Mùa lễ hội ven sông Hồng

LƯƠNG SƠN| 15/02/2017 15:58

KHPT - Các lễ hội ven sông Hồng thường bắt đầu từ hội làng, nhưng có những lễ hội đã vượt khỏi ranh giới hội làng để trở thành lễ hội của một vùng.

Lễ hội thể hiện giá trị văn hóa của dân tộc và tưởng nhớ các bậc anh hùng có công khai phá, xây dựng đất nước, chống giặc ngoại xâm, những ông tổ dạy nghề, truyền nghề hoặc các đấng thần linh giúp con người hướng thiện, tạo dựng cuộc sống ấm no, bình yên - là nét đẹp của người dân đất Việt.

Từ Hà Nội, ngược lên phía trên dòng sông khoảng gần 30 km, trên một quả đồi thuộc xã Trung Hưng (thị xã Sơn Tây) là đền Và, còn gọi là Đông cung, một trong bốn nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh, người anh hùng thần thoại trong việc trị thủy chống thiên tai. Đền Và có cảnh quan khá ngoạn mục, nằm trên đồi cao rợp mát bóng cây lim cổ thụ, rất bề thế với kiến trúc độc đáo, mang tính thẩm mỹ cao. Hội đền Và tổ chức vào ngày rằm tháng giêng âm lịch hàng năm. Cứ 3 năm một lần lại mở hội lớn, diễn ra từ sáng sớm 13 tháng giêng, mở đầu là lễ cáo thần, rước bài vị Thánh Tản qua sông Hồng. Cuộc rước này rất lớn, có sự tham gia của 8 làng hai bên sông của hai tỉnh thành là Vĩnh Phúc và Hà Nội. Dân các vạn chài ghép nhiều thuyền lại áp kiệu qua sông, sau đó lấy nước sông Hồng làm lễ “tắm ngai” ở đền Dội bên kia sông, rồi quay về tế ở đền Và. Trong thời gian lễ hội còn diễn ra nhiều tục lệ và trò vui như đánh cá, đấu vật hầu Thánh... Đền Và hiện là điểm tham quan hấp dẫn khách du lịch, bởi cảnh quan và nếp sống cộng đồng, tính hướng thiện trong đời sống tâm linh dân tộc.

Cũng thuộc địa phận Hà Nội, nhưng ở mạn dưới, ngay sát bên sông Hồng có ngôi đền cổ Đại Lộ (xã Ninh Sở, Thường Tín) thờ Đại cán Quốc Nam Hải, vị thánh nương, từng được vua Trần Anh Tông sắc phong Mẫu nghi thiên hạ, do có công trợ giúp vua đánh giặc.

Cách đó không xa là vùng di tích lễ hội về sự tích Chử Đồng Tử - Tiên Dung, với đền Đa Hòa cổ kính, kiến trúc độc đáo thời Nguyễn. Đền Đa Hòa bên tả ngạn sông Hồng, thuộc xã Bình Minh, huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên), nằm trên tuyến du lịch Hà Nội - Phố Hiến trên sông Hồng. Ngôi đền tọa lạc trên một khu đất cao, rộng, bằng phẳng, ngôi đền quay hướng chính tây trông sang bãi Tự Nhiên. Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (còn gọi là lễ hội tình yêu) diễn ra trong ba ngày, từ mồng 10 - 12/2 âm lịch. Đây là một lễ hội trong 16 lễ hội lớn nhất trong cả nước, gắn với huyền thoại đẹp về tình yêu bất tử giữa công chúa Tiên Dung và Chử Đồng Tử. Lễ hội có nhiều nội dung như lễ rước kiệu, lễ rước nước cùng các trò múa rồng, đấu võ, múa sư tử, múa sinh tiền, hát chèo, hát trống quân, đua thuyền... Tham dự lễ hội, du khách được nghe kể câu chuyện huyền thoại về cuộc gặp gỡ nên duyên vợ chồng, giữa chàng trai nghèo đánh cá và nàng công chúa lá ngọc cành vàng, con vua Hùng thứ 18. Thiên tình sử đã đi vào tâm thức dân gian, thể hiện cuộc sống đầy tính nhân văn đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Dọc theo sông Hồng, còn khá nhiều lễ hội đặc sắc. Hội đền Chèm ở xã Thụy Phương (Từ Liêm, Hà Nội) vào tháng 5 âm lịch - nơi thờ Lý Ông Trọng, người từng đi sứ giúp nhà Tần dẹp giặc Hung Nô. Có thả chim bồ câu, bơi trải thể hiện nét hào hoa và tinh thần thượng võ của cư dân vùng sông nước Kẻ Chợ.

Nếu như đoạn sông Hồng chảy qua tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ là vùng lễ hội tưởng nhớ các Vua Hùng, Tản Viên Sơn Thánh và Hai Bà Trưng cùng các lạc tướng thì mạn Hà Nam, Nam Định lại có lễ hội gắn liền với người anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, tiêu biểu là lễ hội đền Bảo Lộc (huyện Bảo Lộc, Nam Định). Du khách còn có thể đến thăm di tích, cung điện nhà Trần ở làng Tức Mạc phía bắc TP. Nam Định, nơi phát tích nhà Trần, rộng hàng chục hécta, kéo dài từ đền Thiên Trường, Cổ Trạch thờ 14 vị Vua Trần và Hưng Đạo Vương, đến chùa Tháp Phổ Minh mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Lý - Trần.

Ngược lên thượng nguồn, “nơi con sông Hồng chảy vào nước Việt” ở địa phận TP. Lào Cai, phải kể đến ngôi đền cổ từ thời Hậu Lê, là đền Thượng thờ Trần Hưng Đạo. Hàng năm vào dịp tết Nguyên Tiêu, nhân dân và chính quyền ở đây tổ chức lễ hội lớn vùng biên ải. Phần hội có trưng bày, triển lãm và những hoạt động nghệ thuật, với sự tham dự của khách trảy hội, trong đó có nhiều khách đến từ các địa phương thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa lễ hội ven sông Hồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO