Châm cứu có thể giúp bệnh nhân đột quỵ phục hồi chức năng

ĐÔNG HƯỜNG| 08/03/2017 10:30

Khoa Học Phổ Thông, khoa học, tạp chí, tin tức

KHPT-Hiện nay, bệnh nhân bị tai biến mạch máu não (đột quỵ não) đang có chiều hướng gia tăng, hậu quả để lại rất nặng nề. Liệu pháp châm cứu được biết đến là phương pháp hiệu quả cao giúp phục hồi di chứng.

Số liệu nghiên cứu mới nhất cho thấy, bệnh tăng huyết áp tại Việt Nam đang gia tăng một cách báo động với tỷ lệ người trưởng thành mắc bệnh lên đến gần 50%. Tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp ở Việt Nam hiện đang gia tăng rất nhanh. Một nghiên cứu năm 2008 tại 8 tỉnh thành cho thấy, tỷ lệ người trên 25 tuổi mắc tăng huyết áp là khoảng 25%. Tuy nhiên, kết quả điều tra năm 2015 cũng tại 8 tỉnh thành trên, tỷ lệ này đã tăng lên hơn 47%.

Tăng huyết áp đang là vấn đề báo động không chỉ ở Việt Nam mà cả nhiều nước khác. Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.

Theo Tổ chức y tế thế giới, tuổi thọ chung toàn cầu tăng lên kéo theo nguy cơ đột quỵ và các bệnh thoái hóa thần kinh. Đột quỵ là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới và gây ra những hậu quả khuyết tật nghiêm trọng cho người bệnh.

Theo lương y Phạm Ngọc Khánh - Phòng khám YHCT Phước An Đường, nhờ tiến bộ về y học cùng các phương tiện chẩn đoán và trang thiết bị điều trị hiện đại, số người bị đột quỵ được cứu sống ngày càng nhiều. Điều này đồng nghĩa với tỷ lệ người bị di chứng và tàn tật do đột quỵ cũng tăng lên.

Tại nước ta, ước tính hàng năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, khoảng 50% tử vong. Mức độ di chứng phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm và cách thức bệnh nhân được phát hiện, chẩn đoán và điều trị.

Tỷ lệ biến chứng theo thống kê thế giới, cứ 100 người sống sót qua cơn đột quỵ thì khoảng 1/3 mang di chứng. Di chứng có thể như liệt tay, chân, nửa người; rối loạn ngôn ngữ, cảm xúc. Vì thế, phục hồi chức năng sau đột quỵ rất cần được quan tâm.

Lương y Khánh cho biết, hiện nay 80% bệnh nhân đột quỵ phải chịu những di chứng làm ảnh hưởng chức năng vận động, di chuyển, nhất là chi trên, khiến họ không thể tự chăm sóc bản thân. Khả năng hồi phục của chi trên sau đột quỵ rất thấp.

Để có hiệu quả cao phục hồi chức năng cho bệnh nhân cần được thực hiện sớm nhất có thể, tốt nhất là bắt đầu sau 3 ngày bệnh nhân được cấp cứu đột quỵ. Yêu cầu này thực hiện không dễ trong điều kiện các bệnh viện trong nước còn quá tải.

“Những người ở độ tuổi từ 40 - 70 bị cao huyết áp là đối tượng dễ bị tai biến mạch máu não nhất. Nguyên nhân chủ yếu do người bệnh mắc chứng cao huyết áp, huyết áp tăng đột ngột dẫn đến vỡ mạch máu não. Huyết áp quá thấp cũng khiến tắc nghẽn mạch máu dẫn đến nhồi máu não gây tai biến.

Hiện có khá nhiều phương pháp phục hồi di chứng tai biến khác nhau, nhưng liệu pháp châm cứu vẫn được biết đến là phương pháp hiệu quả cao.

Nguyên lý trị liệu chung của phương pháp châm cứu là dùng kim châm tác động vào hệ kinh mạch, huyệt đạo bị tổn thương. Có thể hiểu theo hai góc độ như sau: Về mặt y học cổ truyền, châm cứu có tác dụng đả thông kinh mạch, khi đó những vùng kinh mạch tổn thương sẽ được “hồi sinh”dần dần. Còn theo kiến thức y học hiện đại, châm cứu nhằm tác động vào vùng huyệt đạo tê liệt, tạo phản ứng kích thích hệ thần kinh tê liệt. Tiếp đó, sẽ tác động dây chuyền vào thần kinh não bộ, nơi kiểm soát mọi chức năng cơ thể.

Hay nói cách khác, theo quy luật thông thường, các bộ phận cơ thể sẽ hoạt động theo “chỉ đạo”của hệ thần kinh trung ương. Một khi xảy ra tai biến, sợi dây liên kết này tắc nghẽn gây nên di chứng. Lúc này, muốn “thức tỉnh”những kinh mạch tê liệt, người thầy thuốc dùng kim châm kích thích gây phản ứng theo chiều ngược lại. Có nghĩa tác động từ vùng kinh mạch tổn thương, qua đó tạo cung phản xạ kết nối quá trình liên lạc đến hệ thần kinh não bộ.

Châm cứu sẽ giúp tiết ra những hoạt chất trung gian có tác dụng phục hồi chức năng bị mất hoặc giảm sút ngay tại vị trí kinh mạch tổn thương. Những chất này có thể xem như vị thuốc tự bản thân con người sản sinh ra”- lương y Khánh giải thích.

Lương y Khánh cho hay, thời gian châm cứu kéo dài từ 20 - 30 phút mỗi lần. Mỗi tuần làm khoảng 3 lần. Lộ trình trị liệu từ 1 - 3 tháng tùy theo mức độ nặng nhẹ. Song song đó, bệnh nhân có thể kết hợp sử dụng những bài thuốc có tác dụng bổ khí, bổ huyết và tạo sự đàn hồi, co giãn cho mạch máu.

Khi đã phục hồi di chứng tai biến, cần phải biết cách phòng tránh xảy ra tai biến lần sau. Bởi nếu tái xảy ra tai biến sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.

Để tránh tái bị tai biến, người bệnh cần duy trì huyết áp cơ thể ở mức ổn định. Người bệnh cũng cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng. Đặc biệt tránh cảm giác tức giận hoặc vui sướng tột độ, đều có thể là mối tiềm ẩn dẫn đến tai biến mạch máu não.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Châm cứu có thể giúp bệnh nhân đột quỵ phục hồi chức năng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO