Giải pháp nào để xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Việt?

Phương Duy| 05/01/2017 17:50

Xây dựng thương hiệu cho gạo Việt được đặt ra từ lâu, đến nay vẫn chưa có lời giải. Liệu ngành lúa gạo Việt Nam có tụt hậu so với Thái Lan, khi nào Việt nam mới có thương hiệu gạo trên thi trường quốc tế?

Vì sao chưa thể sánh được Thái Lan?

 Một chuyên gia lâu năm trong ngành lúa gạo cho rằng, xây dựng thương hiệu gạo Việt phải có thời gian, phải dựa trên chất lượng gạo ngon, đặc trưng…Nói đến thương hiệu gạo ngon của thế giới, ai cũng biết đến Basmati của Ấn Độ và Pakistan, Hommali của Thái lan, Japonica của Nhật Bản…Hiện tại, gạo Việt Nam về chất lượng không thua kém gạo Thái Lan, năng suất cao hơn của Thái, tuy nhiên, trong khi Thái có gần 10 triệu ha trồng lúa Hommali, mỗi năm trồng một vụ thì diện tích trồng lúa xuất khẩu của ĐBSCL chỉ có hơn 1,5 triệu ha, với sản lượng quy gạo cấp thấp là 12 triệu tấn, hằng năm xuất khẩu 7 triệu tấn chiếm 58%, số còn lại tiêu dùng trong khu vực 5 triệu tấn bằng 41,66 %.

Vì vậy, nếu Việt Nam chuyển sang trồng hết lúa Hommali, cho dù ưu thế ĐBSCL có thể chuyển diện tích nói trên sản xuất thêm vụ hè thu thì sản lượng cả năm cũng chỉ đạt 6,9 triệu tấn quy gạo, như vậy chỉ còn có thể xuất khẩu 1,9 triệu tấn, với giá xuất khẩu như Thái Lan hiện nay thì cũng chỉ được 1,52 tỷ USD.  Vấn đề là  liệu gạo ngon  của Việt Nam với số lượng rất nhỏ có thể cạnh tranh được với loại gạo cao cấp của Thái Lan?  Vì vậy chúng ta không thể so sánh với cách làm của Thái hiện nay, tất nhiên về lâu dài phải chọn hướng đi riêng.

Nông dân ĐBSCL xem trình diễn giống láu mới. Ảnh: T. Tâm

Sản xuất lúa vì an ninh lương thực hay xuất khẩu?

GS. Bùi Chí Bửu, nguyên viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho rằng, chúng ta phải xác định và giải đáp thỏa đáng sản xuất lúa vì mục tiêu an ninh lương thực hay xuất khẩu? Việt Nam có lợi thế so sánh về sản xuất lúa cao sản, ngầm hiểu rằng “an ninh lương thực” xét về lâu dài cho 90 triệu dân, cần tạo nên một động lực cho nông dân trồng lúa trên cơ sở giá cả thị trường và thu nhập của người nông dân. Do vậy, xuất khẩu và gia tăng sản lượng lúa có tác động qua lại, không được xem thường yếu tố nào.

Việt Nam phải có chiến lược xuất khẩu gạo hợp lý, “không phải từ hạt gạo mà từ hạt lúa”. Cách làm hiện nay là xuất khẩu “dựa trên hạt gạo”, lệ thuộc quá nhiều sự thu gom hàng hóa từ thương lái. Việt Nam cần định hình lại ngành sản xuất lúa, gạo mình. Không nên nhấn mạnh đến yếu tố tài nguyên, lao động nhiều, giá nhân công rẻ (xem đó như một lợi thế so sánh) mà phải nâng cao không ngừng yếu tố tri thức trong quản lý và sản xuất, suy nghĩ nhiều đến giá trị gia tăng. Người ta đang quan tâm nhiều đến “Glycemic Index” để chế biến sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

GS. Bùi Chí Bửu lưu ý, phải thúc đẩy đầu tư của tư nhân trong nông nghiệp mạnh mẽ hơn, khuyến khích nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, để tiếp cận công nghiệp hóa, xa hơn, là hợp tác hóa theo luật HTX 2012 để tích tụ ruộng đất. Dân số tăng, với sản lượng lương thực phải tăng gấp đôi vào 2050 so với 2000, trong khi diện tích nông nghiệp giảm. Phẩm chất dinh dưỡng là chiến lược cần phải tiếp cận. Với khẩu phần ít, nhưng năng lượng cao, dinh dưỡng tốt sẽ là lời giải của tương lai.

Nghiên cứu lúa giống tại Viện lúa ĐBSCL. Ảnh: T. Tâm

Làm gì cải tiến phẩm chất và xây dựng thương hiệu gạo Việt?

Ông Trương Thanh Phong, nguyên chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam trăn trở, biết rằng phải nâng cao phẩm chất gạo Việt Nam nhưng bằng cách nào khi chúng ta chưa có bộ giống ngon được bình chọn phù hợp nhu cầu thế giới. Một số giống lúa thơm ngắn ngày thì chưa đạt, ngay cả bộ giống ST được đánh giá tốt nhưng sau mấy vụ gieo trồng thì thoái hóa. Vấn đề  là phải nghiên cứu ra bộ giống lúa thịch hợp trước rồi mới làm thương hiệu sau.

GS. Bùi Chí Bửu cho rằng, chìa khóa của cải tiến phẩm chất lúa gạo  hiện nay là “nghiên cứu khoa học”. Muốn có thương hiệu gạo Việt Nam, chúng ta không thể tranh luận với nhau, tốn nhiều thời gian, mà không dựa trên một cơ sở khoa học nào. Đầu tư cho khoa học nông nghiệp còn rất thấp so với Thái Lan, Ấn Độ thì làm sao  ta có thể cạnh tranh với họ.

Dựa trên thế mạnh năng suất lúa cao và giá thành canh tranh, Việt Nam nên đầu tư tạo ra giống riệng biệt, nâng cấp chất lượng gạo theo xu hướng gạo an toàn thực phẩm, vì nhu cầu gạo của phân khúc cho người khá giả và trung bình còn rất lớn. Để làm cho thương hiệu gạo Việt Nam được nhiều người tiêu dùng thế giới chấp nhận, nhà nước nên có chính sách hỗ trợ quảng bá gạo Việt Nam trên thế giới bằng ngân sách nhà nước, thay vì trợ giá thông qua tạm trữ như hiện nay. Để có thương hiệu trên thị trường thế giới, trước tiên phải có thương hiệu trong nước, để làm được điều này Chính phủ nên thực hiện bình đẳng chính sách thuế VAT trên mặt hàng gạo giữa doanh nghiệp với tư nhân bán lẻ, có như thế doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư để làm thương hiệu gạo “Việt”.

Ông Huỳnh Thế Năng, chủ tịch VFA, tổng giám đốc Công ty lương thực Miền Nam cho rằng, phải tiến hành xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt là chiến lược. Trước tiên rà soát lại quy hoạch phát triển sản xuất lúa theo liên kết vùng tạo ra chất lượng sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước và xuất khẩu.  Tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa, gạo, trước thực trạng “Cánh đồng lớn, nhưng nông hộ nhỏ”, số hộ có diện tích dưới  0,5 ha cả nước chiếm 85% (trong đó, vùng ĐBSCL chiếm gần 40%). Do sản xuất nhỏ, việc ứng dụng quy trình kỹ thuật sản xuất còn nhiều hạn. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, lai tạo giống, trong đó, nhà nước giữ vai trò chủ đạo theo hướng tập trung sản xuất một vài giống lúa chất lượng cao, gạo thơm mền dẻo, có mùi vị đặc trưng, có tính khác biệt so sản phẩm cùng loại và một số giống lúa chất lượng cao phù hợp với biến đổi khí hậu , xâm nhập mặn nhằm nâng cao chất lượng lúa gạo, tăng khả năng cạnh tranh.         

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp nào để xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Việt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO