Nghề nuôi trăn đang trở lại

Thành Hiệp| 06/10/2011 10:23

Phong trào nuôi trăn ở đồng bằng sông Cửu Long đã phát triển rầm rộ từ những năm 1980, nhưng đến những năm 1990 thì giá trăn trở nên bấp bênh khiến cho nhiều hộ nuôi lao đao, thậm chí có người trắng tay. Nhưng kể từ năm 2008 đến nay, giá trăn bắt đầu ổn định nhờ mặt hàng da trăn xuất khẩu tiêu thụ mạnh, giúp cho người nuôi ngày càng phấn khích, nhất là các cơ sở nuôi trăn lấy da xuất khẩu.

Anh Hoàng Tuấn quê ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ vừa là người chăn nuôi trăn vừa là thương lái, mỗi năm cung cấp cho thị trường từ 2 - 3 tấn trăn thịt, lời trên 200 triệu đồng. Theo anh Tuấn, muốn nuôi trăn thành công trước hết phải nắm vững kỹ thuật, trong đó khâu quan trọng nhất là vệ sinh chuồng trại và thức ăn, chuồng trại phải có đủ ánh nắng, nền gạch men sạch sẽ. Thức ăn chính cho trăn hiện nay là chuột, gà, vịt hoặc các loại phế phẩm từ gia súc, gia cầm. Để chủ động về nguồn thức ăn, người nuôi phải mua chuột sống dự trữ. Riêng các loại phế phẩm phải được tồn trữ trong tủ đông mới bảo đảm chất lượng và số lượng. Sau 1 năm nuôi, trăn có thể cân nặng 6 kg, 2 năm nặng 30 kg và 3 năm nặng 40 kg. Càng lớn trăn càng tăng trọng nhanh. Theo tính toán của người nuôi, một con trăn giống giá từ 180.000 - 200.000 đ, sau 1 năm tốn khoảng 400.000 đ thức ăn. Nếu bán với giá 200.000 đ/kg x 6 kg sẽ được 1.200.000 đ thì còn lời: 620.000 đ/con.

Riêng về nuôi trăn lấy da xuất khẩu, có thể nói người nuôi có hiệu quả nhất là anh Thái Vinh Thai, chủ trại Hồng Quang ở khóm 4, thị trấn Tri Tôn - An Giang. Sau nhiều năm lặn lội trong nghề, anh Thai đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, nhất là kỹ thuật lột lấy da. Theo anh, khâu quan trọng nhất trong quá trình nuôi trăn là sản phẩm và đầu ra. Muốn có sản phẩm tốt phải nuôi đúng kỹ thuật và đúng bài bản. Muốn đầu ra ổn định phải nghĩ đến hợp đồng xuất khẩu. Anh Thai cho biết, việc đầu tư cho con trăn không lớn lắm. Điều quan trọng là người nuôi phải biết theo dõi thời tiết biến đổi bất thường để đề phòng bệnh cho trăn, nhất là bệnh sổ mũi và đẹn (lở miệng). Người nuôi nên chú ý sau mỗi lần lột da, trăn ăn mạnh và lớn rất nhanh, do đó phải chuẩn bị mồi cho đầy đủ.

Trại của anh Thai lúc nào cũng có trên 1.500 con đủ cỡ, trong đó có 600 con bố mẹ, gồm hai loại: trăn vàng và trăn đất. Trong quá trình khai thác, thợ lột da trăn phải hết sức cẩn thận, vết cắt thật khéo léo, nhẹ nhàng và thành thạo, chính xác. Lột xong phải có người căng da trên một tấm ván có chiều dài tương đương với chiều dài của da trăn. Sau khi khô, da trăn được cuốn hoặc xếp lại chờ giao hàng. Theo hợp đồng, da trăn được chia làm ba loại I, II và III tùy theo kích thước (size). Ngoài tiền bán da trăn ra, người nuôi còn bán được thịt trăn (45.000 đ/kg) và mỡ trăn, mật trăn cho người tiêu dùng.

Với số lượng trăn bố mẹ dồi dào như thế nên mỗi vụ trại Hồng Quang sản xuất trên vài ngàn con trăn giống bảo đảm chất lượng. Từ công việc làm ăn thuận lợi, anh Thai đã liên kết với nhiều trại chăn nuôi và các hộ nuôi gia đình trong khu vực và tại địa phương để hợp đồng cung ứng con giống và thu mua lại trăn thịt với giá hấp dẫn: 200.000 đ/kg (loại 40 - 45 kg/con) và 220.000 đ/kg (loại 45 - 50 kg/con). Nhờ vậy mà các trại nuôi, kể cả các hộ gia đình nuôi nhỏ lẻ cũng lấy làm phấn khởi và có điều kiện phát triển ngày càng quy mô hơn. Nhờ có nguồn trăn dồi dào nên hiện nay, cứ hai ngày anh Thai lột da trăn một lần và mỗi lần lấy khoảng 20 con.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề nuôi trăn đang trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO