Gắn kết với nông dân để xây dựng thương hiệu gạo Việt

Thanh Tâm| 24/11/2016 19:27

(KHPTO) Công ty cổ phần tập đoàn Lộc Trời (LTG) xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu gạo, bắt đầu từ những liên kết với nông dân; bắt tay thực hiện quy trình sản xuất lúa gạo bên vững của Diễn đàn lúa gạo quốc tế SRP, trong đó giải pháp chính là thực hiện 46 tiêu chuẩn theo qui trình cùa SRP

Thực trạng sản xuất rời rạc

Trong lúc chờ đợi sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng khác thì cây lúa vẫn bám đất, nông dân miền Tây vẫn bám đồng. Qua phân tích cho thấy, lúa vẫn là cây trồng chủ lực và ngành hàng lúa gạo vẫn có lợi thế cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế. Thế nhưng, rào cản lớn nhất chưa thể khắc phục được là nông dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, lại thiếu liên kết, rất khó để có thể xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

Chính sự liên kết rời rạc từ các nhà máy xay xát (vừa và lớn) với các nhà bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nên hậu cần phục vụ hiện nay cũng không được đầu tư đúng mức.  thực tế là chỉ có môi giới và thương lái liên kết với nông dân trên sự yếu kém của cơ sở hạ tầng nên khó nâng cao chất lượng lúa gạo theo yêu cầu thị trường. Nút thắt ở đây là sự thiếu liên kết làm cho chuỗi giá trị lúa gạo trở nên đứt đoạn, làm yếu đi sự cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam trên trường Quốc tế, Gạo Việt luôn được xem là gạo cấp thấp, gạo cứu đói với giá bán rất rẻ.

Bắt đầu từ những liên kết

Thực hiện chủ trương xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam, Công ty cổ phần tập đoàn Lộc Trời (LTG) đã xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu gạo, bắt đầu từ những liên kết với nông dân; bắt tay thực hiện quy trình sản xuất lúa gạo bên vững của Diễn đàn lúa gạo quốc tế SRP, trong đó giải pháp chính là thực hiện 46  tiêu chuẩn theo qui trình cùa SRP và các giải pháp nâng cao chất lượng lúa gạo Việt Nam. Nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân nhất thiết phải liên kết lại, để tạo ra sản phẩm có thương hiệu. Để làm được điều này, doanh nghiệp phải đi tiên phong liên kết thị trường với nông dân, để sản xuất theo qui mô hàng hóa lớn, hiện đại, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng.

Trước tiên, phải tạo ra vùng nguyên liệu có chất lượng cao, vận động nông dân ký kết tham gia vào các “Tổ liên kết” tại vùng nguyên liệu của LTG. Tập huấn cho nông dân nắm vững các qui trình sản xuất và ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, từ khâu làm đất, bơm tưới, chăm sóc, thu hoạch. Nông dân được chuyển giao khoa học kỹ thuật, LTG cử 740 lực lượng “3 cùng” (là các kỹ sư nông nghiệp cùng ăn, cùng ở, cùng làm) cùng 129 nhân viên cung ứng vật tư, để kiểm soát tuyệt đối chất lượng lúa gạo, mỗi cán bộ “3 cùng” đảm nhận diện tích nhất định 50 - 60 ha, trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật canh tác, thiết lập sổ tay nhật ký đồng ruộng.

LUA_CAU_TRE

Đầu tư giống, vật tư và nhà máy chế biến

Để hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường lúa gạo thế giới, tìm chổ đứng cho gạo Việt Nam, gạo Việt Nam phải đạt 3 điều kiện: người tiêu dùng chấp nhận, nông dân sản xuất dễ dàng, khâu chế biến đạt hiệu quả. Với thực trạng hiện nay, muốn đi lên sản xuất lớn, LTG đã chọn mô hình liên kết nông dân sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, thực chất nó là giai đoạn đầu của mô hình hợp tác xã. Một khi đã tổ chức nông dân theo mô hình sản xuất lớn thì phải có cơ sở vật chất bảo đảm, phải tạo ra được giống chất lượng cao, hệ thống phục vụ sau thu hoạch phải đồng bộ, phù hợp với yêu cầu của từng thị trường, với thực trạng tại ĐBSCL làm cách nào liên kết nông dân với doanh nghiệp ngày càng bền vững là hết sức quan trọng.

Thiết lập hệ thống theo dõi cập nhật thông tin đồng ruộng hằng ngày gửi về trung tâm theo dõi quản lý dịch bệnh, bảo đảm loại trừ dư lượng hóa chất độc hại theo tiêu chuẩn của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Hỗ trợ nông dân các loại vật tư nông nghiệp, giống chất lượng cao, an toàn cho môi trường. Nông dân được cấp vốn thông qua ứng trước vật tư nông nghiệp gồm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống, giá trị cho hằng năm qui tiền tổng số là 610 tỷ đồng/năm, với 12,000,000 đ/ha/vụ. Quản lý chất lượng được quản lý từ chất lượng hạt giống, quy trình sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, đúng theo hợp đồng.

Giống là khâu then chốt đột phá để xây dựng thương hiệu chính từ sự khác biệt của sản phẩm làm nên sự chú ý của khách hàng. LTG đã xây dựng 7 trang trại với 800 ha và 5 nhà máy sản xuất giống với công suất 45.000 tấn lúa giống/năm, đủ cung cấp 300.000ha gieo trồng/ năm, cho nhu cầu của công ty và bên ngoài.

Kế đến là khâu chế biến, khâu quyết định, LTG đã thay đổi phương thức thu mua chế biến, thay vì thu mua gạo như các công ty khác thì LTG đầu tư vùng nguyên liệu riêng cho mình và xây dựng 5 cụm thu mua chế biến để làm cơ sở cho nông dân nhỏ liên kết lại thành “Cánh đồng mẫu lớn”, sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín, mà không làm thay đổi sở hữu ruộng đất. Quy mô của 5 cụm thu mua chế biến lúa gạo: mỗi cụm có công suất thiết kế 100,000 - 200,000 tấn/năm, công suất sấy đạt 1.000 – 2000 tấn/ngày.

Chuoi_sx_gao_LTG

Đầu tư nghiên cứu khoa học

Tổng giá trị đầu tư xây dựng các trại và nhà máy giống của LTG là 85 tỷ đồng, đầu tư mua bản quyền giống mỗi năm 3,5 tỷ đồng, từ đó đã tạo ra được nhiều giống mới có chất lượng cao được thị trường chấp nhận. Xây dựng trung tâm nghiên cứu giống với sự cộng tác của các nhà khoa học hàng đâu. Đến nay, LTG làm chủ các công nghệ như: lai xa, lai giữa các loài phụ kết hợp nuôi cấy bao phấn, cứu phôi, nuôi cấy hạt gạo tạo biến dị soma, chọn lọc với trợ giúp của chỉ thị phân tử,… trong chọn tạo các giống lúa năng suất cao, thơm và chất lượng tốt. Các giống lúa được tạo ra từ các chương trình lai tạo trong nước của DT-ARC là BN1, AGPPS 103, AGPPS 135, AGPPS 137, AGPPS 140, Japonica,…

Đầu tư cho nghiên cứu lai tạo giống, nâng cao chất lượng gạo, trong xay xát, bảo quản, đào tạo cán bộ. Hiện LTG tự chế tạo hệ thống sấy hiện đại mỗi dây chuyền có công suất 1.000 tấn/ngày, sản xuất phân bón hữu cơ…Ngoài ra, để tạo thêm giá trị gia tăng, LTG tự chế tạo thành công dây chuyền chưng cất rượu từ cám gạo và hệ thống làm gia tăng dinh dưỡng trong gạo, đặc biệt là gạo mầm ViBiGaba.

Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm gạo "Hạt Ngọc Trời"

LTG đã xây dựng website, xây dựng được bộ nhận dạng sản phẩm, công bố chất lượng sản phẩm; kết hợp với Viện dinh dưỡng TP.HCM thử nghiệm lâm sàng trên người, thuê chuyên gia tư vấn tiêu dùng sản phẩm. Mô hình của LTG được nhiều đoàn cán bộ của nhiều nước trong khu vực và thế giới đến nghiên cứu đánh giá cao và đơn đặt hàng ngày càng tăng.

Ông Huỳnh Văn Thòn, chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty CP tập đoàn Lộc Trời cho biết, phát triển và xây dựng thương hiệu gạo là bước đi khó khăn, tuy nhiên với nhiều năm gắn bó với nông dân, LTG sẽ từng bước xây dựng các liên kết với nông dân hướng đến xây dựng chuỗi lúa gạo. Tuy mới bắt đầu tham gia xuất khẩu từ năm 2013 nhưng nhờ gạo có chất lượng cao, năm 2013 LTG đã lọt vào hạng 10/200 công ty xuất khẩu gạo trong nước, giá mua lúa của nông dân và giá bán gạo xuất khẩu luôn cao hơn nhiều so với doanh nghiệp khác. LTG luôn tạo điều kiện để nông dân gắn bó lâu dài, cùng sang sẻ, cùng chia sẻ lợi nhuận trong chuỗi liên kết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gắn kết với nông dân để xây dựng thương hiệu gạo Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO