Cùng khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo của bạn trẻ

TUYẾT MAI| 20/10/2016 16:07

Sở khoa học và công nghệ (KH&CN) TP.HCM phối hợp với Trường đại học bách khoa TP.HCM, kênh truyền hình FBNC và Tạp chí Khám Phá vừa tổ chức buổi tọa đàm: “Chân dung nhân sự trẻ ngành KH&CN”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình “Smart Money SV” của kênh truyền hình FBNC, thu hút hơn 300 sinh viên đến từ các trường đại học tại TP.HCM. Các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp đã trao đổi những vấn đề hữu ích về nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, qua đó thắp sáng niềm đam mê sáng tạo của các bạn trẻ.

Ông Nguyễn Anh Thi, giám đốc khu công nghệ phần mềm, Ðại học quốc gia TP.HCM: "Nhà khoa học nên đi sát với doanh nghiệp".

Trước câu hỏi về việc môi trường trong nước vẫn chưa tạo điều kiện cho nhà khoa học phát triển, ông Nguyễn Anh Thi thừa nhận điều kiện làm việc trong nước chưa thể bằng nước ngoài. Việt Nam vẫn gom KH&CN vào làm một nhưng thực chất KH&CN lại khác nhau. Tùy vào trình độ phát triển mỗi quốc gia, KH&CN được đặt ở một vị trí nhất định. Một nhà khoa học khi làm việc ở nước ngoài về làm việc trong nước phải điều chỉnh để phát triển sự nghiệp nghiên cứu của mình, chứ không phải chỉ ngồi than thở.

Cũng theo ông Anh Thi, doanh nhân và nhà khoa học có vai trò, vị trí khác nhau trong xã hội. Nhà khoa học khám phá ra các tri thức, công nghệ mới để đưa vào thực tiễn cuộc sống. Còn việc ứng dụng các công nghệ đó vào thực tiễn để tạo ra giá trị xã hội là trách nhiệm của doanh nhân và doanh nghiệp. Hiện nay, nguồn lực dành cho khoa học, bên cạnh từ Nhà nước còn hạn chế (2% GDP), thì nên tìm kiếm từ xã hội. Nhà khoa học nên đi sát với doanh nghiệp, chủ động dịch chuyển để tìm kiếm nguồn tiền.

Ông Hoàng Minh Châu, nguyên phó chủ tịch Tập đoàn FPT: "Nhà khoa học hay doanh nhân đều có thể thành công như nhau".

Xuất thân từ ngành toán, sau đó trở thành phó giám đốc FPT, bản thân ông tự coi mình là doanh nhân, nhưng lại không thấy có gì khác biệt. Theo ông, một doanh nhân mà xuất thân từ nhà khoa học sẽ có lợi thế lớn khi tự nghiên cứu, đưa ra được những phương án, công nghệ với tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Nhà khoa học hay doanh nhân đều có thể thành công về mặt tiền bạc như nhau, chỉ cần tạo ra sản phẩm có ích được xã hội đánh giá cao thì dù là nhà khoa học hay doanh nhân đều có thể làm giàu. "Quan điểm của tôi, sự thành công về mặt tiền bạc chỉ là hệ quả của một nỗ lực đúng cho xã hội. Vấn đề ở đây là anh làm được gì cho xã hội, anh có thể mua chỗ này, bán chỗ nọ, làm môi giới nhưng sự phát triển đó sẽ không đều, cần phải tạo ra giá trị gia tăng trong sản phẩm của mình".

GS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng, phó giám đốc Sở KH&CN TP.HCM: "Không có nghiên cứu nào phục vụ mục đích làm giàu".

"Làm khoa học hay nghiên cứu khoa học không phải để làm giàu hay sống tốt. Các thầy cô mà chúng tôi có biết và hỗ trợ kinh phí cho họ nghiên cứu khoa học thì động lực của họ là niềm đam mê và từ niềm đam mê đó, họ tìm những sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học không phải cho bản thân mà còn cho lớp kế thừa. Sở KH&CN có khá nhiều chương trình hỗ trợ cho các nhà khoa học, sinh viên và doanh nghiệp như chương trình Vườn ươm dành cho các nhà khoa học trẻ dưới 35 tuổi, hỗ trợ tối đa 85 triệu đồng/đề tài trong 12 tháng, giúp các giáo viên, sinh viên trẻ tìm tòi, tích lũy được kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học. 17 chương trình nghiên cứu khoa học, từ biến đổi khí hậu, nông nghiệp, công nghệ sinh học... hỗ trợ các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trung tâm... với kinh phí lớn, có thể từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Vừa qua, đề tài về radar được cấp 10 tỷ đồng, đề tài về vi mạch được đầu tư 40 tỷ...

Việc đầu tư cho KH&CN là nên làm, nhưng cần biết rằng Nhà nước không thể đủ kinh phí để đầu tư cho tất cả, do đó, cần có nguồn xã hội hóa.Bộ KH&CN đã ra một thông tư thành lập Quỹ phát triển KH&CN của các doanh nghiệp. Trong đó, yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải trích 3 -10% doanh thu trước thuế để phục vụ cho hoạt động KH&CN. Ðiều này tương đương với 10.000 tỷ đồng/năm, đó mới là nguồn lực chính. Ngoài ra, chúng tôi còn giúp các trường đại học thành lập Vườn ươm như đại học Bách khoa, Nông lâm; hỗ trợ thành lập doanh nghiệp KH&CN, cấp giấy chứng nhận tổ chức hoạt động KH&CN cả công lập và dân lập. Từ đó có thể đi đấu thầu các công trình KH&CN của bộ hay các địa phương, tập trung vào 4 ngành công nghiệp trọng điểm. Tôi cho rằng, không có nghiên cứu nào phục vụ mục đích làm giàu, mà chỉ để truyền cho các thế hệ nghiên cứu sinh, sinh viên... Và từ đó, giúp cho ngành KH&CN ngày càng phát triển.

Tại phần giao lưu với các bạn sinh viên, vấn đề các bạn quan tâm nhiều là nguy cơ chảy máu chất xám sau khi đã tốn một khoản đầu tư để đào tạo lại sinh viên mới ra trường; khoảng cách giữa đào tạo của nhà trường và nhu cầu của doanh nghiệp; sinh viên cần trang bị kiến thức cơ bản gì để thành công với ngành nghề mình đã chọn... Theo các khách mời, môi trường ở các trường đại học ở Việt Nam vẫn còn chú trọng vào đào tạo các nhà nghiên cứu nhưng nếu làm việc trong cuộc sống, trong doanh nghiệp thì cần phải học thêm. Các bạn cần xem mình cần kỹ năng gì, kiến thức gì để có thể phù hợp với môi trường doanh nghiệp.

Thống kê năm vừa qua có khoảng 200.000 sinh viên mới ra trường thất nghiệp. Ðiều này xuất phát từ sự không tương hợp giữa đào tạo và môi trường doanh nghiệp. Thứ hai là do quy hoạch về đào tạo nghề không phù hợp khi nhu cầu chỉ cần 10.000 nhưng đào tạo đến 20.000 thì chắc chắn sẽ dư. Về vấn đề này, nhà trường và doanh nghiệp cần có sự hợp tác, trao đổi qua lại lẫn nhau. Ðiều này sẽ giúp sinh viên ra trường có đủ kiến thức để làm việc mà doanh nghiệp cũng sẽ đỡ mất công đào tạo lại, vừa đỡ tốn tiền, vừa đỡ tốn thời gian.

Các bạn tự có ý tưởng, nghiên cứu và bán ý tưởng đó, các bạn có 5% thành công, nhưng nếu các bạn nghiên cứu, và bắt tay với dân kinh doanh, tỷ lệ thành công của bạn sẽ tăng lên đáng kể. Vì thế, cần phải biết cách làm quen, chơi với những người khác với mình, có những kiến thức khác mình. Quan trọng hơn hết, muốn thành công hãy làm những cái gì hữu ích cho xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cùng khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo của bạn trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO