Không thể “thả cửa” cho hàng trái cây xách tay!

Minh Tuấn| 17/11/2016 10:00

(KHPTO) Gần đây, một số mặt hàng trái cây tươi xách tay từ nước ngoài xâm nhập vào thị trường Việt Nam bán với giá cao hàng chục lần giá trái cây nội địa cùng chủng loại. Có một điều lạ là trái cây tươi vào thị trường Việt Nam dạng này không hề vướng một hàng rào kỹ thuật nào.

Trái cây xách tay lạ, giá “khủng”

Những loại trái cây xách tay nhập nội gần đây thường gồm thanh long, sầu riêng, táo và nho. Điểm khác biệt tạo nên ưu thế ở trái cây này là màu sắc, hình dạng rất bắt mắt. Trái thanh long có vỏ vàng khác biệt so với màu đỏ thường thấy. Nho có trái to vỏ xanh ngọc, trái đều đóng chùm đẹp, giòn, ngọt. Còn trái màu hồng sọc “bọc- đô”, giống với một giống táo Trung Quốc và táo Nhật Bản trồng. Sầu riêng có dạng trái bầu bĩnh, múi đầy đặn, còn cơm vàng hạt lép thì không khác giống Ri 6 ở ta trồng. Tất cả đều được đóng gói, đóng thùng cẩn thận.

Vận chuyển bằng đường máy bay giúp cho trái cây xách tay còn tươi nguyên như vừa hái hôm qua. Người bán nói thanh long của Ecuador, sầu riêng đến từ Malaysia, táo từ Hàn Quốc, nho có tên mẫu đơn đến từ Nhật Bản. Xuất xứ nước ngoài là điểm quan tâm nhất của người mua đối với các sản phẩm này và vì họ thuộc nhóm khá giả, chuộng hàng “ngoại” và tự cho rằng sản phẩm của nước ngoài sản xuất an toàn. Loại trái cây xách tay đều có giá bán rất cao, thấp nhất cũng đã bảy tám trăm ngàn, cao nhất ngót hai triệu một ki lô gram. Điều này cho thấy nhiều người đã mạnh dạn tạo ra một chuỗi tiêu thụ trái cây nhập khẩu mới, lạ, với giá cao và... chấp nhận rủi ro. Tuy nhiên, để loại trừ tình huống xấu, người tiêu dùng quay lưng, người bán luôn yêu cầu khách đặt hàng trước.

Trước hiện tượng giá trái cây “xách tay” cao, chuyên gia Hiệp hội rau quả xuất khẩu Việt Nam (Vinafruit) cho rằng đó là chuyện bình thường ở thời thị trường. Ở đây giá cả không theo nguyên tắc giá thành mà do thỏa thuận giữa người bán và người mua. Một bộ phận nhỏ những người dư tiền “sính ngoại” luôn có thú vui săn đón những món hàng lạ, của hiếm. Nếu so với việc mỗi tuần họ đi siêu thị Hồng Kông, Singapore hay Trung Đông mua trái cây hay thức ăn đóng gói gửi về thì trái cây xách tay thường rẻ hơn. Phân tích yếu tố thời điểm, chuyên gia Vinafruit cho rằng, các loại trái cây nói trên có thế mạnh lần đầu tiên vào Việt Nam nhưng mau chóng suy tàn.

Không thể “thả cửa”!

Khác với trái cây nhập nội truyền thống từ Mỹ, Chi Lê, New Zealand luôn có hồ sơ xuất nhập khẩu, quy cách lô hàng, thùng hàng, nhãn hiệu sản phẩm, trái cây xách tay không hề có chứng từ nhập khẩu, không nhãn hiệu và nếu có, không ngoại trừ được dán “tem” tự in.

Việc nhập trái cây vào một quốc gia không thể tự ý mà làm được do nhà chức trách có chính sách bảo vệ sản xuất trong nước, phải thực hiện các hiệp định song phương hay đa phương (WTO, Liên minh châu Âu...) về kiểm dịch thực vật. Đoàn khảo sát thị hiếu người tiêu dùng của Vinafruit mang một số mẫu trái cây tươi, khi đi qua sân bay Quảng Châu (Trung Quốc) cho dù có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật vẫn bị giữ lại. Nhà chức trách sân bay Quảng Châu nói rằng, theo SPS, giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật chỉ hợp pháp với nông sản hàng hóa xuất nhập khẩu, không có giá trị với khách đi máy bay, nếu có hồ sơ xuất khẩu sẽ được nhận lại số hàng bị giữ.

Theo SPS - Hiệp định về các biện pháp vệ sinh động thực vật của WTO thì việc rau quả không qua kiểm dịch không thể thông quan xuất, nhập khẩu. Vấn đề đặt ra là các biện pháp vệ sinh động thực vật có được thực hiện đối với trái cây tươi xách tay vào Việt Nam như ở các nước? Giá bán thanh long, nho, táo... xách tay cao hơn hàng chục, vài chục lần hàng nội địa sẽ làm xáo trộn giá cả thị trường, có ảnh hưởng đến nhà sản xuất trái cây trong nước?

Đã đến lúc các nhà quản lý nông sản xuất nhập khẩu ở nước ta quan tâm giải quyết triệt để vấn đề này. Không thể “thả cửa” và cho đây là chuyện nhỏ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể “thả cửa” cho hàng trái cây xách tay!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO