Hiểu biết về nước ngọt có ga không cồn của học sinh

Như Nguyệt| 18/03/2017 18:31

KHPTO - Hiểu biết, thái độ và mức tiêu thụ nước ngọt có ga không cồn ở học sinh hai trường trung học phổ thông tại Hà Nội là nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Thanh Hà, Lê Thị Thu Hà, Học viện quân y, Hà Anh Đức, Bộ khoa học và công nghệ.

Nước ngọt có ga không cồn (NNCGKC) là loại nước uống được ưa chuộng phổ biến trên thế giới, đặc biệt đối với trẻ em, thanh thiếu niên nên một lượng rất lớn NNCGKC được tiêu thụ hàng năm.

Nhiều nghiên cứu đã cảnh báo một số tác hại đến sức khỏe người dùng nếu sử dụng hàng ngày hoặc quá mức như: gây béo phì, mỡ máu, tiểu đường, bệnh gout và tăng nguy cơ bị ung thư. Bên cạnh đó, có một số nghiên cứu trên thế giới đề cập đến kiến thức và thái độ của người tiêu dùng về NNCGKC và đều thấy kiến thức và thái độ của đối tượng nghiên cứu về NNCGKC còn hạn chế. Ở Việt Nam, tỷ lệ sử dụng NNCGKC rất cao trong các dịp lễ hội, liên hoan (75.8%). Tần suất tiêu thụ NNCGKC cao nhất 3 - 4 lần/tuần và 1 - 2 lần/tuần chiếm khoảng 28,6%, trong đó nam uống nhiều hơn nữ. Việc xác định lượng tiêu thụ NNCGKC ở Việt Nam chủ yếu dựa vào sản lượng bán trên thị trường. Rất ít nghiên cứu ở Việt Nam đề cập đến hiểu biết và thái độ của người tiêu dùng về NNCGKC, đặc biệt ở đối tượng học sinh, là nhóm có xu thế sử dụng loại nước này nhiều nhất trong quần thể.

Nhóm nghiên cứu chọn 2 trường THPT tại Hà Nội: 1 trường nội thành (Trường Trần Nhân Tông T) và 1 trường ngoại thành (Trường Ứng Hoà A). Mỗi lớp của trường có trung bình khoảng 50 - 55 học sinh. Chọn 6 lớp ở mỗi trường (mỗi khối lớp 10, 11 và 12 chọn 2 lớp bằng phương pháp bốc thăm ngẫu nhiên), sau đó chọn toàn bộ học sinh của 6 lớp đã được chọn. Trên thực tế tổng số học sinh của 2 trường tham gia nghiên cứu là 620 học sinh.

 Nghiên cứu đã được Hội đồng đạo đức của Trường đại học y tế công cộng thông qua và được sự đồng ý của Ban giám hiệu 2 trường cho phép thực hiện. Tất cả học sinh đều đọc và ký giấy chấp thuận nghiên cứu trước khi phỏng vấn. Kết thúc điều tra, học sinh được nhóm nghiên cứu tư vấn về nguy cơ sức khoẻ đối với việc sử dụng NNCGKC.

Tỷ lệ học sinh nam và nữ tham gia nghiên cứu lần lượt 43,5% và 56,5%, tỷ lệ học sinh tham gia nghiên cứu phân bố tương đối đều ở 3 khối lớp 10, 11 và 12. Đa số (77,6%) học sinh tự đánh giá kinh tế gia đình ở mức trung bình, trong đó tỷ lệ đánh giá kinh tế ở mức trung bình ở học sinh nội thành cao hơn so với học sinh ngoại thành (81,7% so với 73,6%).

Kết quả nghiên cứu cho thấy, hiểu biết của học sinh 2 trường về thành phần và nguy cơ đối với sức khỏe của nước ngọt có ga đều rất thấp. Kết quả này khá tương đồng với nghiên cứu năm 2013 trên 110 đối tượng sinh viên đang học Trường y tại Ấn Độ: 100% đối tượng tham gia nghiên cứu đã từng nghe nói tới nước ngọt có ga, nhưng chỉ có 5,5% số người được hỏi biết được tất cả các nội dung có trên chai nước ngọt. 73% người tham gia biết được tác hại của uống nước ngọt có ga. Kết quả này cũng tương đồng với nghiên cứu kiến thức của học sinh và vị thành niên về tác động của nước ngọt có ga đối với sức khỏe răng miệng cũng hạn chế. Mặc dù, đồ uống có ga được quảng cáo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng quảng cáo và thông tin dường như chỉ “kích thích” người tiêu dùng sử dụng và đưa ra các hình thức khuyến mại hấp dẫn chứ chưa nêu đươc nguy cơ khi sử dụng nước ngọt có ga. Đôi khi, việc quảng cáo trở nên quá mức, khi các công ty sử dụng uy tín của thể thao và các nhân vật phim để thu hút giới trẻ . Quảng cáo để lại một ấn tượng lâu dài trong tâm trí của thế hệ trẻ và ảnh hưởng đến thói quen sử dụng nước ngọt có ga. Vì vậy, mặc dù trong thời đại bùng nổ về thông tin như hiện nay, vẫn rất cần truyền thông cho các em về các tác hại khi sử dụng nước ngọt có ga và cần nâng cao vai trò của cha mẹ và nhà trường trong việc cung cấp kiến thức về vấn đề này.

Khoảng 1/3 học sinh không đồng tình từ bỏ

Chính vì kiến thức của học sinh còn rất thấp và không có nhiều thông tin về các tác hại khi sử dụng NNCGKC nên khi phân tích thái độ về việc tiêu thụ NNCGKC, kết quả cho thấy, khoảng một nửa học sinh của cả 2 trường nội và ngoại thành vẫn đồng tình trong việc tiêu thụ nước ngọt có ga (trên 60%), ngoài ra vẫn còn khoảng 1/3 học sinh không đồng tình từ bỏ uống NNCGKC kể cả khi biết nguy cơ đối với sức khỏe. Kết quả này cũng khá tương đồng với nghiên cứu về kiến thức, thái độ và thực hành về tiêu thụ NNCGKC trên 110 sinh viên năm thứ hai Trường y tại Ấn Độ, theo đó, tỷ lệ học sinh cố gắng dừng hoặc từ bỏ uống nước ngọt có ga là 69,2%, tức là còn khoảng 30% không muốn dừng hoặc bỏ loại nước uống này.

Kết quả nghiên cứu cho thấy NNCGKC hấp dẫn và có mức độ sử dụng rất phổ biến trong nhóm nghiên cứu. Mức độ thường xuyên uống NNCGKC cao nhất 1 - 2 lần/tuần, tương đồng với kết quả báo cáo ở Việt Nam, mức độ thường xuyên uống nước ngọt có ga cao nhất 3 - 4 lần/tuần và 1 - 2 lần/tuần cùng chiếm tỷ lệ 28,6%. Tuy nhiên, tần suất sử dụng NNCGKC trong nghiên cứu này thấp hơn rất nhiều so với các nghiên cứu tại Ấn Độ, Mỹ.

Hiện có nhiều số liệu khác nhau về lượng tiêu thụ trung bình nước ngọt có ga ở người Việt Nam. Một nghiên cứu ước lượng dựa trên tổng số lượng nước ngọt có ga bán trên thị trường Việt Nam năm 2013 là 927 triệu lít, tương đương 10 lít/người/năm.Theo một báo cáo khác, tổng lượng tiêu thụ nước ngọt có ga liên tục tăng và năm 2013 tổng sản lượng nước giải khát có ga tiêu thụ trên toàn quốc là 2.083 triệu lít, tương đương với mỗi người tiêu thụ khoảng 23 lít/năm. Lượng tiêu thụ nước ngọt trong nhóm học sinh nghiên cứu 25 lít/người/năm, cao hơn kết quả của 2 báo cáo nói trên. Điều này có thể lý giải, 2 báo cáo nói trên tính lượng tiêu thụ trên sản lượng bán cho tất cả người dân Việt Nam, bao gồm cả trẻ nhỏ, người già và những người sống ở vùng sâu, vùng xa, nên lượng tiêu thụ bình quân đầu người sẽ thấp đi do ước lượng cho cả đối tượng ít sử dụng và vùng khó khăn. Còn nghiên cứu này tiến hành trên địa bàn Hà Nội, là nơi phát triển kinh tế văn hóa xã hội hàng đầu cả nước, đối tượng nghiên cứu có điều kiện để tiếp cận và sử dụng nước ngọt có ga nhiều hơn, đồng thời đối tượng nghiên cứu là nhóm được cho là có mức tiêu thụ nước ngọt cao nhất trong quần thể dân cư.

Nhưng khi so sánh kết quả nghiên cứu này về lượng tiêu thụ với một số nước trên thế giới thì lượng tiêu thụ ở người Việt Nam và của nhóm nghiên cứu thấp hơn nhiều, ví dụ tại Mỹ mỗi người tiêu thụ trung bình khoảng 43 - 46 lít/người/năm, Nhật là 23,1 lít/người/năm.

Nghiên cứu đi đến kết luận, kiến thức và thái độ về NNCGKC của học sinh hai trường tham gia nghiên cứu còn hạn chế, trong đó kiến thức của học sinh 2 trường tương đương nhau, nhưng thái độ không đồng tình với việc sử dụng NNCGKC của học sinh trường ngoại thành cao hơn so với nội thành và nữ không đồng tình cao hơn so với nam. Hầu hết học sinh đã sử dụng NNCGKC trong vòng 1 tháng trước cuộc điều tra, nhưng tỷ lệ học sinh tiêu thụ hàng ngày không cao, lượng tiêu thụ ở học sinh trường nông thôn nhiều hơn thành phố và nam tiêu thụ nhiều hơn nữ.

Chính vì vậy, cần truyền thông và nâng cao nhận thức của học sinh để làm giảm nguy cơ đối với sức khỏe khi sử dụng NNCGKC. Cần tiếp tục có các nghiên cứu ở quy mô lớn hơn và sâu hơn về lượng tiêu thụ nước ngọt có ga và nguy cơ đối với sức khỏe khi tiêu thụ nước ngọt có ga ở người Việt Nam.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiểu biết về nước ngọt có ga không cồn của học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO