Cơ chế chính sách phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Như Nguyệt ghi| 30/12/2016 21:10

KHPTO - GS.TS.Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Hội đồng khoa học TP.HCM vừa có bài viết nêu ý kiến về cơ chế chính sách phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam:

1. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (VKTTĐPN) bao gồm 6 tỉnh, thành thuộc miền Đông Nam bộ: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và 2 tỉnh thuộc miền Tây Nam bộ là Long An và Tiền Giang.

Trong 10 năm qua VKTTĐPN có mức tăng trưởng kinh tế ổn định, cao hơn mức tăng trưởng chung cả nước 1,5 lần. Vùng chiếm 8% diện tích và 17% dân số của cả nước nhưng sản xuất hơn 40% GDP cả nước, chiếm 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 60% ngân sách quốc gia và là vùng thu hút hơn 50% tổng vốn đầu tư nước ngoài cả nước.

VKTTĐPN có hạ tầng cơ sở tốt nhất, có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước, là vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất, là trung tâm công nghiệp, thương mại, tài chính hàng đầu cả nước.

Với tầm vóc và vị thế như vậy, cộng với sự năng động phát triển cao, VKTTĐPN đang đóng vai trò là động lực phát triển mạnh nhất của nền kinh tế nước ta. Tầm vóc và vị thế của Vùng là kết quả của một quá trình phát triển lâu dài, với những nỗ lực to lớn và những thử nghiệm đổi mới táo bạo và quyết liệt. Trước ngày thống nhất đất nước (năm 1975), Sài Gòn - Gia Định và Đồng Nai đã là trung tâm công nghiệp, thương mại và tài chính của miền Nam. Đây là nơi tập trung các đô thị lớn, là đầu mối giao thông nối Đông Nam bộ với đồng bằng sông Cửu Long.

Sau năm 1975, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, trên cơ sở tiếp quản di sản kinh tế và hệ thống kết cấu hạ tầng khá phát triển, tiếp tục kết nối tạo thành tam giác tăng trưởng của Đông Nam bộ. Trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường, các địa phương thuộc VKTTĐPN hiện nay chính là các địa phương đi đầu trong đột phá cơ chế bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường. Long An là điển hình của quá trình đột phá cơ chế một giá. Bình Dương cải cách cơ chế, xác lập một mẫu hình mới về mối quan hệ chức năng nhà nước - thị trường, áp dụng chính sách thu hút đầu tư phát triển một cách thông thoáng. Đồng Nai với lợi thế thừa hưởng các khu công nghiệp Biên Hòa, đã đi truớc các địa phương trong việc xây dựng các khu công nghiệp hiện đại. Nhờ kết cấu hạ tầng giao thông tương đối phát triển, các địa phương trong Vùng đã liên kết phát triển trong xu thế tạo thành vùng động lực của Nam bộ và của cả nước vào đầu những năm 1990.

Với vai trò trung tâm kết nối phát triển, TP.Hồ Chí Minh đã cung cấp thị trường, cơ hội phát triển, vốn đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ - kỹ thuật. . . qua đó đóng vai trò "chủ công" cho toàn vùng Nam bộ trong quá trình chuyển đổi và phát triển cơ chế kinh tế thị trường.

2. Quy hoạch tổng thể VKTTĐPN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 252/QĐ - TTG ngày 13/2/2014. Nội dung quy hoạch là chuyển dịch cơ cấu kinh tế Vùng theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, tập trung ưu tiên đầu tư các ngành có tiềm năng, lợi thế, có năng suất lao động và hàm lượng trí thức cao, gắn liền với việc đẩy mạnh liên kết giữa các ngành, thành phần kinh tế và giữa các địa phương.

Quy hoạch đã đề ra nhiều mục tiêu phát triển cụ thể, định hướng phát triển một số ngành và lĩnh vực cũng như các giải pháp chính để thực hiện.

3. Vừa qua, ngày 12/8/2016 Hội đồng VKTTĐPN nhiệm kỳ 2015 - 2016 đã trao đổi về việc thực hiện các mục tiêu đề ra trong Quy hoạch, và thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành việc phân cấp quản lý nhà nước giữa Trung ương và các địa phương liên quan đến những vấn đề về chuyển giao ngân sách, vay nợ chính quyền địa phương, quy hoạch sử dụng đất toàn vùng, liên kết giao thông đường bộ, đường thủy vùng, và liên kết xử lý ô nhiễm nước thải công nghiệp giữa các địa phương trong vùng.

Tôi hoàn toàn nhất trí với các đề xuất đó, và xin nhấn mạnh thêm một số nội dung:

* Đối với Trung ương: xin kiến nghị Trung ­ương tăng quyền chủ động nhiều hơn nữa cho VKTTĐPN để phát huy tối đa vị thế đầu tàu của Vùng trong nền kinh tế quốc gia. Hội đồng Vùng có quyền quyết định các chủ trương, chính sách cụ thể trong Vùng (có báo cáo đề Trung ương theo dõi, nhưng không phải xin phép) và chịu trách nhiệm về các quyết định đó.

* Đối với Vùng KTTĐPN: ngoài các giải pháp đã nêu trong bản Quy hoạch như xác định các lĩnh vực ưu tiên phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; huy động và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn vốn, chuyển dịch cơ cấu và nâng cao năng lực cạnh tranh các ngành kinh tế, các sản phẩm chủ lực... (các giải pháp này áp dụng được cho mọi Vùng kinh tế trọng điểm!), xin kiến nghị:

Vùng cần kết nối thật sự trong hạ tầng giao thông thủy, bộ, trong xử lý ô nhiễm công nghiệp đối với môi trường (nước ngầm, nước bề mặt, không khí, sinh quyển), trong thương mại, xúc tiến đầu tư và dịch vụ trong thông tin kinh tế - xã hội, trong đào tạo và khai thác nguồn nhân lực chất lượng cao.

* Đối vối TP.Hồ Chí Minh: là hạt nhân VKTTĐPN, xin kiến nghị:

+ Thực hiện tốt cải cách hành chính trên cơ sở kết nối công nghệ thông tin, phù hợp đề án xây dựng TP.Hồ Chí Minh trở thành Thành phố thông minh giai đoạn 2017 - 2020.

+ Có kế hoạch tổng thể trong đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở tất cả các cấp chuyên môn, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao vị thế khoa học cơ bản của thành phố - trung tâm khu vực Đông Nam Á.

+ Triển khai hiệu quả 7 chương trình đột phát qua đó rút kinh nghiệm công tác dự báo và sớm có biện pháp đón đầu (ví dụ: hơn 10 năm trước đây đã có cảnh báo với đà tăng dân số đang diễn ra, Thành phố sẽ sớm xảy ra tình trạng kẹt xe và ngập nước, nhưng ta chưa có giải pháp đón đầu).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ chế chính sách phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO