Cần mô hình tổ chức KH&CN tiên tiến

TUYẾT MAI| 29/09/2016 16:17

Sở khoa học & công nghệ (KH&CN) TP.HCM vừa tổ chức hội thảo khoa học: “Mô hình tổ chức nghiên cứu tiên tiến: từ lý luận đến thực tiễn”. Đây là một trong những hoạt động trong chương trình “Phát triển tiềm lực KH&CN của TP.HCM đến năm 2020”, nhằm tìm hiểu mô hình hoạt động của các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tổ chức KH&CN còn hạn chế

Theo Sở KH&CN, tính đến tháng 8/2016, TP.HCM có 227 tổ chức KH&CN đăng ký hoạt động, trong đó có 59 tổ chức KH&CN công lập, 168 tổ chức KH&CN ngoài công lập. Tổng số vốn đăng ký hoạt động KH&CN là 700 tỷ đồng. Doanh thu trong 5 năm từ 2011 - 2015 đạt 2.451,4 tỷ đồng. Các tổ chức KH&CN hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ (58%), khoa học, xã hội và nhân văn (29%), các lĩnh vực còn lại chiếm 13%.

Ông Nguyễn Việt Dũng, giám đốc Sở KH&CN TP.HCM nhìn nhận, kết quả hoạt động trong 5 năm qua cho thấy tổ chức KH&CN công lập là đầu tàu cho việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên địa bàn TP.HCM. Một số kết quả nghiên cứu của tổ chức đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố... Tuy nhiên, theo ông Dũng, hoạt động của phần lớn các tổ chức KH&CN mới chỉ tập trung phát triển mạnh về dịch vụ KH&CN, chủ yếu hợp đồng tư vấn, tổ chức thực hiện các khóa bồi dưỡng chuyên môn theo nhu cầu xã hội, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống của cán bộ, nhân viên, duy trì đảm bảo được hoạt động của tổ chức; hoạt động chưa gắn liền với nhu cầu của xã hội, của doanh nghiệp. Trình độ nhân lực còn hạn chế, số lượng cán bộ có trình độ cao đang bị mai một dần do tuổi cao hoặc chuyển sang làm việc tại các khu vực khác hấp dẫn hơn về thu nhập và điều kiện làm việc. Cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, máy móc thí nghiệm, thử nghiệm phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ còn thiếu và lạc hậu, chưa đồng bộ, thiếu sự gắn kết, chia sẻ nhằm khai thác hiệu quả. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu của nhiều tổ chức KH&CN nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp, thiếu sự liên kết chặt chẽ với mạng lưới doanh nghiệp và chuỗi giá trị của ngành để đáp ứng nhu cầu thực tế. Số lượng kết quả nghiên cứu được thương mại hóa còn rất ít.

Hệ thống các tổ chức KH&CN hiện nay còn thiếu các tổ chức nghiên cứu ứng dụng đủ mạnh về quy mô, tính liên ngành, đội ngũ nhân lực trình độ cao và hạ tầng nghiên cứu hiện đại để có thể cung cấp công nghệ và trợ giúp kỹ thuật tiên tiến, tác động mạnh tới các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động còn lạc hậu, chưa gắn kết được với nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp. Vì vậy, mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng nhưng xét về hiệu quả chúng ta chưa có nhiều công trình, sản phẩm KH&CN mang tính đột phá ở tầm khu vực và thế giới, KH&CN chưa thực sự trở thành đòn bẩy và động lực của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Cần mô hình tiên tiến

Một số ý kiến tại hội thảo cho rằng, khái niệm tổ chức KH&CN tiên tiến dường như chưa có định nghĩa cụ thể và thống nhất. Một số chính sách và chiến lược phát triển KH&CN của Việt Nam trong thời gian gần đây sử dụng nhiều khái niệm với ý nghĩa tương tự như: trung tâm KH&CN hiện đại, trung tâm nghiên cứu xuất sắc, tổ chức khoa học.

Theo phân tích của các đại biểu, tổ chức KH&CN tiên tiến là một loại hình tổ chức nghiên cứu và phát triển được Nhà nước (hoặc tư nhân) ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại; có khả năng triển khai các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng và phát triển công nghệ mang tính tiên phong; có khả năng quy tụ và bồi dưỡng cán bộ KH&CN trình độ cao trong môi trường trao đổi học thuật, hợp tác nghiên cứu thuận lợi; thúc đẩy hoạt động sáng tạo, ứng dụng và thương mại hóa các sản phẩm, dịch vụ KH&CN ở đẳng cấp quốc tế; đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của xã hội và góp phần vào việc phát triển tiềm lực KH&CN của quốc gia.

TS. Nguyễn Thị Thu Oanh, phó giám đốc Ban quản lý dự án “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, KH&CN” - FIRST (Bộ KH&CN) phân tích, trước khi Luật KH&CN 2013 được ban hành, ở Việt Nam chưa có quy định về đánh giá tổ chức KH&CN. Hàng năm, các tổ chức KH&CN xây dựng báo cáo tổng kết kết quả hoạt động để báo cáo các cấp quản lý, chưa thực hiện đánh giá một cách bài bản theo các phương pháp và tiêu chí chuẩn mực. Mỗi bộ, ngành, địa phương đều thành lập các tổ chức KH&CN trực thuộc và quản lý các tổ chức theo cách riêng của mình. Ngoài ra, các bộ, ngành và các cơ quan không có đủ thông tin về kết quả hoạt động của các tổ chức KH&CN để trao đổi và phối hợp với nhau do đó ảnh hưởng đến việc sử dụng sức mạnh tổng hợp và tạo ra sự trùng lặp không cần thiết trong công việc và lãng phí nguồn lực.

Chính vì vậy, để đạt được những kết quả tốt và tạo ra giá trị cho kinh tế - xã hội Việt Nam, các tổ chức nghiên cứu phải hoàn thành 5 nhiệm vụ quan trọng: thực hiện nghiên cứu khoa học chất lượng cao để tạo ra kiến thức mới có giá trị; phát triển các công nghệ mới, sản phẩm, phương pháp, dịch vụ mới; chuyển giao kiến thức khoa học và các công nghệ mới đến người sử dụng và thương mại hóa kiến thức, công nghệ mới thành công; cung cấp dịch vụ và tư vấn dựa trên khả năng về KH&CN; hỗ trợ phát triển KH&CN thông qua giảng dạy và đào tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần mô hình tổ chức KH&CN tiên tiến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO