Một số ý kiến về chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ

Như Hoa ghi| 01/12/2016 09:59

KHPTO - TS.Dương Minh Tâm, Chủ tịch Hội cơ khí TP. HCM vừa có một số ý kiến về chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025.

1. Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ và Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 sắp được ban hành, là kịp thời, giúp các ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững.

Dự thảo Chương trình khá toàn diện, bao quát từ việc: (1) Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; (2) Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu;  (3) Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; (4) Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; (5) Xây dựng và công bố thông tin về công nghiệp hỗ trợ hàng năm.

2. Việt Nam cần có một cổng thông tin quốc gia về công nghiệp hỗ trợ cho những ngành công nghiệp chủ lực, cập nhật các thông tin liên quan thường xuyên, kết nối với cơ sở dữ liệu về: các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, nhu cầu của các khách hàng Việt Nam, nhu cầu của các khách hàng là công ty nước ngoài tại Việt Nam và trên thế giới. Cổng thông tin cũng đóng vai trò kết nối giữa nhu cầu và năng lực đáp ứng, giữa khách hàng và nhà cung cấp.

3. Nhà nước cũng cần sớm xây dựng Chiến lược phát triển ngành cơ khí trong giai đoạn sắp tới theo một số định hướng sản phẩm và dịch vụ như sau:

-Các máy móc, thiết bị phục vụ các ngành công nghiệp quan trọng (có tổng doanh thu nhiều tỷ USD).

-Các máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng phục vụ khai thác và chế biến sản phẩm nông nghiệp (nông sản, thực phẩm, thủy sản, đồ gỗ, ...), robot nông nghiệp.

-Các hệ thống sản xuất tích hợp nhờ máy tính, thiết bị di động và Internet, bao gồm các thành phần: thu thập dữ liệu, giám sát và điều khiển (số, thích nghi, phân tán, ...), robot, máy công cụ/ máy công nghiệp CNC, hệ thống vận chuyển và lưu kho tự động, hệ thống thông tin quản lý, hệ thống CAD/CAM/CAE (mô hình hóa và mô phỏng), mạng máy tính liên kết với các siêu máy tính hiệu năng cao, các thiết bị không dây (Wifi, Bluetooth, RFID, NFC, ...).

-Các máy móc, thiết bị, hệ thống kỹ thuật phục vụ các khoa học đời sống: y tế, chăm sóc sức khỏe, thiết bị y sinh (chẩn đoán, điều trị, hỗ trợ con người), các sản phẩm nhân tạo thay thế một số bộ phận của con người;  thiết bị dược; thiết bị sinh học; thiết bị an toàn; thiết bị môi trường.

-Các dịch vụ: thiết kế (kỹ thuật và công nghiệp), CNC hóa máy công cụ và máy công nghiệp, đo lường, giám sát, kiểm định, bảo trì (phòng ngừa và giám sát tình trạng) phục vụ cho dân dụng, công nghiệp, nông nghiệp, an ninh và quốc phòng.

Tổng chi phí bảo trì của các nước tiên tiến vào khoảng 10% GDP và như vậy ở Việt Nam cũng khoảng hơn 20 tỷ USD hàng năm. Đây là một thị trường chưa được khai phá. Công tác bảo trì đòi hỏi còn nhiều phụ tùng, chi tiết hơn cả nhu cầu lắp ráp sản phẩm mới, mà lại ổn định về mặt nhu cầu trong nước về số lượng và chất lượng.

Các nhà sản xuất và dịch vụ của 5 nhóm nêu trên chính là những khách hàng lớn cho các nhà cung cấp các dụng cụ, phụ tùng, chi tiết thuộc các công nghiệp hỗ trợ: sản phẩm đúc, rèn, dập, hàn kỹ thuật cao; các loại khuôn kỹ thuật có độ chính xác và độ tin cậy cao (cho sản phẩm cơ khí, nhựa, ...); các chi tiết chính xác (vi gia công), các loại vi mạch và chip chuyên dụng,  ...

4.Thông qua các hội cơ khí và sở công thương ở tỉnh, thành phố khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp hình thành các chuỗi cung ứng mở rộng, tạm gọi là liên minh, theo mô hình Cluster của GS.Michael Porter. Cluster là một nhóm các công ty và các cơ quan nhà nước, cùng ở một khu vực địa lý, có chung những cơ hội và thách thức, có những mặt tương đồng và những mặt bổ sung cho nhau, trong cùng một lĩnh vực công nghiệp, một nhóm sản phẩm chiến lược nào đó liên kết với nhau nhằm phối hợp các chức năng sản xuất, cung ứng (máy móc, phụ tùng, cơ sở hạ tầng, …), dịch vụ (đào tạo, nghiên cứu, tư vấn, tiếp thị, tài chính, …) để giảm giá thành và tăng tính cạnh tranh.

Một số bài học thành công cót hể kể đến là Cluster các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô Thái Lan có 2000 doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong việc sản xuất 2 triệu, trong đó xuất khẩu 1,5 triệu ô tô hàng năm. Cluster hàng hải ở Na Uy đạt doanh thu bằng 1/10 tổng giá trị ngành hàng hải thế giới, trong khi nền kinh tế của Na Uy bằng 1/100 của thế giới, dân số Na Uy bằng 0,1 % của thế giới. EU có khoảng 2000  cluster công nghiệp.

Ba điểm yếu của kinh tế Việt Nam: Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010 do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Viện quản lý kinh tế trung ương (Bộ kế hoạch và đầu tư) và Học viện năng lực cạnh tranh Châu Á (Singapore) thực hiện, do Giáo sư Michael Porter, “cha đẻ” của chiến lược cạnh tranh, là người chỉ đạo trực tiếp, đã nêu rõ ba điểm yếu của kinh tế Việt Nam là: Năng suất lao động thấp, thiếu kinh tế cụm ngành (Cluster) và chính sách kinh tế vĩ mô không ổn định.

Cần nột liên minh công nghiệp cơ khí TP.HCM với một số phân ngành: máy nông nghiệp và thực phẩm; máy và thiết bị công nghiệp; máy điện – điện tử và năng lượng; thiết bị y tế và dược phẩm; máy móc, thiết bị dệt may, da giày, nhựa; các công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ, bao gồm đào tạo, tư vấn, kỹ thuật, gia công, chế tạo, bảo trì, đo lường, kiểm định, …

5. Đẩy mạnh đào tạo và tư vấn về đổi mới và sáng tạo:

Quảng bá và thực hiện lộ trình 4I: I (Imitate - Bắt chước), I (Improve - Cải tiến), I (Innovate - Đổi mới), I (Invent - Phát minh). Khẩu hiệu cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo: Đổi mới công nghệ hay là chết.

Xây dựng tầm nhìn quốc gia: vào các năm 2016 – 2020: sản xuất tại Việt Nam - Made in Vietnam, vào năm 2021 – 2025: thiết kế tại Việt Nam - Designed in Vietnam, vào năm 2030 trở đi:              phát minh tại Việt Nam - Invented in Vietnam.

Định hướng vào nền kinh tế sáng tạo, nhận thức đúng vai trò của thiết kế, nghiên cứu và phát triển là dịch vụ có giá trị gia tăng cao.

Tăng dần giá trị gia tăng trong hoạt động chế tạo, định hướng vào thiết kế, xây dựng thương hiệu, nghiên cứu và sáng chế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một số ý kiến về chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO