Khu vực sản xuất kinh doanh phải yểm trợ cho nghiên cứu khoa học công nghệ

NGUYỄN SƠN thực hiện| 14/06/2017 16:53

KHPTO - Trong ba ngày 8-10/6/2017, tại TPHCM đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Hóa học cơ bản và Hóa học ứng dụng” với chủ đề “Hóa học vì sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững” theo sáng kiến của Hội Hóa học Việt Nam với sự tham gia của Hội Hóa học TP Hồ Chí Minh , Viện Hóa học Malaysia, Tổ hợp Hóa học Châu Á - Nhật Bản và Quỹ tương tác khoa học - công nghệ Nhật Bản.

 Đây là một hoạt động khoa học, công nghệ quan trọng  được tổ chức tại TPHCM, “điểm danh” thành phố của chúng ta trên bản đồ khoa học - công nghệ thế giới. Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM đã có bài phát biểu quan trọng. Giáo sư Tiến sĩ  Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật TPHCM, Phó Chủ tịch Hội  Hóa học Việt Nam, Chủ tịch Hội Hóa học TP Hồ Chí Minh  đã  dành cho báo Khoa học Phổ thông một cuộc phỏng vấn nhanh. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Phóng viên:Xin Giáo sư cho biết tầm quan trọng của Hội thảo quốc tế “Hóa học cơ bản và Hóa học ứng dụng” với chủ đề “Hóa học vì sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững” lần này.

Giáo sư Tiến sĩ Chu Phạm Ngọc Sơn: Hội thảo lần này là một bước nhấn mạnh thêm hóa học ngày nay  đã chuyển mình thành ngành khoa học của sự sống tuy vẫn quan tâm đến những vấn đề về cơ bản, vừa củng cố và phát triển nền khoa học bản lề này, vừa có khả năng định hướng hoặc làm tiền đề cho những phát minh quan trọng phục vụ xã hội trong tương lai. Đó là hướng đi của hóa học thế giới và cũng là hướng đi của hóa học Việt Nam. 

Ngày nay, các phương tiện phổ biến và trao đổi thông tin khá nhiều, nhưng những dịp như thế này là cơ hội tốt để các anh chị em trong giới hóa học các nước gặp gỡ, cập nhật những thông tin mới qua các báo cáo khoa học và trao đổi trực tiếp. Hàng trăm nhà khoa học từ các nước trên thế giới đã về dự Hội thảo này, trong đó riêng Việt Nam có gần 60 nhà khoa học tham gia.

khpt-cpnson2

                                                                                Quang cảnh hội thảo

Cũng tại cuộc Hội thảo lần này, một số nhà khoa học trong và ngoài nước cũng đã tìm hiểu nhau nhằm định hướng những kết giao hợp tác có giá trị, có ý nghĩa thực tiễn lớn cho một số ngành công nghiệp. Chẳng hạn, một số nhà khoa học Nhật Bản, đã liên hệ với Phó Giáo sư Nguyễn thị Thanh Mai, trưởng khoa hóa, Trường đại học khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh để tìm hiểu thêm về những hướng nghiên cứu ở Việt Nam, nhằm làm cầu nối cho những hợp tác trong lĩnh vực mỹ phẩm, dược phẩm, y sinh với những  công ty dược, mỹ phẩm Nhật mà họ đại diện.

Phóng viên:Có thể nói y sinh học là đang gặt hái được những thành quả tốt nhất trong các ngành khoa học của sự sống. Những thành quả ấy ở Việt nam là gì, thưa Giáo sư?

Giáo sư Tiến sĩ Chu Phạm Ngọc Sơn: Việt Nam hiện có chương trình nghiên cứu vật liệu nano phục vụ một số lĩnh vực trong đó có y sinh học. Vật liệu nano là những phần tử có kích thước cực nhỏ, có diện tích bề mặt tiếp xúc rất lớn, có tính thẩm thấu cao hiện bước đầu được nghiên cứu trong nước để tạo ra  những chế phẩm  hỗ trợ trị liệu một số bệnh. Chẳng hạn chế phẩm nano nghệ được thương mại hóa dưới tên Cumar Gold có tác dụng hỗ trợ chữa đau dạ dày rất tốt cũng như có khả năng hỗ trợ trị ung bướu. Lượng dùng đạt độ hiệu nghiệm tương đương rất nhỏ so với lượng nghệ dùng trong  chữa trị bình thường. Nhiều đơn vị khoa học cũng đang tập trung nghiên cứu  các hợp chất tự nhiên chiết xuất từ nhiều loại cây cỏ trong nước  nhằm  khai thác hiệu quả hơn thảm thực vật rất phong  phú của Việt Nam. Các trường đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Viện Hoá học các hợp chất thiên nhiên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam là những mũi nhọn trong lĩnh vực này. Một thành công của hướng đi nói trên là chiết xuất tinh chất từ lá trầu không Hóc môn, TP Hồ Chí Minh. Đây là đề tài  nghiên cứu đặc chế tinh dầu lá trầu có đặc tính  kháng khuẩn và  kháng virut mạnh, một luận án Tiến sĩ và một luận văn Thạc sĩ đã bảo vệ thành công cùng với nhiều bài báo, nhiều báo cáo khoa học ở hội nghị  trong và ngoài nước. Công ty Dược OPC đã khai thác bào chế chế phẩm hỗ trợ chữa trị bệnh tay chân miệng của trẻ em, hiện chưa có thuốc đặc trị.  Kết quả tiền lâm sàng đạt rất tốt. OPC đang có những bước để xin phép được thực hiện lâm sàng.  Một số trường hợp tình nguyện đều khỏi bệnh trong vòng 3 - 4 ngày.

Phóng viên:Ngoài y sinh học đang thu được những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ, còn những thành tích nào đáng chú ý của ngành hóa học Việt Nam?

Giáo sư Tiến sĩ Chu Phạm Ngọc Sơn: Hóa phân tích cũng có những kết quả rất tốt. Đã có những phương pháp kiểm nghiệm mới theo hương hóa học xanh cho phép giảm đáng kể lượng mẫu (từ 10-20g mẫu xuống còn 0,5 – 1 gram) và dung môi (từ vài trăm mL xuống còn vài mL) dẫn đến ít chất thải, ít gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm thời gian kiểm nghiệm, nâng cao công xuất thiết bị phân tích. Những phương pháp này đang áp dụng trong thực tế và còn tiếp tục mở rộng thêm nữa thêm nữa cho nhiều đối tương kiểm nghiệm.

tang_hoa

                            Giáo sư Tiến sĩ Chu Phạm Ngọc Sơn tặng quà cho các nhà khoa học quốc tế

Một thành công nữa là kiểm nghiệm chất cấm trong chăn nuôi. Như các bạn đã biết, dư lượng những chất cấm họ beta-agonists như clenbuterol, salbutamol trong thịt heo nhiễm từ thức ăn chăn nuôi do các hãng cung cấp cố tình cho vào vì lợi nhuận phi pháp, đã khiến người tiêu dùng bị run cơ, tim mạch, tăng huyết áp, ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh. Năm 2015 theo yêu cầu của Cục Chăn nuôi, một phương pháp mới phát hiện nhanh bằng que thử các chất cấm này đã được áp dụng.  Thoạt tiên dùng que thử để phát hiện chất cấm trong nước tiểu heo, nay đã nghiên cứu được phương pháp sử dụng que thử nêu trên để thử thật đơn giản chất cấm trực tiếp trên dịch nước thịt chiết từ thịt tươi, phương pháp nầy có thể được áp dụng để thử ngay tại chợ hoặc bếp ăn gia đình. Công trình này đã được báo cáo tại  Hội nghị Quốc tế Hóa học này, đồng thời đăng trên Tạp chí  Hóa học Việt  Nam và được Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM  dự kiến triển khai thử nghiệm  trong tương lai gần.

Phóng viên: Hóa học là một ngành khoa học - công nghệ trọng yếu, lại khá “có duyên được lãnh đạo thành phố quan tâm như thế nào, thưa Giáo sư?

Giáo sư Tiến sĩ Chu Phạm Ngọc Sơn: Lãnh đạo thành phố đã có những ủng hộ rất quy mô đối với ngành hóa học TPHCM. Anh đã nghe bài phát biểu của đồng chí Chủ tịch UBND TP tại hội thảo đấy. Có thể nói lãnh đạo thành phố rất nhạy bén, rất sâu sát thúc đẩy khoa học - công nghệ phát triển.

Bên cạnh đó, đào tạo nghiên cứu hóa học vẫn chưa thực sự gắn kết được với sản xuất kinh doanh . Ngay cả trong Luật Khoa học Công nghệ mới cũng mới chỉ khuyến khích, chứ chưa bắt buộc liên kết này. Hiện  Sở Khoa học Công nghệ TPHCM yêu cầu đề tài nghiên cứu từ kinh phí của Sở phải có đơn vị công nghiệp hứa tiếp thu triển khai ngay từ khi đăng ký. Đây là bước đi đúng trong việc gắn kết nghiên cứu với sản xuất kinh doanh.

Chúng ta cần đẩy mạnh hơn mối liên kết giữa khoa học công nghệ và sản xuất kinh doanh. Không có nền công nghiệp nào phát triển tốt mà chỉ dựa toàn nhập quy trình sản xuất của nước ngoài. Không có nền khoa học nào phát triển bền vững mà chỉ dựa trên kinh phí nhà nước. Phải đưa bằng được khu vực sản xuất kinh doanh vào yểm trợ đào tạo nghiên cứu khoa học ngay từ đầu. Muốn thế, phải thể chế hóa  mối liên kết thật sự cần thiết này.

Phóng viên:Xin cám ơn Giáo sư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu vực sản xuất kinh doanh phải yểm trợ cho nghiên cứu khoa học công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO