Lương y Võ Thị Liễu: Chuyện bây giờ mới kể về “lòng tốt”

Nam Du| 17/01/2017 16:17

Cuộc sống có những thứ vô vàn quý giá như sức khỏe, thời gian, bởi có câu "có sức khỏe là có tất cả” và "thời gian là vàng bạc".

KHPT-Song điều quý giá có ý nghĩa nhất đối với cuộc đời tôi chính là lòng tốt. Tôi tin rằng lòng tốt có thể cứu rỗi thế giới. Nhờ có những người tốt mà tôi mới còn sống và thành đạt như ngày nay. Với tôi, tết này sẽ là mùa xuân tri ân". Doanh nhân tuổi gà Võ Thị Liễu, giám đốc Công ty công nghệ Vĩnh Tân chia sẻ chuyện đời nhân dịp đầu năm.

Cuộc đời chị Võ Thị Liễu truân chuyên ngay từ khi còn nhỏ. Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo khó (ở xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) khi 11 tuổi, chị đã phải phụ mẹ gánh chuối, gánh khoai đi hơn 32 km về đồng bằng bán để mua gạo, muối về nuôi 5 đứa em và người cha tật nguyền. Trong cái khó này, chị Liễu cũng tìm được niềm vui là được Ban quản lý vùng kinh tế mới ở địa phương cho đi học bổ túc. Nhờ sáng dạ và chăm chỉ nên chị Liễu đã học rất giỏi. 

110

Từ khi lập gia đình, chị rất chí thú làm ăn. Chị gánh vác mọi việc trong nhà, cũng như nhận làm mọi việc khi có ai thuê mướn, chỉ mong sao các con có một cuộc sống tốt hơn. Bất ngờ xảy ra một biến cố. Cách đây hơn 23 năm, chị Liễu đã bị một nhóm thanh niên bắt cóc vào rừng (do một hiểu lầm trong cuộc sống), nhóm bắt cóc muốn làm hại chị để trả thù. Bằng  sự kiên cường và may mắn, chị đã thoát khỏi nguy hiểm trong gang tấc. Nhớ về câu chuyện này, chị Liễu đau đáu cho đến tận hôm nay, là mong gặp lại người ơn đã cứu mạng chị. Đó là người tài xế xe cần cẩu tên Lộc, chuyên chở gỗ trong rừng Tà Hoàng, thôn Ba Lá, xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Chính anh Lộc đã phát hiện, và dẫn đường cho người dân, và công an đến giải cứu cho chị… Sau lần đó, chị Liễu vẫn không gặp lại anh Lộc. Một dịp cám ơn người đã cứu mạng cho mình, vẫn chưa thể thực hiện được. Chị Liễu chỉ biết rằng vào thời điểm đó, anh Lộc đang cư trú ở Đồng Nai, cao trên 1,6 mét, tính đến nay khoảng trên 55 tuổi, vừa người, giọng nói miền Nam. Mong rằng bà con nào biết được bất kỳ thông tin về anh Lộc còn sống hay đã chết, tin tức về gia đình vợ, con của anh, vui lòng liên hệ chị Võ Thị Liễu, giám đốc Công ty TNHH công nghệ Vĩnh Tân, 59 Quốc lộ 1A, thôn Vĩnh Hải, xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Hotline: 0919.102963. "Tôi sẽ hậu tạ 10 triệu đồng cho người báo tin để tìm ra anh Lộc hoặc vợ con anh ấy nếu anh không còn" - LY. Võ Thị Liễu nhấn mạnh.
Năm 2006, chị gửi ba đứa con thơ lại cho cha mẹ lặn lội vào TP.HCM, và tìm được một chân rửa chén cho một nhà hàng từ 5 giờ chiều cho tới 2 giờ sáng. Như một cơ duyên, do công việc chủ yếu là về đêm, ban ngày trống nên chị đã tìm đến Trung tâm ứng dụng y học cổ truyền Chợ Lớn chữa bệnh và học nghề bốc thuốc. Thấy hoàn cảnh của chị tuy khó khăn nhưng siêng năng, sáng dạ, LY. Nguyễn Văn Tân - giám đốc trung tâm này đã tận tình chỉ dạy và truyền nghề. Sau 4 năm đèn sách miệt mài, cuối năm 2010, chị Liễu đã học xong nghề lương y. Chị Liễu chính thức trở thành một lương y nhờ vào lòng tốt của "ông thầy" LY. Nguyễn Văn Tân.     

Trong thời gian bôn ba mưu sinh ở TP.HCM, chị Liễu còn được cứu mạng một lần nữa cũng nhờ lòng tốt. Trong một lần chị đi giao máy tập thể dục cho khách hàng (công việc chị tranh thủ làm thêm, để kiếm thêm tiền cho gia đình) không may chị bị rớt mất cái bóp tiền, trong đó có giấy tờ tùy thân, điện thoại và 17 triệu đồng tiền thu của khách hàng - một số tiền khá lớn vào thời điểm cách đây 12 năm. Chị Liễu gần như "bế tắc" vì đột nhiên vướng vào số nợ khổng lồ. Quá bức bối, chị đã nghĩ đến cái chết. Thế nhưng, ngay thời khắc trước khi chị tự tử, chị đã nhận được tin báo: có một đồng chí công an làm ở P.4, Q. Tân Bình lượm được tài sản chị đánh rơi. Anh công an nói: "Số tiền nhặt được lớn quá, nhớ lời mẹ tôi dạy là nhặt được của rơi phải trả người đánh mất. Rủi người bị mất của, quẩn trí quá họ tìm đến cái chết thì sao". Thật vậy, nếu anh "không" trả lại số tiền chị đã đánh rơi thì lúc đó chị Liễu đã tìm đến cái chết. Bấy giờ, chị đã tạ ơn anh 500.000 đồng nhưng anh từ chối. 
Suốt 12 năm qua, chị Liễu mãi bôn ba lập nghiệp, đến nay thành đạt rồi mới tìm gặp được anh Đủ để tri ân. Cách đây vài tháng, chị Liễu tìm đến nói lời tạ ơn anh công an tốt bụng, anh là trung tá công an Phạm Hữu Đủ, hiện công tác tại Đội cảnh sát quản lý hành chánh về trật tự xã hội thuộc Công an Q. Tân Bình. Hai chị em gặp nhau mừng vui đến rơi lệ. Anh cho biết, do sống tốt nên tâm rất vui. "Mùa xuân này, tôi dự định sẽ tổ chức một buổi tiệc tri ân cho những người ơn cứu mạng mình. Một người đã tìm được rồi, còn người còn lại tôi phải tìm gặp cho bằng được. Với tôi, trong cuộc sống này hình như lòng tốt và người tốt vẫn còn rất nhiều, do đó mà tôi mới còn sống và thành đạt như ngày nay" - LY. Võ Thị Liễu tâm sự.    

1O

Khi đã trở thành doanh nhân, LY. Võ Thị Liễu luôn nhớ về vùng quê nghèo của mình. Chị Liễu đã lập quỹ "Vì người nghèo" của huyện. Đặc biệt, trên mảnh đất Vĩnh Hảo, một nhà máy đạt chuẩn GMP đã được phê duyệt với tổng vốn đầu tư trên 70 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động, nhà máy góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương, đảm bảo đầu ra sản phẩm mủ trôm cho nông dân trồng trôm và hơn hết là tạo ra một sản phẩm mang thương hiệu Bình Thuận. LY. Võ Thị Liễu bộc bạch: "Ngay từ khi bước vào kinh doanh tôi đã xác định, 70% số tiền kiếm được là tiếp tục đầu tư sản xuất, còn 30% là dành cho hoạt động từ thiện, chứ không phải đợi có dư rồi mới đóng góp cho xã hội…". 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lương y Võ Thị Liễu: Chuyện bây giờ mới kể về “lòng tốt”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO