Đưa KH&CN trở thành yếu tố trọng yếu của nền kinh tế

N.Quỳnh| 06/01/2017 19:43

KHPTO - Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, trong năm 2016, ngành KH&CN đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để đưa KH&CN trở thành yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bộ cũng tập trung cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC), triển khai chính phủ điện tử, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. KH&CN cũng đã kịp thời tham gia ứng phó với các sự cố phát sinh như tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra trong thời gian dài tại Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hiện tượng hải sản chết bất thường xảy ra tại 4 tỉnh miền Trung.
Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, mặc dù điều kiện còn khó khăn, nhưng với nỗ lực vượt bậc của ngành KH&CN, thời gian qua, KH&CN Việt Nam đã có những bước tiến lớn, tham gia tích cực vào giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội, bám sát, phục vụ trực tiếp cho các ngành, các lĩnh vực trọng điểm của đất nước, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, ngành sản xuất.
 Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, KH&CN là động lực giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong tăng trưởng. Tỷ lệ áp dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp có mức gia tăng 1-2% so với năm 2015. Các tiến bộ KH&CN đã đóng góp khoảng 30%-40% vào tăng trưởng nông nghiệp. Kết quả KH&CN được ứng dụng trong nông nghiệp giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản với 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. 
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng, đã thiết kế, chế tạo thành công nhiều loại sản phẩm, thiết bị cơ khí đáp ứng yêu cầu kinh tế - xã hội thay thế nhập khẩu với giá thành cạnh tranh. Qua hoạt động KH&CN, các viện nghiên cứu, tập đoàn, doanh nghiệp cơ khí chế tạo đã khẳng định được thương hiệu, vị thế ở thị trường trong nước và thế giới, có đủ năng lực làm tổng thầu các công trình lớn hàng tỷ USD, một số sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đương với sản phẩm nhập khẩu, đủ điều kiện xuất khẩu cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài, điển hình như giàn khoan tự nâng 120m (Tam Đảo 05) - giàn khoan tự nâng dầu khí lớn nhất Việt Nam hạ thủy, bàn giao cho chủ đầu tư Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro ngày 12/08/2016; các loại động cơ điện công suất đến 5 MW, tuabin công suất đến 6MW, các loại biến áp đến 500kV, chất lượng tương đương sản phẩm cùng loại của Châu Âu.
Đổi mới công nghệ (ĐMCN) đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm tạo ra sản phẩm mới thay thế nhập khẩu trong các ngành kinh tế mũi nhọn. Việc đầu tư ĐMCN trong ngành khai thác than, khoáng sản đã góp phần tăng sản lượng than khai thác bình quân 14%/năm, tỷ lệ cơ giới hóa trong khai thác hầm lò tăng vượt bậc từ 10% đến 80% trong những năm qua. Lĩnh vực dầu khí, đã nắm vững nhiều công nghệ hiện đại, áp dụng để nâng cao hệ số thu hồi dầu ở các mỏ trong khai thác thứ cấp, tam cấp như: Bạch Hổ, Rạng Đông, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng... 
Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, về khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự, đã nghiên cứu, thiết kế chế tạo các cụm khối, hệ thống kiểm tra phục vụ cho công tác bảo đảm kỹ thuật; nghiên cứu thiết kế, chế tạo mới, cải tiến, hiện đại hoá, bảo đảm kỹ thuật cho các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật theo hướng công nghệ cao, tăng tầm bắn, tăng uy lực, khả năng cơ động, tăng độ chính xác, tích hợp khả năng dẫn đường; xây dựng các hệ thống giám sát có chủ đích trên không gian mạng;... 
Với lĩnh vực y tế, các công trình nghiên cứu đã góp phần dự phòng, đẩy lùi nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Nhiều kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh đã được nghiên cứu ứng dụng thành công, nhiều loại bệnh đã được chẩn đoán, điều trị với tỷ lệ thành công cao, giá thành rẻ, tiết kiệm cho xã hội hàng trăm tỷ đồng, tiết kiệm ngoại tệ hàng tỷ đô la/năm do không phải ra nước ngoài điều trị. Vai trò, vị thế nền y tế Việt Nam ở một số lĩnh vực đã được nâng cao ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới như: Ghép tạng, công nghệ tế bào gốc, y học hạt nhân, nội soi can thiệp,... Sau khi nghiên cứu thành công ghép các tạng đơn lẻ như ghép thận, gan, tim, các nhà khoa học Việt Nam đã chủ động thực hiện được ghép đồng thời 2 tạng (thận và tụy). 
Tại các địa phương, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã bám sát hơn, phục vụ trực tiếp cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch theo hướng nâng cao tính ứng dụng, hiệu quả. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn nhưng nhiều địa phương đã quan tâm hơn đến đầu tư cho KH&CN. Một đặc điểm nổi bật trong hoạt động KH&CN ở các địa phương năm 2016 và những năm gần đây là đã ngày càng chú trọng ngày vào việc ứng dụng tiến bộ KH&CN, xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực, trọng điểm, sản phẩm đặc sản của địa phương; thúc đẩy hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa KH&CN trở thành yếu tố trọng yếu của nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO