạn cuối nhưng vẫn sống khỏe mạnh suốt 16 năm nay đã trở thành câu chuyện rất nổi tiếng. Ông đã viết thành sách để nói về bí quyết sinh tồn kỳ diệu của mình. Điều tuyệt vời là ở chỗ, "bí quyết" ấy nằm gọn trong 3 chữ: "Chế độ ăn" nên nó rất dễ để những người bệnh ung thư khác tham khảo hoặc áp dụng vào bản thân mình.

Còn với bản thân người viết bài này - một bệnh nhân ung thư gan được phát hiện từ cuối năm 2012 trên cơ địa bị nhiễm virus viêm gan C, đã trải qua thủ thuật nút mạch cùng việc bơm hóa chất vào khối u trong gan (nghiệm pháp TOCE) nhưng đã thất bại, kích thước khối u từ 30 mm đã tăng lên gấp đôi sau 6 tháng, đồng thời còn phát sinh thêm 4 - 5 khối u mới.

Song chỉ với phác đồ điều trị bằng thảo dược kết hợp chế độ thực dưỡng mà đã đẩy lùi sự phát triển của các khối u gan, sức khỏe ổn định dần và hiện tại vẫn đang sống đúng nghĩa cho đến nay đã bước sang năm thứ 5.

Cuộc sống và sức khỏe của mình là do chính bản thân quyết định. Vì thế hãy hiểu biết để sáng suốt lựa chọn phương pháp chữa trị hợp lý nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người trong cuộc nói về dinh dưỡng cho người bệnh ung thư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO