Giải pháp ngăn ngừa sạt lở ven sông Sài Gòn

Như Hoa| 18/03/2017 15:45

KHPTO- Nhóm nghiên Hồ Đắc Bảo, Nguyễn Kiệt, Đặng Hoàng Anh, Mai Thị Yến Linh, Nguyễn Danh Thảo, Trường đại học bách khoa TP.HCM đã nhiên cứu hiện trạng sạt lở ven sông Sài Gòn và đưa ra một số giải pháp ngăn ngừa.

Đánh giá nguyên nhân sạt lở

Theo kết quả khảo sát nghiên cứu, sông Sài Gòn trong khu vực TP.HCM không còn giữ được trạng thái tự nhiên trong việc điều tiết dòng chảy. Điển hình vào khuya ngày 13/07/2007, trên kênh Thanh Đa - bờ hữu thuộc P.26, Q. Bình Thạnh bị sạt lở nghiêm trọng. Vụ sạt lở gây chấn động mạnh tạo vết nứt hở từ 5 - 10 cm, kéo dài 30 m và chỉ còn cách đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (XVNT) có 1 - 2m. Nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao ở ven sông Sài Gòn đặc biệt là khu vực bán đảo Thanh Đa – Bình Thạnh.

Cấu tạo địa chất ảnh hưởng rất lớn đến hiện tượng trượt lở bờ, cụ thể là đất đá có độ bền thấp biểu hiện mối nguy hiểm lớn nhất. Nhìn chung địa chất ở khu vực Thanh Đa là đất yếu, sức chịu tải thấp.

Với các đặc điểm về thủy triều khu vực này thì rất dễ gây ra tình trạng sạt lở và gây mất ổn định ở các bờ dốc. Mặt khác địa hình thay đổi độ sâu từ khu vực cầu Bình Triệu, cầu Sài Gòn đến khu vực Thanh Đa khoảng từ 25m đến 8m. Độ sâu thay đổi lớn và xảy ra tình trạng bán nhật triều làm dòng chảy bị cản trở nên làm tăng lưu lượng và vận tốc chảy kéo theo tình trạng xâm thực ngang diễn ra nhanh mạnh hơn.

Nguyên nhân gây sạt lở ven sông Sài Gòn tổ hợp bởi rất nhiều yếu tố nhưng chủ yếu phân loại theo yếu tố tự nhiên và yếu tố con người. Một số nguyên nhân chính là ảnh hưởng trực tiếp của chế độ thủy văn bán nhật triền biển Đông và sự điều tiết lưu lượng của hồ Dầu Tiếng. Địa hình cấu tạo tự nhiên của lòng sông. Dòng chảy với ảnh hưởng do các hiện tượng thuỷ lực cục bộ. Địa chất bờ sông khu vực Thanh Đa nói chung rất yếu. Nguyên nhân sạt lở do con người: do nhà cửa, công trình kiến trúc và cơ sở hạ tầng lấn chiếm quá nhiều trong khi kỹ thuật xây dựng nhà, công trình trên nền đất yếu chưa được đảm bảo. 

Ngoài ra, hoạt động kinh tế diễn ra dọc hai bên bờ kênh và bờ sông, việc neo đậu tàu thuyền không đúng quy định, sự va đập tàu thuyền, gây ra sóng lớn vỗ bờ khiến đất bờ sông bị lôi kéo ra, bào xói và cuối cùng khối đất bị sụp đổ, tan rã. 

Tốc độ sạt lở bờ sông phụ thuộc vào các yếu tố: hàm lượng bùn cát, địa chất cấu tạo lòng sông, độ sâu dòng chảy, lưu lượng chảy, chiều rộng mặt thoáng, biến động bờ…

Ngoài ra, bờ còn có thể bị lở do các yếu tố mất cân bằng cơ học địa chất do các hoạt động kiến tạo, nước ngầm, sóng gió sóng tàu…

Một số giải pháp phòng ngừa

Trên cơ sở phân tích hiện trạng và nguyên nhân gây trượt kết hợp với việc kiểm toán độ ổn định của các bờ dốc, nhóm nghiên cứu đề nghị một số biện pháp phòng chống trượt lở: sơ tán, giải tỏa, đền bù và tái định cư cho các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ trượt lở khẩn cấp. Tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân trong toàn khu vực hiểu biết và đề phòng trượt lở, không chặt cây cối ven bờ sông. Quản lý nghiêm ngặt các doanh nghiệp khai thác cát và của các hộ dân diễn ra trên hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai sao cho việc khai thác cát diễn ra đúng nơi, đúng chỗ và không vượt quá chiều sâu cho phép khai thác. 

Trước mắt, cần thiết phải xây dựng các công trình bảo vệ bờ tại các đoạn sông cong ở khu vực cầu Bình Phước, bán đảo Thanh Đa… Trong điều kiện cho phép có thể xây dựng kè chỉnh trang đô thị, khu dân cư ở các khu vực còn lại. Ổn định hoặc điều chỉnh tỷ lệ phân lưu dòng chảy qua kênh Thanh Đa. Cần phải tạo ra một hành lang thông thoáng, nghiêm cấm xây dựng trái phép trong phạm vi hành lang an toàn, kết hợp với việc trồng cây xanh để tạo cảnh quan ven sông.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy muốn bảo vệ bờ sông một cách hiệu quả, cần phải tiến hành một tổ hợp nhiều biện pháp chống trượt. Do vậy, để khắc phục và phòng chống các hậu quả do trượt lở gây ra trên đoạn sông nghiên cứu, về lâu dài vẫn là một giải pháp đồng bộ, manh tính quốc gia, cần phải luận chứng mức độ hợp lý về kỹ thuật và kinh tế của nó trên cơ sở so sánh nhiều phương án để tìm ra giải pháp tối ưu nhất.

Biện pháp công trình: Giải pháp thảm bê tông. Thảm có kết cấu gồm các viên bê tông cốt thép đúc sẵn (có diện tích mặt trên 0,125 m2, nặng 24 – 35 kg/viên) ghép sát nhau bằng tự chèn 3 chiều đan cài trên lưới thép, dài khoảng 100m. Thảm sẽ được thả xuống bờ sông, kè để giữ ổn định bảo vệ bờ tránh sạt lở. Thảm khi đưa xuống vị trí bờ cần bảo vệ sẽ tự động nén và bám chặt vào nền, chống trượt nhờ vào hệ thống chân đanh dưới mặt thảm bê tông.

Giải pháp cừ bê tông dự ứng lực. Cừ bê tông dự ứng lực dùng để bảo vệ bờ trên những đoạn sông lớn trong các khu đô thị vùng đồng bằng là rất cần thiết, vì ngoài khả năng chịu lực, độ bền tốt thì loại này còn có ưu điểm lớn đó là tạo cảnh quan đẹp, tiết kiệm đất, mức độ đền bù cho việc giải phóng mặt bằng ít, thi công thuận tiện.

Nghiên cứu cho thấy nguyên nhân cơ bản gây sạt lở ven sông Sài Gòn là mực nước sông và tải đỉnh bờ: mực nước sông càng giảm thì ổn định của bờ sông càng nhỏ (cung trượt càng dễ xuất hiện). Có thể nói mực nước như một nêm vật chất phản áp với khối trượt bờ sông. Sự bền vững của bờ sông phụ thuộc vào mối liên quan của hai khối: khối mực nước và khối trượt. Tải trọng chất càng lớn và vượt quá tải trọng cho phép của đỉnh bờ sẽ gây nên sạt lở (thường xảy ra khi nước triều xuống thấp). 

Bên cạnh đó, các tác giả cũng đã đưa ra một số giải pháp để hạn chế cũng như phòng chống hiện tượng sạt lở ven sông Sài Gòn: dự báo diễn biến và khả năng xói lở lòng dẫn sông – Sài Gòn dưới tác động của hệ thống công trình chống ngập úng. Đề xuất được quy hoạch chỉnh trị tổng thể cho toàn tuyến sông Đồng Nai – Sài Gòn và các giải pháp ổn định lòng dẫn bảo vệ các đoạn sông trọng điểm. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp ngăn ngừa sạt lở ven sông Sài Gòn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO