Dây chuyền chiếu xạ đầu tiên tại Miền Trung

N.Hoa| 18/01/2019 10:47

KHPTO - Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết, sau hai năm thực hiện dự án đầu tư, dây chuyền chiếu xạ đầu tiên tại Miền Trung thuộc Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam vừa đi vào hoạt động, cung cấp dịch vụ chiếu xạ tiệt trùng bảo quản nông sản, thuỷ hải sản phục vụ xuất khẩu cũng như khử trùng thiết bị y tế và các vật phẩm y tế cho Đà Nẵng và các địa phương lân cận.

Từ nhiều năm trước, Viện NLNTVN đã có chủ trương xây dựng một Viện nghiên cứu ứng dụng bức xạ tại Đà Nẵng, trung tâm kinh tế xã hội của khu vực Miền Trung, nhằm thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ cho Đà Nẵng và các địa phương lân cận.

Từ năm 2016, Viện NLNTVN đã được Bộ KHCN đầu tư kinh phí để tiến hành xây dựng giai đoạn một của dự án, đến nay, Viện đã xây xong nhà chiếu xạ và lắp đặt xong dây chuyển chiếu xạ công nghiệp sử dụng nguồn Colbalt-60 với hoạt độ ban đầu 211 kCi (kilo Curie) với công suất chiếu xạ hàng chục tấn mỗi ngày. Đây là dây chuyền hoàn toàn do đơn vị trực thuộc Viện NLNTVN là Trung tâm Vinagamma thiết kế, chế tạo và lắp đặt.

Chiếu xạ từ lâu đã là một trong các biện pháp được liệt kê trong việc kiểm dịch thực vật của Công ước quốc tế về bảo vệ thực vật (IPPC). Chiếu xạ cũng là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với hàng hoá nhập khẩu nhiều quốc gia như Mỹ, Canada… Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) từng phát hành bộ tài liệu “Treatment Manual”, trong đó có hướng dẫn về việc sử dụng chiếu xạ như một phương án để được chấp thuận nhập khẩu. Việc chiếu xạ thực phẩm và thiết bị y tế cũng được các tổ chức như IAEA và FAO khuyến cáo sử dụng và hỗ trợ. Trên thế giới hiện có hơn 60 quốc gia chính thức chấp nhận chiếu xạ thực phẩm, với khoảng 500.000 tấn lương thực được xử lý mỗi năm trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, Viện NLNTVN là đơn vị đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ bức xạ trong chiếu xạ tiệt trùng thực phẩm, dụng cụ và vật phẩm y tế với việc thành lập Trung tâm chiếu xạ Hà Nội (HIC) vào năm1986 và việc thành lập Trung tâm nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ (Vinagamma) vào năm 1988 đã góp một phần không nhỏ thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Để khai thác có hiệu quả dây chuyền chiếu xạ tại Đà Nẵng, Bộ KHCN và Viện NLNTVN đã giao cho Trung tâm Vinagamma, với kinh nghiệm 20 năm qua trong lĩnh vực chiếu xạ, quản lý và vận hành dây chuyền nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông sản, thuỷ hải sản cho Đà Nẵng và các địa phương lân cận.

Ngoài tiệt trùng thực phẩm, công nghệ chiếu xạ còn ứng dụng trong thanh trùng dụng cụ, thiết bị y tế, đông nam dược, thức ăn chăn nuôi, … giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mang lại hiệu quả và giá thành cạnh tranh hơn so với các phương pháp tiệt trùng truyền thống góp phần vào tăng trưởng kinh tế cho khu vực này.

Bên cạnh các dịch vụ triển khai, Trung tâm Vinagamma, cơ sở Đà Nẵng sẽ góp phần thúc đẩy các nghiên cứu ứng dụng triển khai khoa học và kỹ thuật hạt nhân tại khu vực Miền Trung, Tây Nguyên nói riêng và cho Việt Nam nói chung.

16.1.19.2

Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) là tổ chức sự nghiệp khoa học và công nghệ hạng đặc biệt trực thuộc Bộ KHCN, có chức năng thực hiện các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và triển khai các hoạt động ứng dụng kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; hỗ trợ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân; tổ chức hoạt động đào tạo, dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử theo quy định của pháp luật. Hàng chục năm qua, những kết quả nghiên cứu của Viện đã được ứng dụng rộng rãi vào mọi mặt của đời sống, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Viện NLNTVN có 9 đơn vị trực thuộc tập trung ở Hà Nội, TP.HCM và Đà Lạt. Trong đó có 2 đơn vị có các thiết bị chiếu xạ công nghiệp phục vụ cho việc tiệt trùng bảo quản thực phẩm sau thu hoạch, thuỷ hải sản,… phục vụ xuất khẩu là Trung tâm chiếu xạ Hà Nội (HIC) và Trung tâm nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ tại TP.HCM (Trung tâm Vinagamma).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dây chuyền chiếu xạ đầu tiên tại Miền Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO