Kiểm soát cảm xúc của học sinh trung học phổ thông

Như Hoa ghi| 13/01/2017 22:34

KHPTO - Theo ThS.Lê Thị Ngọc Thương, Viện Nghiên cứu Giáo dục, sự hình thành và phát triển nhân cách của lứa tuổi này diễn ra khá mạnh mẽ. Những cảm xúc của học sinh nảy sinh và biến đổi liên tục trong quá trình tham gia học tập, quan hệ xã hội, bạn bè,...

Cần biết cách giải tỏa cảm xúc

Kiểm soát cảm xúc của học sinh thể hiện ở khả năng làm chủ bản thân khi cảm xúc nảy sinh, biết cách giải tỏa cảm xúc một cách hiệu quả nhất và có khả năng kiểm soát cảm xúc của người khác.

Cụ thể, với sự nhận thức hậu quả cảm xúc gây ra cho bản thân và người khác khá cao, học sinh lứa tuổi này tỏ ra cân nhắc khi bộc lộ. Học sinh biết tạo “vỏ bọc” che giấu cảm xúc theo mục đích nào đó. Ví dụ như giấu nỗi buồn trong lòng bằng cách cười, giữ nét mặt bình tĩnh để người thân không đau lòng vì mình. Ngoài ra, học sinh có khả năng kiểm soát cảm xúc nếu nhận thức đúng suy nghĩ nảy sinh khi gặp tình huống đó lên người khác.Ví dụ như bạn bè chọc ghẹo “chân vòng kiềng nhìn thấy ghê” làm cho học sinh có suy nghĩ là cái chân thật đáng ghét, từ đó nảy sinh cảm xúc xấu hổ.

Học sinh khá nhạy cảm bởi sự nhận xét, đánh giá của những người xung quanh đến bản thân. Học sinh tham gia nhiều hoạt động hơn vì vậy kinh nghiệm giao tiếp ngày càng được tích lũy. Vì vậy, lứa tuổi này thể hiện khả năng biết lấy lòng người khác dựa trên việc biết làm chủ cảm xúc của mình, biết cảm cảm xúc của người khác, biết đánh giá người khác.

Học sinh thể hiện được tình cảm như vị tha, đồng cảm, chia sẻ cảm xúc với người khác hơn lứa tuổi trước đó. Đây là dấu hiệu cho thấy bước đầu của một trong những khả năng kiểm soát cảm xúc.

Ngoài ra, cảm xúc trong nhóm bạn khá lớn và xu hướng kết bạn tốt hay chưa tốt cũng chi phối ít nhiều đến cảm xúc của các em. Vì vậy giáo dục định hướng giá trị cho học sinh ở lứa tuổi này là rất quan trọng.

Bên cạnh đó, khả năng kiểm soát cảm xúc của học sinh còn bao hàm cả cách giải tỏa cảm xúc. Nghĩa là khi cảm xúc nào đó của học sinh bị dồn nén, kìm hãm quá lâu thì sẽ ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý. Chẳng hạn như nếu các em muốn tâm sự về nỗi sợ hãi bị bạn ở trường bắt nạt với cha mẹ, nhưng cha mẹ lại ít quan tâm, dần dần, các em thu mình lại, ức chế, không muốn học nữa. Đặc biệt, học sinh biết cả huy động sự hỗ trợ của người khác khi gặp vướng mắc cảm xúc như chia sẻ cảm xúc với bạn bè, gia đình. Tuy nhiên, đánh giá giá trị chưa cao làm cho học sinh dễ hành động, đưa ra quyết định chủ quan, tiêu cực. Vì vậy, có thể nói, một khi học sinh không kiểm soát được hành vi, thái độ cảm xúc thì học sinh sẽ dễ bị đánh mất bản thân, gây ra lỗi lầm không đáng có.

Thông qua việc kiểm soát cảm xúc mà học sinh biết cách cư xử theo chuẩn mực giao tiếp cũng như thể hiện được hành vi đạo đức phù hợp. Thế nên, thật cần thiết nếu bản thân học sinh nhận ra mình đang ở mức báo động nào của khả năng kiểm soát cảm xúc là rất quan trọng. Để làm được việc này thì học sinh càng cần tự mình tích cực khi giao tiếp và rèn luyện, nâng cao khả năng qua giáo dục.

Nên làm gì để kiểm soát cảm xúc?

Theo ThS.Lê Thị Ngọc Thương, những biện pháp với các bước như sau cũng hỗ trợ nhiều cho cá nhân vượt qua cảm xúc. Đó là:

- Thư giãn. Đơn giản như hít thở sâu và tượng tượng đến những hình ảnh dễ chịu có thể làm dịu những xúc cảm (giận dữ, sợ hãi, xấu hổ,..). Hiểu về cảm xúc đang xảy ra. Hiểu ở đây có nghĩa là cá nhân nhận ra những thay đổi trong cảm xúc của mình. Ví dụ từ bình thường chuyển sang giận dữ. Lắng nghe cảm xúc của bản thân một cách tích cực như liệt kê những cảm xúc gì mà mình chưa giải tỏa được, nguyên nhân nảy sinh cảm xúc đó, mức độ biểu hiện của bản thân, thời gian ra sao,… Thay đổi cách suy nghĩ. Nhiều người giận dữ cứ để trong lòng mà không tìm cách giải quyết cơn giận dẫn đến bùng nổ cảm xúc về sau theo hướng tiêu cực.

Do đó, cách suy nghĩ làm bản thân thấy nhẹ nhàng là phải nhìn nhận những cảm xúc này là một phần tất yếu của cuộc sống. Chúng ta có thể giải quyết nó, bộc lộ nó một cách nhẹ nhàng, không tổn hại cho bản thân và người khác.

- Giải quyết cảm xúc. Thảo luận về hậu quả của cảm xúc gây ra đối với bản thân và người khác. Thực tế, nhiều chủ thể chỉ có thể hình dung được hậu quả của cơn giận của mình sau khi nó xảy ra rồi và không phải ai trong chúng ta cũng có khả năng phân tích cảm xúc của mình một cách thỏa đáng, khách quan để từ đó tìm ra giải pháp giải tỏa cảm xúc. Bên cạnh đó, có những điều mà người khác gây ra cảm xúc cho chúng ta, quá sức có thể giải quyết. Vậy tại sao không tâm sự, chia sẻ, thảo luận cảm xúc với những người bạn, người thân, thậm chí với đối tượng gây hấn cho chúng ta. Đối mặt với vấn đề đang giận. Đừng né tránh, đừng bỏ lơ những cảm xúc như giận dữ, sợ hãi, xấu hổ trong cuộc sống. Bình tĩnh đối mặt những cảm xúc đó và tìm hướng giải quyết trên cơ sở nhận thức sâu sắc các cảm xúc đó là vô cùng cần thiết. Phân loại và trò chuyện về tất cả những kiểu cảm xúc, giải pháp giải tỏa cảm xúc khác nhau.

Chủ thể có nhiều lựa chọn giải pháp cho bản thân trong việc kiểm soát cảm xúc. Tuy nhiên, nhiều chủ thể biết cảm xúc đó ảnh hưởng đến xấu đến tinh thần của họ, làm họ suy nhược cơ thể, rối
loạn hành vi, tính khí thất thường,... nhưng họ không thể hoặc không hiểu cách để kiểm soát cảm xúc đó. Vì có nhiều loại cảm xúc khác nhau, nhiều giải pháp giải tỏa cho từng loại. Vì vậy, khi chủ thể không biết về cách giải tỏa, tốt nhất là nên chia sẻ cảm xúc của mình với người khác hoặc tìm hiểu thông tin về cách giải tỏa cảm xúc.

- Đặt ra những mục tiêu để biến đổi cảm xúc mà mình khó kiểm soát được thành những áp lực nhẹ nhàng hơn. Thật ra, quá trình kiểm soát được một cảm xúc nào đó là một điều không đơn giản. Do đó, quá trình kiểm soát này đòi bản bản thân chủ thể phải tích cực. Phát hiện ra một cảm xúc nào mà bản thân không chế ngự được nó, từ đó đi đến những mục tiêu cụ thể để kiếm soát nó là rất quan trọng. Mục tiêu cụ thể có thể là những điều như kiểm soát hơi thở, biểu cảm trên gương mặt, âm lượng giọng nói,... Những mục tiêu này đạt được từ từ và đòi hỏi chủ thể phải kiên trì, phải đối diện với cảm xúc một cách tích cực thì mới đạt được mục đích cao hơn. Đó là kiểm soát được cảm xúc đó.

- Học cách sử dụng cảm xúc để giải quyết vấn đề hơn là trừng phạt nhân tố gây ra nó. Đối phó với việc kiểm soát cảm xúc của bản thân, nhiều người có xu hướng trừng phạt, ứng phó với người gây hấn. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là sử dụng cảm xúc đó như thế nào. Ví dụ như khi bộc lộ cảm xúc sợ hãi trước kẻ thù, sử dụng được cảm xúc sợ hãi một cách chủ động, mạnh mẽ cũng góp phần phát huy sức mạnh của chủ thể để bảo vệ bản thân.

- Thay đổi môi trường cũng có nghĩa là làm dịu đi thời gian giận, để suy nghĩ tốt hơn. Một người có nhiều tình huống dẫn đến cảm xúc của họ. Khó mà chớp mắt một cái chúng ta hình dung ra cách giải quyết hoặc bộc lộ cảm xúc một cách tích cực. Vì vậy thời gian cũng như môi trường được thay đổi cũng góp phần giúp chúng ta quên đi, xoa dịu đi, vơi đi cơn giận, nỗi sợ, xấu hổ đang tồn tại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát cảm xúc của học sinh trung học phổ thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO