Chuẩn bị thử nghiệm bộ sách giáo khoa mới của TP.HCM

Anh Thư| 02/12/2016 21:28

KHPTO - Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo TP.HCM, bộ sách giáo khoa mới đang được TP.HCM khẩn trương (nhưng hết sức thận trọng) xây dựng.

Dự kiến thử nghiệm ở quy mô hẹp từ năm học 2016 - 2017, tiếp tục mở rộng hơn từ 2017 - 2018 và có thể sử dụng chính thức từ năm học 2018 - 2019.

Bộ sách giáo khoa mới sẽ có nhiều nội dung sát với thành phố

Để thực hiện được mục tiêu đổi mới, một trong những quan điểm quan trọng là khuyến khích các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa, sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa được xây dựng trên cơ sở một chương trình khung thống nhất. Bộ giáo dục và đào tạo đã cho phép Sở giáo dục và đào tạo TP.CM phối hợp với Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam biên soạn bộ sách giáo khoa theo khung chương trình mới.

Ông Lê Hồng Sơn khẳng định, bộ sách giáo khoa mới phải khắc phục được những tồn tại, thiếu sót của bộ sách giáo khoa hiện hành và tiếp cận được với xu hướng giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới: cơ bản, tinh giản về mặt kiến thức nhưng lại đảm bảo tính hiện đại và thực tiễn. Bộ sách không chỉ dạy cho học sinh các kiến thức cơ bản mà còn phải giúp các em cách học, cách tìm kiếm, xây dựng, hệ thống kiến thức, rèn luyện năng lực tự học, năng lực về công nghệ thông tin, năng lực vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề của cuộc sống. Bên cạnh đó, việc dạy chữ để dạy người cũng sẽ được đặt ra trong quá trình biên soạn nhằm hình thành nhân cách sống tốt, phù hợp cho học sinh ngay từ những năm đầu của bậc phổ thông; qua đó, góp phần phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.

Bộ sách giáo khoa mới sẽ đưa vào nhiều hơn những nội dung sát hợp với đặc thù riêng của thành phố về lịch sử, địa lý, văn hóa, con người, kinh tế,… hướng đến xây dựng một thế hệ công dân của thành phố có năng lực, trình độ, phẩm chất, hoài bão… đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực của thành phố trong tương lai.

Định hướng giáo dục địa phương cũng sẽ được thực hiện thông qua việc soạn thảo và giảng dạy các chủ đề tích hợp ở các bộ môn và sách giáo khoa lịch sử TP.HCM.

Sách giáo khoa mới từng bộ môn sẽ thực hiện theo cấu trúc: ngoài các chủ đề dạy học bộ môn còn có các chủ đề dạy học tích hợp gắn với thực tiễn cuộc sống, gắn với TP.HCM và các tỉnh thành khu vực phía Nam.

Hoạt động giáo dục địa phương được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng: giảng dạy bằng sách giáo khoa lịch sử TP.HCM lịch sử Đảng bộ Sài Gòn Gia Định – TP.HCM, bằng các chủ đề dạy học trong nhà trường và bằng các hoạt động trải nghiệm thực tiễn ngoài nhà trường.

Việc biên soạn sách giáo khoa phải bảo đảm đạt được các mục tiêu, tuân thủ các nguyên tắc chung, bảo đảm các quy chuẩn kiến thức, kỹ năng bám sát khung chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giảm tải với sách giáo khoa mới

Theo ông Lê Hồng Sơn, việc quá tải trong dạy và học phụ thuộc phần lớn vào cấu tạo chương trình, sách giáo khoa, chủ yếu là hình thức thể hiện và chuyển tải chuẩn kiến thức – kỹ năng cần đạt theo quy định của Bộ giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, bộ sách giáo khoa của Thành phố sẽ xây dựng chương trình chi tiết sao cho phù hợp với đặc thù của vùng miền, cải tiến cả về hình thức và nội dung sao cho tạo hứng thú cho học sinh, qua đó giúp các em giảm tải và không cảm thấy bị gây sức ép; đồng thời thuận lợi cho việc dạy học theo hướng tích hợp, vận dụng kiến thức liên môn.

Bộ sách mới sẽ khắc phục nhược điểm gây nhàm chán, nặng nề của bộ sách cũ do những kiến thức mang tính hàn lâm, xa rời thực tiễn. Chú ý đến phương ngữ vùng, miền; các ví dụ, các bài tập thực tiễn sẽ gần gũi, sinh động hơn. Sách giáo khoa mới sẽ chú ý giải quyết sự nặng nề quá tải của chương trình cũ bằng việc chọn lọc các kiến thức cần thiết, thực tiễn và hiện đại, tăng cường rèn luyện phương pháp học, phương pháp tự học, hoạt động nhóm, tăng cường rèn luyện các trải nghiệm thực tế gắn với việc tập luyện giải quyết các vấn đề thực tế của cuộc sống và xã hội ngay từ nhà trường.

Bộ sách phải hướng đến việc hình thành và phát triển năng lực cần thiết của học sinh thông qua các môn học (năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực: thể chất, giao tiếp, hợp tác, tính toán, công nghệ thông tin và truyền thông), giảm việc cung cấp kiến thức, tăng cường rèn luyện để các em biết cách tự tìm ra kiến thức và biết cách để chọn lọc và xử lý kiến thức theo mục tiêu cần đạt, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh tự học, trải nghiệm thực tế, trải nghiệm sáng tạo, hỗ trợ các em tự kiểm tra, đánh giá.

Việc đổi mới giáo dục phổ thông sẽ được thể hiện rõ qua định hướng đổi mới phương pháp dạy học của bộ sách. Nội dung chương trình chi tiết được sắp xếp theo các chủ đề, chủ điểm (khoa học, hợp lý, có tính đến sự tích hợp nội môn và liên môn). Từ đó, giúp số lượng bài học giảm xuống, nội dung chương trình sẽ giảm tải, nhẹ nhàng (không quy định cụ thể thành từng tiết mà phân bố thành từng chủ đề thực hiện trong một số tiết), giúp giáo viên chủ động hơn trong việc sắp xếp chương trình sát với thực tiễn lớp  học, thực tiễn về phát triển công nghệ thông tin, khả năng tiếp cận kiến thức của học sinh,…

Bộ sách mới cũng chú ý đặt học sinh vào những tình huống cụ thể của cuộc sống. Từ đó, tạo cho HS năng lực tư duy, suy luận để giải quyết vấn đề và hình thành được năng lực giao tiếp và phát triển ngôn ngữ. Chú trọng việc dạy để học sinh hiểu và biết cách làm, không đặt nặng việc học thuộc lòng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuẩn bị thử nghiệm bộ sách giáo khoa mới của TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO