Lao động ở doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa sẽ như thế nào?

Như Hoa| 01/12/2016 10:43

KHPTO - Nhóm nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Xuân Hồng, Trường đại học công nghiệp Hà Nội đã tiến hành nghiên cứu nhằm đánh giá sự thay đổi hiệu quả sử dụng lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sau khi cổ phần hóa (CPH).

Dữ liệu được thu thập từ báo cáo tài chính (BCTC) và số liệu lao động, thu nhập bình quân của 132 DNNN sau CPH. Sau khi tính toán hiệu quả sử dụng tính theo doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong mẫu, tác giả sử dụng phương pháp so sánh về lao động, thu nhập bình quân và hiệu quả sử dụng lao động tại thời điểm trước và sau cổ phần hóa. Tiếp đó, sử dụng phương pháp kiểm định Wilcoxon Signed-Rank Test để so sánh sự biến động giữa 2 năm sau CPH với năm trước CPH đối với tỷ suất trên.

Kết quả cho thấy, sau cổ phần các doanh nghiệp có số lao động bình quân tăng, thu nhập bình quân tăng và hiệu quả sử dụng lao động được cải thiện tích cực.

Thông tin về doanh thu, lợi nhuận, lao động và thu nhập của doanh nghiệp là thông tin có thể được công khai cho các đối tượng quan tâm, nhưng theo Jusoh và cộng sự (2008), các nhà quản lý thường miễn cưỡng cung cấp hoặc tham gia vào các cuộc điều tra vì tính chất nhạy cảm và bí mật của các thông tin của doanh nghiệp. Vì vậy, mẫu nghiên cứu được lựa chọn trong bài này là những doanh nghiệp đại chúng có tiền thân là DNNN. Dữ liệu khai thác là thông tin về doanh thu, lợi nhuận, số lượng lao động bình quân, thu nhập lao động bình quân của doanh nghiệp trong các năm từ trước khi CPH đến sau CPH 1-2 năm.

Qua phân tích số liệu về lao động, thu nhập bình quân và hiệu quả sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong mẫu, nghiên cứu này đóng góp thêm một bằng chứng về sự khác biệt về lao động và hiệu quả lao động trong các DNNN sau CPH. Kết quả nghiên cứu cho thấy sau CPH các doanh nghiệp không có sự giảm sút về số lượng lao động, thậm chí ngay sau khi CPH 1 năm số lượng lao động còn tăng, tuy nhiên, sau CPH 2 năm, có thể do hoạt động của doanh nghiệp đã đi vào ổn định hơn và có sự sắp xếp, phân công lại lực lượng lao động nên số lượng lao động có xu hướng giảm nhưng vẫn cao hơn so với trước CPH.

Đồng nhất với các nghiên cứu trước, mặc dù số lượng lao động có xu hướng tăng nhưng thu nhập bình quân và hiệu quả sử dụng lao động tăng lên. Điều này có thể do hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp tăng làm tăng phúc lợi cho người lao động. Đồng thời các doanh nghiệp tăng thu nhập, phúc lợi cho người lao động nhằm tạo động lực, khuyến khích nâng cao năng suất lao động, qua đó cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam luôn nỗ lực để nâng cao hiệu quả kinh doanh nói chung và hiệu quả sử dụng lao động nói riêng nhằm hướng đến quá trình hội nhập toàn cầu, trước hết là quá trình chuyển đổi để thích nghi với sự gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo tác giả cần thực hiện một số khuyến nghị sau:

Trước hết, doanh nghiệp cần tạo môi trường làm việc thuận lợi, phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh nhưng đảm bảo quy trình an toàn lao động; doanh nghiệp cần nhìn nhận, đánh giá lao động dựa trên kết quả làm việc của họ để bố trí, sắp xếp, phân công phân nhiệm phù hợp. Qua đó, sẽ giúp tinh thần lao động, sáng tạo của người lao động được nâng cao, giúp họ phát huy đúng khả năng, năng lực và chuyên môn của mình và nâng cao năng suất lao động, tạo thêm giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.

Thứ hai, doanh nghiệp cần thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho người lao động ở từng lĩnh vực. Xây dựng chính sách đào tạo, thăng tiến để người lao động có động lực phấn đấu và phát triển. Đồng thời có chính sách khen thưởng, kỷ luật minh bạch, công bằng đối với những trường hợp vi phạm hoặc có thành tích trong lao động.

Thứ ba, tác giả đồng quan điểm với việc cho rằng doanh nghiệp cần tự đánh giá trình độ khoa học, công nghệ và tổ chức sản xuất để có giải pháp nâng cao trình độ khoa học của doanh nghiệp, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và tổ chức sản xuất hợp lý. Mặc dù việc nâng cao trình độ khoa học, áp dụng công nghệ tiên tiến còn phụ thuộc vào khả năng ngân sách của doanh nghiệp, nhưng vai trò của yếu tố tổ chức sản xuất khoa học, hợp lý lại phụ thuộc nhiều vào ý chí của bộ máy quản lý, điều hành doanh nghiệp. Như vậy việc tổ chức lao động khoa học hợp lý không cần thiết phải chi phí tốn kém nhưng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, nếu người đứng đầu đơn vị, doanh nghiệp quan tâm, tổ chức thực hiện.

Cuối cùng, các doanh nghiệp sau CPH cần chú trọng đến quyền và lợi ích của cổ đông, đặc biệt đối với cổ đông là người lao động trong doanh nghiệp. Chú trọng tạo điều kiện thuận lợi nhất để các cổ đông có cơ hội nghiên cứu, thảo luận, được tham gia, được quyết định, được giám sát những vấn đề liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của cổ đông. Đồng thời, nâng cao vai trò của cổ đông trong đại hội cổ đông, làm cho cổ đông hiểu rõ và thực thi đầy đủ quyền làm chủ, tham gia tích cực, có những đóng góp mang tính quyết định vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Qua đó giúp nâng cao hiệu quả sử dụng lao động nói riêng và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của toàn doanh nghiệp nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lao động ở doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa sẽ như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO