Chào mừng 30 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2005): Nơi hội tụ và phát huy vai trò đội ngũ trí thức TP. Hồ Chí Minh

22/04/2005 22:04

Có mặt từ cuối năm 1974, Hội Trí thức Yêu nước hoạt động trong khuôn khổ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày 10-8-1975, theo sự chỉ đạo của Thành ủy TP. HCM, Hội Trí thức Yêu nước chính thức được thành lập và là thành viên của Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh.

NGÔI NHÀ CHUNG: TỪ HỘI TRÍ THỨC YÊU NƯỚC HÔM QUA ĐẾN LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT HÔM NAY.

Những ngày đầu sau giải phóng, nhân dân ta nói chung, nhân dân TP. Hồ Chí Minh nói riêng phải chịu muôn vàn khó khăn do chủ quan và khách quan, trong đó có việc Mỹ cấm vận nước ta. Trong đội ngũ trí thức tại chỗ, một số người đã dao động và ra đi, số còn lại cố gắng xác lập chỗ đứng của mình trong hoàn cảnh mới. Giữa hai nguồn trí thức cũng còn như e dè, giữ ý trong quan hệ.

Lãnh đạo Đảng các cấp đã sớm nhận biết tình hình đó và đã có nhiều giải pháp cụ thể giúp đội ngũ trí thức phần nào vượt qua các khó khăn trước mắt.

Có mặt từ cuối năm 1974, Hội Trí thức Yêu nước hoạt động trong khuôn khổ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày 10-8-1975, theo sự chỉ đạo của Thành ủy TP. HCM, Hội Trí thức Yêu nước chính thức được thành lập và là thành viên của Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt NamTP. Hồ Chí Minh.

Từ 1975-1978, Hội Trí thức Yêu nước đã tập hợp được 1.500 hội viên và 3.000 cảm tình viên, hoạt động trong 15 tổ chức ngành nghề và nhiều Chi hội ở các Trường, Viện và cơ sở sản xuất.

Lãnh đạo Hội Trí thức Yêu nước đặt trọng tâm vào công tác chính trị - tư tưởng, đã tổ chức 12 khóa học chủ nghĩa Mác - Lênin và tình hình nhiệm vụ mới cho hơn 5.000 trí thức tại chỗ, tổ chức nhiều buổi thuyết trình về đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, Hội cũng đã triển khai nhiều lĩnh vực hoạt động khác như: Thông tin phổ biến kiến thức qua việc ra đời Báo “Khoa Học Phổ Thông”; xuất bản 6 đầu sách khoa học, và soạn thảo “Cẩm nang pháp luật” cho HĐND thành phố; Thành lập Câu lạc bộ trí thức với trên 1.500 hội viên; Thành lập Trung tâm Bồi dưỡng Bách khoa năm 1979, là cơ sở giáo dục đào tạo đầu tiên của đoàn thể, nhằm đào tạo và bồi dưỡng tay nghề, nâng cao trình độ văn hóa - kỹ thuật cho CB-CNV, thanh niên, đồng thời qua đó giải quyết công ăn việc làm cho một số trí thức trở về sau các đợt học tập cải tạo; Bên cạnh là công tác chăm lo cải thiện đời sống cho trí thức, tuy không nhiều, nhưng đây là nguồn động viên rất có ý nghĩa đối với trí thức.

Sau hơn mười năm hoạt động, Hội Trí thức Yêu nước đã có nhiều đóng góp tích cực cho TP. trong giai đoạn “vừa cải tạo - vừa xây dựng”. Để đánh giá tổng quát giai đoạn này, có thể dẫn ra đây lời của cố GS. Lê Văn Thới, Chủ tịch Hội Trí thức Yêu nước: “Chính giờ phút này, những người trí thức chúng tôi đang đấu tranh gay go nhất với chính mình. Bao nhiêu mâu thuẫn là bấy nhiêu gian lao đang chờ đợi người trí thức ở mỗi chặng đường phát triển tiếp theo”.

Và Hội Trí thức Yêu nước đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình, trao lại trách nhiệm cho tổ chức nối tiếp là Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (Gọi tắt là Liên hiệp Hội TP.HCM).

Đại hội thành lập Liên hiệp Hội TP. Hồ Chí Minh được tiến hành ngày 14-01-1986 tại Nhà Hữu nghị thành phố, với sự có mặt của đồng chí Nguyễn Văn Linh, lúc bấy giờ là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy và GS.VS. Trần Đại Nghĩa, Chủ tịch Liên Hiệp Hội Việt Nam.

Là thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh và của Liên Hiệp Hội Việt Nam, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Thành ủy, Liên Hiệp Hội TP. HCM bắt đầu hoạt động với 6 hội thành viên (Hội Luật gia, Hội Y Dược học, Hội Y học cổ truyền, Hội Vinatest, Hội xây dựng và Hội Lâm nghiệp) và 2 đơn vị trực thuộc (Trung tâm Bồi dưỡng Bách khoa và CLB Trí thức - sau đổi tên thành CLB Khoa học và Kỹ thuật); đến nay, tổ chức đã lên đến 36 hội thành viên và 6 đơn vị trực thuộc - gồm có Cơ quan Liên hiệp Hội; Báo Khoa Học Phổ Thông; Nhà Văn hóa - Khoa học; Trung tâm Tư vấn & phát triển; Trung tâm Giới thiệu việc làm cho trí thức; và Trung tâm Bồi dưỡng Bách khoa.

TẬP HỢP ĐỘI NGŨ- MỞ RỘNG HOẠT ĐỘNG VÀ PHÁT HUY VAI TRÒ ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC

Nhiệm kỳ I của Liên hiệp Hội TP. HCM (1986 -1991) bắt đầu đúng vào năm đất nước ta bước vào giai đoạn đổi mới, được Đại hội Đảng toàn quốc lần VI và Đại hội Đảng bộ TP. lần IV thông qua.

Chủ trương mở cửa của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta được toàn dân hưởng ứng, trong đó có đội ngũ trí thức. Thời kỳ này hoạt động đối ngoại của Liên hiệp Hội (LHH) nở rộ: tiếp xúc với Hội KHKT Liên Xô, Hội Trí thức Mông Cổ, các tổ chức tiến bộ của Mỹ là Ủy ban Hòa giải với Đông Dương và Hội đồng nghiên cứu KHXH Mỹ, v.v…, ta cũng bắt đầu tổ chức các Hội thảo quốc tế.

Tuy nhiên trong việc mở cửa, người trí thức cũng còn nhiều lúng túng. Mở cửa để đón gió mới vào, nhưng phải làm sao không rơi vào những ảnh hưởng của diễn biến hòa bình. Từ chế độ bao cấp chuyển qua cơ chế thị trường: các bước đi phải như thế nào? .v.v… Trong nhiều tình huống khác nhau, nếp nghĩ của từng người cũng khác nhau.

Cấp ủy Đảng TP. Hồ Chí Minh luôn theo dõi sát sao hoạt động của LHH, và qua nhiệm kỳ II (1991-1996), Thành ủy đã quyết định thành lập Đảng Đoàn LHH với Bí thư là một Ủy viên Đảng bộ TP.

Qua các công việc thực tế của mình, LHH TP. dần dần tạo được lòng tin ở giới trí thức, và không ngừng phát triển về số lượng. Trong nhiệm kỳ II, LHH đã có 32 hội thành viên với gần 33.000 hội viên; qua nhiệm kỳ III (1997-2002) - 36 Hội với trên 42.000 hội viên.

Đặc biệt với ý thức trách nhiệm của tổ chức trí thức, Liên hiệp Hội đã bắt đầu chủ động đóng góp ý kiến cho nhiều lĩnh vực khoa học - kỹ thuật của thành phố như môi trường, y tế, thủy điện, .v.v… Việc tham gia của đội ngũ trí thức vào các đề án cụ thể của TP. tỏ ra đã đi đúng hướng, và được đẩy mạnh hơn trong nhiệm kỳ III, nhất là từ khi có Chỉ thị 45-CT/TW ngày 11-11-1998 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, cùng với Chỉ thị 27/CT-TU của Thành ủy TP. HCM. LHH càng vững tin trong phương hướng hoạt động của mình, hăng hái thực hiện nhiệm vụ do lãnh đạo TP. giao (Dự án tiền khả thi “Hệ thống công trình lấn biển Cần Giờ” (2000), “Xử lý nước rò rỉ ở bãi rác Đông Thạnh” (2002). Tuy nhiên, Chỉ thị 45/CT-TW chưa được thể chế hóa về mặt Nhà nước nên hoạt động của LHH vẫn còn gặp nhiều lúng túng. Phải đến nhiệm kỳ IV của LHH, những khó khăn này mới được tháo gỡ và đó cũng là giai đoạn chuyển mình quan trọng của LHH, bắt đầu từ sau Đại hội LHH vào cuối tháng 4.2002. Vào thời gian này, Liên hiệp Hội có 36 hội thành viên, với trên 42.000 hội viên.

Ngay từ những ngày đầu của nhiệm kỳ IV, LHH đã coi tư vấn, phản biện và giám định xã hội là hoạt động trọng tâm, khai thác chất xám của đội ngũ các nhà khoa học để đóng góp cụ thể cho thành phố. Đồng thời qua công việc chung này sẽ tập hợp, gắn kết đội ngũ trí thức, không kể tuổi tác hay thuộc đơn vị Trung ương hay cơ quan thành phố.

Số đề án được phản biện trong nhiệm kỳ IV cho đến nay là trên 15, trong đó có những đề án quan trọng như “Quy hoạch di dời các cảng trên sông Sài Gòn”, Dự án khu công nghiệp xử lý chất thải rắn ở Thủ Thừa (Long An), Dự án xây dựng hai tuyến xe điện ngầm, v.v…

Các ý kiến đóng góp xác đáng của Liên Hiệp Hội TP. đều được lãnh đạo TP. và các Sở đánh giá cao.

Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, LHH tập trung chủ yếu vào các đề tài có tính chất tổng hợp, liên ngành, chẳng hạn đề tài “Thực trạng đội ngũ KH và CN trên địa bàn TP. HCM - Nguyên nhân và các giải pháp phát huy hiệu quả” đã có tiếng vang lớn trong giới cán bộ khoa học kỹ thuật.

Các thành viên của LHH cũng có nhiều cố gắng đẩy mạnh hoạt động đối ngoại của mình… Bên cạnh đó là những hoạt động tích cực trong các chương trình xã hội của Thành phố và cả nước như chương trình Xóa đói giảm nghèo; chương trình Vì nạn nhân chất độc da cam .v.v…

NHỮNG KIẾN NGHỊ ĐỀ XUẤT

Tất cả những gì LHH TP. làm được trong thời gian qua, ngoài những nỗ lực tự thân của đội ngũ đông đảo các nhà khoa học nhiều tâm huyết, còn nhờ một yếu tố quan trọng không thể thiếu được - đó là sự quan tâm sát sao của Thành ủy, sự ủng hộ của UBND TP. HCM. Lãnh đạo TP. đã định kỳ làm việc với lãnh đạo LHH để tháo gỡ các vướng mắc, tạo điều kiện cho các nhà khoa học phát huy tiềm năng của mình; như đã dành kinh phí 3 tỷ đồng cho các hoạt động của LHH các năm 2003-2005...

Để phát huy cao nhất vai trò và hiệu năng chất xám của đội ngũ trí thức trong ngôi nhà chung, LHH đề nghị với lãnh đạo Thành phố:

- Cho phép LHH tham gia bàn bạc ngay từ đầu các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của Thành phố. Việc giao nhiệm vụ phản biện từng đề án cụ thể nên tiến hành sớm để LHH có đủ thời gian nghiên cứu và có ý kiến xác đáng.

- Sửa đổi cơ chế quản lý khoa học, có chính sách cụ thể thu hút, sử dụng nhân tài trên cơ sở khai thác Quy chế đặc biệt mà Chính phủ quy định cho thành phố.

*

* *

Trải qua chặng đường 30 năm, từ Hội Trí thức Yêu nước những ngày đầu sau giải phóng đến Liên hiệp Hội ngày nay, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ TP. Hồ Chí Minh đã tập hợp nhau lại, vượt qua mọi khó khăn trở ngại, đóng góp ngày càng thiết thực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố mang tên Bác. Nhiều nhà khoa học đã được bầu vào Quốc hội, HĐND Thành phố các khóa, nhiều đơn vị và cá nhân đã được Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu và Huân chương cao quý.

Có thể tự hào mà nói rằng đội ngũ trí thức TP. Hồ Chí Minh đã đạt được vị trí xứng đáng trong liên minh Công - Nông - Trí dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chào mừng 30 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2005): Nơi hội tụ và phát huy vai trò đội ngũ trí thức TP. Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO