Giảng viên nữ “nghiện” nghiên cứu khoa học

HOÀNG TẢ PHÁP| 21/10/2022 10:29

Xu thế phát triển, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học, nhiều nữ giảng viên đã thể hiện năng lực vượt trội cùng những thành tích đáng nể.

Nữ tiến sĩ nhận bằng sáng chế của Mỹ
Tốt nghiệp THPT vào thời điểm xảy ra sự cố máy tính năm 2000 (còn được gọi là sự cố Y2K), TS. Dương Thị Thùy Vân (Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Trường Đại học Tôn Đức Thắng) khi đó băn khoăn, tại sao chỉ là một sự cố mà làm cả thế giới rối lên và gây thiệt hại nặng nề như vậy? Và thế là Vân quyết định chọn ngành Công nghệ thông tin (CNTT). Rồi từ đó cô học lên cao học, nghiên cứu sinh và hai năm sau khi nhận bằng tiến sĩ thì nhóm nghiên cứu của chị nhận thêm bằng sáng chế của Mỹ.
Từ nhỏ đã có ước mơ trở thành “cô giáo” nên khi quyết định theo học ngành CNTT, TS. Dương Thị Thùy Vân cũng đặt mục tiêu là phải học thật giỏi để trở thành một giảng viên ngành này tại các trường đại học. Để có kiến thức thực tiễn trong môi trường lập trình chuyên nghiệp trước khi lên giảng đường giảng dạy, Vân quyết định nhận lời mời của công ty phần mềm hàng đầu Việt Nam: TMA Solutions ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Sau 6 tháng làm việc tại TMA Solutions, Vân đã tích lũy được một ít kinh nghiệm thực tiễn về ngành nghề; và quyết định ứng tuyển vào một đại học để giảng dạy và tiếp tục học sau đại học. 
TS. Thùy Vân chia sẻ: “Thời điểm này, Trường Đại học Tôn Đức Thắng là một trường đại học trẻ, năng động... và có định hướng phát triển thành đại học nghiên cứu tinh hoa, nên tôi quyết định dự tuyển và trở thành giảng viên của trường từ năm 2005 cho đến nay”.
Năm 2010, Dương Thị Thùy Vân tiếp tục học nghiên cứu sinh và hoàn thành luận án Tiến sĩ ngành CNTT vào năm 2015. Chuyên ngành mà cô theo đuổi là các giải pháp về phần mềm, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo. Khi bảo vệ luận án Tiến sĩ, cô đã có 8 bài báo quốc tế trên các tạp chí ISI và Scopus, một kết quả ít ai ngờ tới đối với nữ nghiên cứu sinh trong ngành CNTT tại Việt Nam.
Sau khi nhận bằng Tiến sĩ 2 năm, TS. Thùy Vân và nhóm nghiên cứu của mình đã tạo sự chú ý của giới nghiên cứu bằng việc nhận Bằng sáng chế do Cục sáng chế và nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ cấp với nội dung nghiên cứu là một hệ thống cung cấp một nhiệt độ cụ thể cho một giường cụ thể trong một phòng chung có nhiều giường... Có thể nói, đây là lần đầu tiên một nữ tiến sĩ CNTT ở Việt Nam làm được chuyện này.
Đề tài được triển khai từ chỗ quan sát, lưu ý, rồi tìm hiểu và nhận biết được nhu cầu thực tế rằng: “mỗi người thích nghi với một phạm vi nhiệt độ khác nhau tùy thuộc vào lứa tuổi, thể trạng, tâm lý, quốc tịch, giới tính...”. 
“Quá trình nghiên cứu trải qua khoảng 1 năm để hoàn thiện từ ý tưởng đến giải pháp, thử nghiệm giải pháp. Khi đã có kết quả thử nghiệm, chúng tôi viết hồ sơ đăng ký Bằng sáng chế (Patent) gửi Cục sáng chế và nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ (USPTO). Quá trình phản biện (review) hồ sơ được USPTO thực hiện rất nghiêm ngặt. Sau gần 1 năm nữa, USPTO Hoa Kỳ đã đồng ý cấp Bằng sáng chế công nghệ cho Nhóm chúng tôi” - TS. Thùy Vân chia sẻ.
Năm 2020, khi dịch Covid-19 ập đến, TS. Dương Thị Thùy Vân cùng nhóm nghiên cứu Robotics Trường Đại học Tôn Đức Thắng gây chú ý khi trình làng 2 robot khử khuẩn: Robot khử khuẩn CD 1.0 (Covid Defender 1.0), Robot khử khuẩn DR 1.0 (Disinfection Robot 1.0). Hai Robot này đã được bàn giao phục vụ phòng chống dịch Covid-19 cho Bộ Tư lệnh TP.HCM và các khu cách ly như Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM...
Theo TS. Dương Thị Thùy Vân (Trưởng nhóm nghiên cứu Robotics TDTU), Robot khử khuẩn CD 1.0 (Covid Defender 1.0), được trang bị vi điều khiển STM34F4, với cấu hình mạnh và tính năng vượt trội. Robot được điều khiển từ xa (khoảng cách tối đa 2.000 mét) để phun xịt thuốc khử khuẩn cho khu vực cách ly người có khả năng nhiễm, Phòng điều trị Virus Corona của bệnh viện. Trên thân robot được gắn điện thoại thông minh, cho phép dễ dàng quan sát và điều khiển từ xa thông qua cuộc gọi video call. 
“Cánh tay robot là vòi phun thuốc. Cánh tay có khả năng chuyển động lên, xuống, qua trái, qua phải. Ngoài ra, hai bên hông của robot còn được gắn hai vòi. Do đó, trong quá trình di chuyển, robot có thể phun thuốc ra hai bên, phía trước, phía trên và cả dưới mặt sàn. Độ xa phun ra từ mỗi bên hông của thân robot là khoảng 1 m, phía trước, phía trên là khoảng 2 m nên robot có thể di chuyển một lượt là có thể khử khuẩn hoàn toàn khu vực sảnh, hành lang, phòng bệnh của các khu cách ly và bệnh viện” - TS. Dương Thị Thùy Vân (Trưởng nhóm nghiên cứu Robotics TDTU) chia sẻ.
Còn với Robot khử khuẩn DR 1.0 (Disinfection Robot 1.0) tích hợp công nghệ diệt khuẩn chiếu tia UV đã phổ biến tại châu Âu và Công nghệ xe robot tự hành được nghiên cứu và phát triển tại TDTU. Theo TS. Dương Thị Thùy Vân, Robot này sử dụng công nghệ xe tự hành được nghiên cứu và phát triển tại TDTU nên có khả năng tự động di chuyển theo quỹ đạo, ghi nhớ không gian làm việc và lặp lại hành trình. Robot có tải trọng 50 kg nên có thể được phát triển thành robot vận chuyển thuốc men, vật tư y tế, cơm cho bệnh nhân... từ khoảng cách xa vào đến tận hiện trường.
Với những nỗ lực và tâm huyết, nhiều năm liền TS. Dương Thị Thùy Vân nhận danh hiệu Giảng viên trẻ tiêu biểu của TP.HCM. Chị tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) như: hướng dẫn Post Doc của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia - Nafosted, chủ nhiệm nhiều đề tài NCKH các cấp, tham dự các hội đồng NCKH các cấp như cuộc thi Eureka, khoa học công nghệ quốc gia... 

TS. Dương Thị Thùy Vân và nhóm nghiên cứu bàn giao Robot khử khuẩn CD 1.0 cho Trung tâm cách ly tập trung thuộc Ký túc xá ĐHQG TP.HCM.

“Mặc dù có thể có chênh lệch về thu nhập, nhưng với một giảng viên đam mê NCKH sẽ có được những thứ quý giá khác mà họ sẽ không thể có nếu đi làm cho doanh nghiệp. Thứ nhất, họ có cơ hội cống hiến cho xã hội những kết quả nghiên cứu và những kết quả đó được ghi danh, tồn tại mãi mãi với các thế hệ sau. Thứ hai, họ có cơ hội khám phá những điều mới mẻ; đào sâu hơn kiến thức ngành mình yêu thích; giải quyết được những vấn đề mà họ quan tâm, thắc mắc; làm phong phú đầu óc, kinh nghiệm cho bản thân…” - TS. Dương Thị Thùy Vân bộc bạch.

Từ bỏ mức lương 100 triệu đồng/tháng về phục vụ quê hương
PGS.TS. Lê Ngọc Liễu (sinh năm 1984, Giảng viên Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM) là nữ đạt chuẩn PGS trẻ tuổi nhất ở lĩnh vực công nghệ thực phẩm năm 2021.
Sinh ra tại một miền quê nắng  cháy của tỉnh Tây Ninh, nhưng PGS.TS. Lê Ngọc Liễu có con đường học hành khá thuận chiều. Sau khi tốt nghiệp đại học và thạc sĩ ở Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, chị nhận được học bổng toàn phần của AUN/Seed-Net học tiến sĩ ở Trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Học xong chương trình tiến sĩ, chị qua Ả Rập Saudi làm nghiên cứu sau tiến sĩ 3,5 năm trước khi về Việt Nam giảng dạy tại Trường Đại học Quốc tế vào năm 2017. 
Chị chia sẻ: “Từ lúc học tiến sĩ ở Singapore, tôi vẫn luôn có ý định sau khi hoàn tất việc học tôi sẽ về nước vì tôi muốn làm việc và đóng góp phát triển cho quê hương mình. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất chương trình tiến sĩ, tôi nhận ra đây chỉ là bước khởi đầu. Mặc dù khi đó đã công bố 5 bài báo khoa học, nhưng tôi nhận thấy tiến sĩ vẫn còn rất non kinh nghiệm để trở thành một nhà nghiên cứu độc lập. Do đó tôi quyết định sẽ tiếp tục học hỏi hơn nữa trước khi về nước. Thế là, tôi nộp hồ sơ và được tuyển dụng làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Khoa học và Công nghệ của Đức vua Abdullah, Ả Rập Saudi”. 
Theo chị, việc thay đổi môi trường, thay đổi đất nước văn hóa khác sẽ giúp mình học hỏi được nhiều hơn và phát triển bản thân tốt hơn. Một điều khá  thú vị là nữ tiến sĩ 8X từng có mức lương 100 triệu đồng/tháng tại Ả Rập Saudi. Tuy nhiên, điều hấp dẫn chị lại là trở về công tác Việt Nam. Khác với một số người cho rằng ở nước ngoài vẫn có thể đóng góp cho quê hương, chị quan niệm chỉ khi về nước chúng ta mới có thể thực sự cống hiến. 
“Nếu bản thân mình có khả năng đóng góp, sao lại không đóng góp cho quê hương mình? Ngoài ra, tôi cũng thấy hạnh phúc hơn khi được ở gần gia đình, bạn bè và quê hương. Đồng thời, bản thân rất mong muốn có thể đóng góp vào lĩnh vực giáo dục và phát triển thế hệ trẻ...” - PGS.TS. Lê Ngọc Liễu chia sẻ.
Đến thời điểm hiện tại, PGS.TS. Lê Ngọc Liễu đã công bố hơn 35 bài báo khoa học, trong đó có 20 bài báo thuộc Q1, xuất bản 2 chương sách thuộc Nhà xuất bản Elsevier và được cấp 1 bằng sáng chế đa quốc gia (Hoa Kỳ, châu Âu, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới). Ngoài ra, chị còn tham gia các hội nghị quốc tế, hội thảo tại các trường đại học nước ngoài với vai trò diễn giả khách mời và tham gia phản biện cho các tạp chí quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu của mình.
Mặc dù học đại học và thạc sĩ học về Công nghệ thực phẩm, nhưng chị chọn học tiến sĩ ngành Hóa học với nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực môi trường. Chị cho biết: “Vì tính cách tôi luôn thích học những cái mới. Luận án tiến sĩ của tôi lúc đó chú trọng việc tinh lọc nhiên liệu sinh học từ rơm và các vật liệu phế thải...”. Theo chị, việc chọn hướng nghiên cứu này xuất phát từ nhận thức nhu cầu cấp thiết của Singapore (là nơi chị học tiến sĩ khi đó) cũng như của thế giới thời điểm đó về phát triển các nguồn năng lượng sạch và năng lượng thay thế.  
Đây cũng là đề án góp phần giúp chị nhận được hai giải thưởng quốc tế (Green Talents 2013 của Đức và IES Prestigious Engineering Achievement Award 2010 của Singapore). Green Talents là giải thưởng hằng năm của Bộ Giáo dục và Nghiên cứu của Đức, trao cho 25 nhà nghiên cứu trẻ trên tất cả các lĩnh vực khoa học trên toàn thế giới có nghiên cứu nổi bật giúp cho xã hội phát triển bền vững hơn. Sau 10 năm tổ chức giải thưởng từ năm 2009, Việt Nam có 3 nhà nghiên cứu trẻ nhận được giải thưởng này. Ngoài PGS.TS. Lê Ngọc Liễu, còn có TS. Phạm Văn Quân và TS. Phan Vũ Xuân Hùng. 
Sau này, PGS.TS. Liễu còn nghiên cứu tìm kiếm nguồn năng lượng từ biển cả, phát triển quy trình chuyển hóa chênh lệch áp suất thẩm thấu của nước biển với nước từ sông ngòi thành điện năng. Đề án này được chọn là một trong 100 đề án NCKH toàn thế giới thuyết trình tại Berlin trong cuộc thi Falling Walls Lab (Đức, 2014) và cũng được cấp bằng sáng chế của Hoa Kỳ. Ngoài lĩnh vực năng lượng, chị cũng chú trọng nghiên cứu vào xử lý nước thải và tận dụng các nguồn phụ phế phẩm từ nông nghiệp để phát triển thành các sản phẩm có giá trị kinh tế cao hơn như là bao bì phân hủy sinh học, đề tài này hiện đang được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và Công nghệ Quốc gia (Quỹ NAFOSTED). 
PGS.TS. Lê Ngọc Liễu cũng là một trong 10 gương mặt vừa được trao Giải thưởng Khoa học công nghệ thanh niên Quả Cầu Vàng năm 2019. Chị quan niệm rằng làm NCKH mặc dù gian nan, mạo hiểm nhưng cũng rất thú vị.
“Tôi nghĩ có hai tính cách chính làm nên một nhà nghiên cứu. Thứ nhất là tính tò mò, thích khám phá, luôn thích đặt câu hỏi, tìm kiếm giải pháp. Thứ hai là tính kiên trì, vì không nhà nghiên cứu nào có thể khẳng định những giả định mình đặt ra là đúng, nghiên cứu chắc chắn sẽ thành công. Do đó người nghiên cứu phải quen với cảm giác thất bại nhưng không nản chí. Và khi thất bại thì sẽ tìm hiểu nguyên do tại sao và cách khắc phục, rồi lại lặp lại cho đến khi thành công. Có lẽ nhờ có cả hai tính cách này nên đôi khi bản thân cũng mệt mỏi với làm NCKH vì những lý do khách quan nhưng niềm đam mê của tôi với NCKH vẫn còn nguyên vẹn” - PGS.TS. Liễu chia sẻ.
Cựu sinh viên IU Trần Bảo Uyên - Tốt nghiệp Huy chương bạc năm 2021, cho rằng bên cạnh vai trò là giảng viên, cô Liễu còn là một người bạn thân thiết luôn đồng hành cùng sinh viên. “Trong bốn năm ở IU, tôi đã học được rất nhiều điều từ cô Liễu, đặc biệt là sự lạc quan, bình tĩnh và tinh thần sống hết mình. Điều tôi ngưỡng mộ nhất ở cô là sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Ngoài giảng dạy và nghiên cứu khoa học, cô cũng là một người đam mê xê dịch. Cô đã có rất nhiều chuyến đi khám phá những vùng đất mới đầy thú vị rồi về chia sẻ những trải nghiệm cho mọi người. Do đó, tôi rất thích đọc những bài viết của cô trên Facebook. Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được làm sinh viên của cô tại IU...” - Trần Bảo Uyên  chia sẻ.

PGS.TS. Lê Ngọc Liễu (thứ 3 từ phải qua) cùng các SV tại phòng Lab Trường Đại học Quốc tế - ĐHQG TP.HCM.

“Tôi yêu thích khoa học từ nhỏ, mặc dù lúc ấy còn chưa hiểu làm NCKH là gì. Cho đến khi học đại học và thạc sĩ làm luận văn tốt nghiệp, tôi được thầy là GS.TS. Lê Văn Việt Mẫn hướng dẫn thế nào là làm NCKH, ý nghĩa của việc làm NCKH và những đóng góp của NCKH vào cuộc sống. Từ đấy tạo niềm cảm hứng và xây dựng dần niềm đam mê của tôi trong NCKH” - PGS.TS. Lê Ngọc Liễu chia sẻ.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảng viên nữ “nghiện” nghiên cứu khoa học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO