Học sinh hứng thú với bộ bản đồ giáo khoa điện tử

Như Quỳnh| 03/12/2016 09:49

Học sinh lớp 11, Trường THPT Cái Tắc, tỉnh Hậu Giang, sau khi được học địa lý với bộ bản đồ giáo khoa điện tử có điểm cao hơn hẳn học sinh học theo phương pháp truyền thống.

Nhóm nghiên cứu Hồ Thị Thu Hồ, Lê Văn Nhương và Hồ Thị Ngọc Huyền, khoa sư phạm, Trường đại học Cần Thơ đã nghiên cứu thực nghiệm (TN) ứng dụng bộ bản đồ giáo khoa (BĐGK) điện tử vào dạy học địa lý 11. Bộ BĐGK điện tử là sản phẩm của đề tài cấp trường T2013-64 do nhóm giảng viên bộ môn sư phạm địa lý, khoa sư phạm, Trường đại học Cần Thơ (ĐHCT) thực hiện. Việc thực nghiệm ứng dụng bộ BĐGK điện tử này được thực hiện qua 2 bài học địa lý 11 theo hướng phát triển năng lực học sinh (HS), có so sánh giữa lớp thực nghiệm (TN) và lớp đối chứng (ĐC). Kết quả đã chứng tỏ HS lớp thực nghiệm nắm vững kiến thức bài học hơn HS lớp thường.

Bản đồ (BĐ) vừa là phương tiện dạy học trực quan và sinh động, đồng thời cũng là nguồn tri thức rất quan trọng trong dạy học địa lý. Bản đồ giúp học sinh (HS) có cách nhìn tổng quát về không gian, qua đó thấy được mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng địa lý trên những lãnh thổ nhất định.

Bộ BĐGK điện tử là một file ảnh bao gồm 26 BĐ và một số tranh ảnh, biểu đồ, sơ đồ, số liệu về các vấn đề của thế giới, các châu lục, khu vực và các quốc gia có giảng dạy trong chương trình địa lý 11.  Không chỉ đảm bảo tính thống nhất về hình thức mà còn đảm bảo tính khoa học về nội dung, cung cấp chi tiết thông tin về các đối tượng trên BĐ, gắn với nội dung cụ thể của từng khu vực và các quốc gia được dạy theo chương trình. Đây là một công cụ thuận tiện cho GV khi thiết kế giáo án điện tử, giảng dạy trên lớp, kiểm tra đánh giá nhằm phát huy tính tích cực của HS, tạo được sự hứng thú, tìm tòi và khám phá cho HS, góp phần nâng cao chất lượng dạy học địa lý ở trường THPT.

Sau mỗi bài dạy TN, giáo viên (GV) cho HS làm bài kiểm tra ở cả lớp TN và lớp ĐC. Dựa vào bảng tổng hợp các tham số ở trên cho thấy: điểm trung bình bài kiểm tra của lớp TN cao hơn lớp đối chứng, lần lượt 8.2/7.5 (cao hơn 0.7 điểm) ở lần thứ nhất và 8.9/8.1 (cao hơn 0.8 điểm) ở lần thứ hai. Số lượng HS có điểm trên 8 của lớp TN cũng nhiều hơn lớp đối chứng. Trong khi lớp đối chứng có một số HS điểm 6 thì lớp TN không có.

Qua kết quả thực nghiệm cho thấy, bộ BĐGK điện tử được thiết kế phù hợp với nội dung bài học, phù hợp với các BĐ trong SGK, đây chính là điều kiện thuận lợi cho HS trong việc đối chiếu, nhận biết và theo dõi khi học ở lớp và ở nhà. Nhờ đó HS khai thác kiến thức, thông tin một cách nhanh chóng và chính xác.

Sử dụng bộ BĐGK điện tử, GV kết hợp được các PPDH theo hướng tích cực như: đàm thoại, dạy học nêu vấn đề, hoạt động nhóm, tranh luận… nhằm phát huy tính tích cực, sáng tạo, chủ động của HS, giúp HS dễ dàng hiểu bài và tạo được hứng thú cho các em trong tiết dạy, nhờ đó mang lại hiệu quả cao cho bài học.

Bộ BĐGK điện tử đảm bảo tính khoa học, tính trực quan vừa sức HS, giúp GV thuận tiện hơn trong việc thiết kế bài giảng và hướng dẫn HS các kỹ năng về BĐ như: đọc BĐ, phân tích, giải thích nội dung kiến thức từ BĐ... bộ BĐGK điện tử có màu sắc khá hài hòa, ký hiệu trên BĐ hợp lý, giúp HS phát triển óc thẩm mỹ, tạo sự hứng thú trong quá trình học tập và lĩnh hội kiến thức. Khi GV sử dụng BĐGK điện tử kích thích sự tập trung chú ý của HS vào đối tượng cụ thể trên BĐ, điều này giúp quá trình tiếp thu kiến thức của HS được dễ dàng và sâu sắc hơn. Từ những điều này đã tạo được sự hứng thú và phát triển được năng lực sử dụng BĐ cho HS.

Khi sử dụng bộ BĐGK điện tử, GV tiết kiệm được kinh phí, vì không phải in ấn các BĐ, các hình ảnh liên quan đến bài dạy. Một GV đã trao đổi: “Sử dụng BĐGK điện tử này GV vừa không tốn chi phí in ấn BĐ vừa không mất quá nhiều thời gian ghi bảng vì các nội dung đã có sẵn trên màn hình, từ đó GV có thể dùng hiệu ứng hoặc liên kết làm nổi bật nội dung cần dạy trên BĐ. Hơn nữa những thiết kế này được lưu trữ qua files  nên rất dễ dàng lưu lại và chỉnh sửa cho các lần dạy sau”. 

Sử dụng bộ BĐGK điện tử GV cũng dễ chốt lại kiến thức bài học và dễ củng cố bài bằng nhiều hình thức như: sơ đồ tư duy, câu hỏi trắc nghiệm khác quan, trò chơi ô chữ… từ đó phát triển được tư duy, óc nhạy bén cho HS, giúp HS ghi nhớ bài hiệu quả hơn. GV có thể kết hợp sử dụng nhiều BĐ cùng một lúc nhờ các hiệu ứng trình chiếu của máy tính, các nội dung bài học được gắn kết với nhau dễ dàng. Đặc biệt, GV có thể sử dụng các BĐ, số liệu, thông tin trong bộ BĐGK điện tử để ra câu hỏi kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút và nhiều dạng đánh giá khác rất tiện lợi. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học sinh hứng thú với bộ bản đồ giáo khoa điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO