Chủ động phòng chống cúm A/H7N9

Minh Cường| 02/03/2017 08:54

Khoa Học Phổ Thông, khoa học, tạp chí, tin tức

KHPT-Cúm A/H7N9 đang tiến sát đến biên giới Việt Nam. Việc giao thương, buôn bán, đi lại của người dân khiến tình hình dịch bệnh rất dễ lây lan và nguy cơ dịch vào sâu trong nước là rất cao nếu không có những biện pháp ngăn chặn gia cầm nhập lậu qua biên giới.

Báo cáo của Cục y tế dự phòng (Bộ y tế) cho biết, từ tháng 10/2016 đến nay, tại Trung Quốc đã phát hiện 425 trường hợp mắc cúm A/H7N9, tập trung ở 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, trong đó gần một nửa số đó đã tử vong. Điều đáng lo ngại là cúm A/H7N9 có nguồn gốc từ gia cầm nhưng gia cầm lại không có biểu hiện và triệu chứng và thường gia tăng vào mùa đông xuân, liên quan đến việc vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm.

Theo đại diện Cục thú y (Bộ NN&PTNT), mặc dù đến nay chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với H7N9 nhưng trong 2 tháng đầu năm 2017 đã phát hiện 3 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại các xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu; xã Diễn Thắng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Theo các chuyên gia, dịch cúm gia cầm đang xuất hiện ở các nước láng giềng có cùng biên giới với Việt Nam, nhất là dịch cúm A/H7N9 đang hoành hành tại Trung Quốc nên cơ quan chức năng cần phải kiểm soát chặt các tỉnh biên giới, tránh trường hợp gia cầm nhập lậu mang bệnh cúm tuồn vào Việt Nam làm lây bệnh cho đàn gia cầm trong nước.

Để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của virus cúm A/H7N9 sang người và các chủng virus cúm gia cầm khác từ nước ngoài xâm nhiễm vào Việt Nam, ngày 21/2, Bộ NN&PTNT đã có công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phát động “Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt 1/2017” trên toàn quốc nhằm chủ động tiêu diệt mầm bệnh. Thời gian thực hiện từ ngày 22/2 - 21/3.

Theo đó, yêu cầu những trại chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ động vật tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm tự lo vật tư, kinh phí, tổ chức thực hiện theo sự giám sát của chính quyền địa phương và chuyên môn thú y. Chính quyền địa phương chỉ đạo, bố trí hố sát trùng tại khu vực đường mòn, lối mở biên giới trên địa bàn quản lý, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía bắc. Tại các cửa khẩu biên giới, cơ quan kiểm dịch động vật phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ tại cửa khẩu tham mưu cho Ban quản lý cửa khẩu bố trí hố sát trùng và thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua cửa khẩu. Chính quyền cấp xã tổ chức các đội phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán động vật sống ở nông thôn..

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng chống cúm A/H7N9
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO