Một nông dân Khmer sản xuất giỏi

BẢO TRÂN| 16/11/2016 12:13

KHPT- Nhiều nông dân Khmer ở Trà Vinh đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đem lại hiệu quả cho kinh tế gia đình. Ông Thạch Chane ở xã Phước Hưng, huyện Trà Cú, là điển hình của phong trào này.


Lập gia đình năm 1987, chỉ có vài công đất để sản xuất, do đây là vùng gò cao cùng với hệ thống thủy lợi yếu kém. Hầu hết nơi đây chỉ sản xuất 1 vụ lúa, năng suất thấp, hiệu quả không cao. Để có thể khá lên từ cây lúa, với ý chí vượt khó, ông đã mày mò học hỏi kinh nghiệm chuyển giao kỹ thuật mới như cách phòng trừ sâu bệnh, sử dụng giống lúa mới, từ các kỹ sư nông nghiệp. Từ sự cần cù chịu khó học theo cách sản xuất mới, ông đã vận động bà con đào kênh mương để chứa nước ngọt, hạ phèn, chủ động trong việc bơm nước tưới tiêu cho cây lúa. Nguồn nước được đảm bảo cộng thêm với kỹ thuật học hỏi được, ông đã tăng lên 2 vụ lúa/năm, rồi sau đó 3 vụ/năm. Có được thu nhập từ lúa, ông đã tích lũy mua thêm ruộng để mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, sau hơn 20 năm lăn lóc với đồng ruộng, ông đã có trong tay trên 120 công ruộng "liền canh liền cư”. 
Từ khi Nhà nước có chủ trương thực hiện cánh đồng mẫu ở địa phương, ông đã xây dựng cho mình cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất và hợp tác với các doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Chưa chịu dừng lại ở đó, ông còn muốn làm giàu qua các mô hình sản xuất khác như: trồng hơn 1 ha dừa, xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò, heo, gà, vịt..., dưới ao thả nuôi cá các loại. Từ kết quả trên, hàng năm ông thu nhập từ lúa trên 600 triệu đồng, dừa hơn 60 triệu đồng, chăn nuôi trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông còn thu nhập thêm từ các dịch vụ cày xới, sấy lúa... trên 200 triệu đồng. Tính ra, lợi nhuận của gia đình mỗi năm trên 800 triệu đồng, từ mô hình đa dạng hóa.
Có được cuộc sống khá giả, ông đã tham gia nhiều hoạt động ở địa phương, nhiệt tình hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất lúa của mình cho bà con thực hiện có hiệu quả và đối với hộ nào có khó khăn ông cho mượn vốn làm ăn. Bình quân mỗi năm, ông Thạch Chane cho các hộ nghèo mượn vốn trên 200 triệu đồng không tính lãi. Ông cho biết: "Lợi ích thì ai cũng cần, nhưng cho hộ nghèo mượn tiền sản xuất, nhằm góp phần phát triển kinh tế chung của địa phương, chính là tâm nguyện từ bấy lâu nay của gia đình tôi". 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một nông dân Khmer sản xuất giỏi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO