Cần nghiên cứu xác định lại tầm nhìn phát triển đô thị TP.HCM

N.Hoa ghi| 25/03/2017 09:23

KHPTO - Trong mỗi quá trình phát triển, nhất là phát triển tại các đô thị lớn, cực lớn, việc nghiên cứu để điều chỉnh, thậm trí xác định lại tầm nhìn cho phù hợp với những sự thay đổi trong bối cảnh cạnh tranh “khốc liệt” của quá trình hội nhập, phát triển.

Theo GS.TS. Nguyễn Trọng Hòa, Viện nghiên cứu phát triển TP HCM, thậm trí cả những sự thay đổi trong nhận thức về những khái niệm phát triển đô thị nhanh, toàn diện, vững chắc là một “tất yếu” mang tính khách quan của từng chu kỳ, thời kỳ phát triển của mỗi đô thị. TP.HCM không nằm ngoài quy luật này khi trong thời gian vừa qua, nhất là khoảng 5 năm trở lại đây, kinh tế TP phát triểm chậm lại so với trước đây khi mà cứ sau mỗi 5 năm, quy mô kinh tế TP thường tăng gấp đôi, các dự án đầu tư nước ngoài có dấu hiệu sụt giảm so với các tỉnh, thành phố trong vùng… Nói một cách tổng thể, TP.HCM đang dần mất đi vị thế.

Tổng hợp và phân tích nhanh từ góc độ công tác quản lý phát triển đô thị, GS.TS. Nguyễn Trọng Hòa cho rằng, có thể nhận thấy sự “chựng lại” này của TP.HCM do tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Về khách quan có thể nhận thấy sự phát triển khá nhanh của các tỉnh, thành phố trong vùng trong quá trình hội nhập và phát triển chung của khu vực đã thu hút các nguồn lực đầu tư mà trước đây chỉ tập trung vào TP và mặt trái của quá trình phát triển này đã có những ảnh hưởng tiêu cực về áp lực giao thông, môi trường, lao động – việc làm … tới quá trình phát triển của TP.HCM khi mà công tác quản lý – điều phối vùng còn quá “yếu kém”. Bên cạnh đó, những cơ chế,  chính sách của Nhà nước trong quản lý phát triển đô thị, nhất là các đô thị đặc biệt như TP.HCM còn chậm đổi mới trong xu thế phát triển chung của khu vực. Nhưng theo GS.TS. Nguyễn Trọng Hòa thì chính những các yếu tố mang tính chủ quan trong quản lý phát triển đô thị tại TP.HCM mới là những tác động quan trọng mà chúng ta cần phân tích để nhận thấy rõ và cùng tìm hướng điều chỉnh, thậm trí thay đổi cho phù hợp trong giai đoạn phát triển mới.

Về góc độ quản lý phát triển đô thị, chính sự chưa quan tâm đúng mức tới các mối liên kết và sự hợp tác toàn diện với các tỉnh, thành phố trong vùng, đặc biệt là các tỉnh, thành phố xung quanh đã làm TP.HCM phải “đơn độc” chống chọi với tình trạng ách tắc giao thông “cả trên trời lẫn dưới đất”, ngập nước, ô nhiễm môi trường … khi mà những vấn nạn này sẽ được giải quyết, thậm trí là một phần lớn trong công tác quản lý phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong công tác quản lý phát triển đô thị tại TP, việc “nhanh chóng” phủ kín quy hoạch, nhất là quy hoạch chi tiết (QHPK) tỷ lệ 1/2000 dẫn đến việc đưa ra kế hoạch sử dụng đất và giao, cho thuê đất “khá nhanh”, đã làm mất đi một thế mạnh vốn có của một đô thị đặc biệt với quy mô diện tích hơn 2000 km2. Nếu phân tích kỹ sẽ nhận thấy mức độ sử dụng đất phục vụ thực sự cho phát triển kinh tế ngày càng kém hiệu quả.

Trong quy hoạch đô thị, bài toán phân bố dân số theo quận – huyện mà không quan tâm đúng mức tới các điều kiện về đất đai – địa hình, hiện trạng phát triển … rồi lấy dân số đó làm cơ sở để phân bổ cho các dự án đã làm cho các dự án phát triển nhà ở tại một số khu vực không phát triển được, hoặc giá cao không phù hợp với khả năng của người lao động.

Trong phát triển nhà ở tại một đô thị đặc biệt, cho tới ngày hôn nay, TP.HCM vẫn thiếu mô hình phát triển nhà ở mang tính định hướng cho từng khu vực, nên chung cư cao tầng phát triển xen lẫn với nhà ở thấp tầng từ trung tâm ra tới tận vùng ngoại thành, tạo ra một bức tranh đô thị khá lộn xộn không chỉ ở những khu vực cải tạo mà ở cả các khu vực phát triển mới. Đó là chưa nói tới việc TP quan tâm nhiều hơn tới phát triển nhà ở thương mại mà chưa quan tâm đúng mức tới phát triển loại hình nhà ở xã hội nên hiện nay, rất khó chỉ ra được một khu nhà ở xã hội nào có quy mô lớn …

Trong quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch, vì không nghiên cứu xây dụng các kịch bản phát triển phù hợp nên không thực hiện phát triển đô thị theo một kế hoạch mang tính khoa học, dẫn tới tại các khu vực khác nhau, các dự án phát triển khá “thoải mái” trong khi thiếu các hạ tầng đi cùng dẫn tới các hệ lụy trong công tác quản lý đô thị như hiện nay….

Cũng như các tỉnh, thành phố khác trên cả nước, bộ máy quản lý nhà nước về phát triển đô thị quá phức tạp, nhiều tầng bậc, phân cấp thưa thực sự phù hợp nên hoạt động kém hiệu quả, các dự án chậm được triển khai, thậm trí tại nhiều nơi, nhiều lúc gây bức xúc cho người dân và làm nản lòng các nhà đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần nghiên cứu xác định lại tầm nhìn phát triển đô thị TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO