Chính quyền nên thường xuyên đối thoại, lắng nghe ý kiến đóng góp của đội ngũ trí thức

HỒNG DUNG thực hiện| 02/03/2017 08:36

KHPT - GS.TS. Nguyễn Ngọc Giao, chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM dành cho PV Báo Khoa Học Phổ Thông cuộc phỏng vấn xung quanh vấn đề giải pháp phát triển đội ngũ trí thức.

- Thưa giáo sư, ông nhìn nhận thế nào về đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ tại TP.HCM hiện nay?

GS.TS. Nguyễn Ngọc Giao: TP.HCM có một đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ đông đảo, chiếm 21% cả nước. Đội ngũ này rất đa dạng về nguồn gốc xuất thân, được đào tạo trong nước cũng như từ nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, nhiều bậc lão thành đã từng sống và hoạt động trong chế độ miền Nam trước ngày thống nhất đất nước đến nay vẫn còn phát huy khả năng. Về chuyên môn thì gần như lĩnh vực nào cũng có, trong đó có những cá nhân thuộc loại nhất nhì toàn quốc.

Một trong những đặc điểm của đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ thành phố là tính thực tế cao, thường nghiên cứu các lĩnh vực gắn nhiều với sản xuất đời sống, ít tính hàn lâm hơn Hà Nội, đồng thời cũng ít tham gia các chương trình quốc gia vì ngại các thủ tục nhiêu khê. Hệ quả thấy rõ là số nhà khoa học có học vị, học hàm cao ít hơn hẳn so với Hà Nội (so sánh chẳng hạn thành phần giảng viên 2 Đại học quốc gia Hà Nội và TP.HCM). Một điểm đáng nói nữa là trí thức TP.HCM ít nói chính trị so với Hà Nội (không phải không quan tâm!) nhưng đồng thời phê phán, góp ý mạnh dạn, cụ thể hơn.

Nhược điểm lớn của đội ngũ này là chưa có đủ người đi sâu vào một số lĩnh vực hiện đại của thế giới, và trong những ngành hiện có cũng không đủ người đầu đàn tầm cỡ thế giới. Chưa có nhiều tập thể nghiên cứu mạnh.

Vai trò đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ trong việc thực hiện 7 chương trình đột phá của thành phố cũng chưa rõ nét.

- Đội ngũ trí thức đông đảo, nhiệt huyết, có tính thực tế cao... là ưu thế của thành phố. Vấn đề là phát huy hiệu quả ưu thế này để đóng góp nhiều hơn nữa cho thành phố. Giáo sư có đề xuất giải pháp nào để phát triển đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ tại TP.HCM?

Theo tôi:

Thứ nhất, dự báo nhu cầu

Công tác dự báo là khâu yếu trong quản lý nhà nước. Nhiều vấn đề kinh tế - xã hội chúng ta không dự báo được sớm để có biện pháp đón đầu, mà đợi xảy ra rồi mới tìm cách giải quyết (ví dụ hiện tượng ngập nước, kẹt xe ở TP.HCM). Nói riêng trong lĩnh vực nhân lực, chúng ta cũng không dự báo được nhu cầu trong các ngành nghề sản xuất - kinh doanh, nhu cầu nhân lực cho từng trình độ tay nghề, nhu cầu theo chuyên môn ở các cơ sở khoa học, nhu cầu cho các công sở... Điều này dẫn đến việc đào tạo tràn lan ở các trường đại học, ngành nào dễ mở thì đào tạo, hệ quả là tình trạng thất nghiệp của mấy trăm ngàn thạc sĩ, cử nhân như báo chí vẫn nói.

Vậy giải pháp đầu tiên để xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức là dự báo, dựa trên phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố (và của cả nước) không quên lưu ý đến các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản đang phát triển rầm rộ trên thế giới.

Giải pháp thứ hai là đào tạo trên cơ sở dự báo

Đào tạo trong nước, ngoài sứ mạng nâng cao dân trí còn mục tiêu là đào tạo chuyên gia ở các trình độ ngành nghề khác nhau. Ở đây có nhiều điều phải nói về hệ thống giáo dục quốc dân của nước ta, tôi xin không đề cập đến. Chỉ xin nhấn mạnh một điểm là việc đào tạo này phải hòa nhập quốc tế, sinh viên và cán bộ trẻ phải được giao tiếp thường xuyên về chuyên môn với các chuyên gia nước ngoài, tham dự hội nghị khoa học quốc tế... Dĩ nhiên phải giải quyết vấn đề kinh phí cho các hoạt động này.

Đào tạo ngoài nước: ngoài việc các cá nhân du học tự túc hoặc tự tìm học bổng, Nhà nước cần khuyến khích người trẻ theo học các ngành đã định hướng (như dự báo) bằng học bổng hoặc các chính sách ưu đãi khác. Đơn vị cử người đi học phải thường xuyên liên hệ, trao đổi thông tin và chuẩn bị sẵn môi trường làm việc để khi cán bộ đó về nước có thể phát huy tác dụng ngay.

Giải pháp thứ ba là thu hút người tài

Đối tượng đầu tiên phải thu hút là số cán bộ trẻ từ trong nước ra nước ngoài du học. Thống kê hiện nay cho thấy 8/10 số này sau khi học xong không về nước, hoặc nếu có về nước thì không về nơi đã cử mình đi học mà đến làm cho một số đơn vị khác có điều kiện tốt hơn.

Đối tượng tiếp theo là Việt kiều. Nhà nước rất quan tâm đến đối tượng này, một thể hiện cụ thể là Hội nghị Việt kiều tháng 11 vừa qua tại TP.HCM, thu hút trên 500 Việt kiều tham dự. Tại hội nghị đó, nhiều người đã phát biểu rất tâm huyết, góp ý nhiều điều với mong muốn thành phố ta phát triển nhanh, sớm trở thành một trung tâm của khu vực Đông Nam Á.

Đối tượng thứ ba là người nước ngoài, tuy không nhiều nhưng nếu có thì thường là chuyên gia cao cấp.

Lâu nay Nhà nước ta mới động viên tinh thần, kêu gọi lòng yêu nước là chính. Cần có chính sách cụ thể, cơ chế thoáng và đồng bộ. Chẳng hạn, các đơn vị khoa học được quyền quyết định mức lương cho chuyên gia mà mình tuyển dụng, không theo thang lương do Bộ tài chính quy định.

Đó là chưa kể còn nhiều thủ tục nhiêu khê khác. Nhiều người nói hình tượng: chúng ta trải thảm đỏ để thu hút nhân tài, nhưng bên dưới thảm đỏ có đầy đinh! Vấn đề là phải bỏ hết đinh đi.

Thứ tư, sử dụng

Đây cũng là một nội dung quan trọng, vì người trí thức luôn mong muốn được đem sức lực mình ra đóng góp, muốn là người có ích.

- Sử dụng đầu tiên là thu nhận về các cơ quan nhà nước, đơn vị khoa học, cần bố trí đúng chuyên môn, tại những vị trí có nhu cầu thực sự, không phải thu nhận cho có.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân thành lập các đơn vị tư nhân (doanh nghiệp, trung tâm, viện...), thuế má hợp lý tùy loại hình cụ thể. Các đơn vị tư nhân ở Mỹ chẳng hạn có một vai trò to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội nước Mỹ. Trong vấn đề này, Nhà nước ta chưa quen, cứ muốn quản lý, do đó tạo ra rất nhiều rào cản không cần thiết.

- Chính quyền nên tổ chức đối thoại thường xuyên với trí thức, lắng nghe ý kiến đóng góp. Hội nghị Việt kiều tháng 11 vừa qua tại TP.HCM là rất bổ ích, với nhiều ý kiến đóng góp thiết thực. Thực ra lãnh đạo thành phố không cần tổ chức hội nghị lớn như vậy, mà nên định kỳ có những buổi làm việc với đối tượng hẹp hơn, trao đổi kịp thời, cụ thể hơn về các vấn đề quốc kế dân sinh. Điều quan trọng là lãnh đạo phải biết lắng nghe (dù đôi khi ý kiến có thể gai góc), chắt lọc và khai thác sử dụng các ý kiến đóng góp, chứ không phải nghe xong rồi để đó.

Cuối cùng, giải pháp liên quan tự thân đội ngũ trí thức.

Đối với các lĩnh vực hiện có, cần thiết phải:

- Kết nối chặt chẽ với sản xuất và đời sống, “nhà khoa học phải biết kinh doanh, doanh nhân phải biết làm khoa học”. Nói cách khác, phải làm sao đưa được các kết quả nghiên cứu khoa học vào kinh doanh sản xuất. Việc này liên quan chặt chẽ với mối quan hệ trường đại học / viện nghiên cứu - doanh nghiệp, đặc biệt đối với 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP.HCM (cơ khí - tự động hóa, điện tử - CNTT, hóa chất - cao su, chế biến lương thực - thực phẩm).

- Xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, có tầm quốc tế và khu vực.

- Các nhà khoa học trẻ nên suy nghĩ theo hướng khởi nghiệp, chủ động vạch hướng đi cho mình, không bị động chỉ đi xin việc ở những đơn vị sẵn có.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính quyền nên thường xuyên đối thoại, lắng nghe ý kiến đóng góp của đội ngũ trí thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO