Cần chính sách đồng bộ để phát triển đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ TP.HCM: Tiếng nói tâm huyết của trí trức

Minh Uyên| 02/03/2017 08:34

KHPT - Sáng 28/2, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật (LHH) TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Thực trạng và các giải pháp phát triển đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ TP.HCM trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS. Nguyễn Ngọc Giao, chủ tịch LHH, nhận định: “Việc thu hút người tài, cần phải có nhiều giải pháp. Trong đó, nhiều người tài giỏi không muốn làm việc tại nước ta, chính là chính sách. Lâu nay, Nhà nước ta mới động viên tinh thần, kêu gọi lòng yêu nước là chính. Cần có chính sách cụ thể, cơ chế thoáng và đồng bộ. Chẳng hạn, các đơn vị khoa học được quyền quyết định mức lương cho chuyên gia mà mình tuyển dụng, không theo thang lương do Bộ tài chính quy định. Đó là chưa kể còn nhiều thủ tục nhiêu khê khác...”.

Trong bài tham luận của mình, PGS.TS. Nguyễn Thế Nghĩa, phó chủ tịch LHH cho rằng: “Một trong những nguyên nhân còn hạn chế đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ, chính là lương và thu nhập của đội ngũ trí thức thấp, không đủ sống, chỉ đáp ứng được 60% mức sống tối thiểu của xã hội. Kết quả điều tra khảo sát của đề tài “Xây dựng đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ ở TP.HCM trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” cho thấy: có 82,1% trí thức được hỏi khẳng định có mức thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng/người; 11,2% trí thức khẳng định có mức thu nhập từ 5 đến 10 triệu đồng/người và chỉ có 6,7% trí thức khẳng định có mức thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng/người. Với mức thu nhập trên, so với giá cả và mức chi tiêu hàng tháng, thì có 1,4% trí thức có cuộc sống dư dả chút ít; 13,8% trí thức đủ sống; 34,7% trí thức thật tiết kiệm mới đủ sống và có tới 50,1% trí thức không đủ sống. Hiện nay, có một bộ phận trí thức thiếu việc làm và việc làm không ổn định, nhiều trí thức phải “bươn chải” với cuộc sống để lo chỗ ở và cơm, áo, gạo, tiền hàng ngày nên rất khó có điều kiện tập trung sức lực, trí tuệ cho hoạt động khoa học - công nghệ.

Theo PGS.TS. Trương Thị Hiền, chủ tịch Hội nữ trí thức TP.HCM, chế độ sử dụng cho đội ngũ trí thức chưa phù hợp và tương xứng, phân bố và bố trí vị trí công việc chưa hợp lý giữa các đối tượng, các ngành. Hệ thống chính sách về ưu đãi thu hút nhân lực trình độ cao thiếu đồng bộ và thiếu khả thi đối với từng đối tượng, lĩnh vực cần thu hút. Các chính sách chưa đủ mạnh để thu hút trí thức Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc...

Theo GS.TSKH. Lê Minh Triết, phó chủ tịch Hội vật lý TP.HCM: “Để khai thác sử dụng có hiệu quả cao đội ngũ khoa học - công nghệ, cần áp dụng phương thức tổ chức hoạt động khoa học - công nghệ theo hướng xây dựng các tập thể tập trung giải quyết nhiệm vụ cụ thể đặt ra. Thay cho chính sách thu hút nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao như “đãi ngộ vật chất”, “trải thảm đỏ” đang thực hiện không hiệu quả ở một số tỉnh thành, sang thu hút “theo nhu cầu” của tập thể khoa học - công nghệ và “đãi ngộ” theo nhiệm vụ và kết quả nghiên cứu.

Còn PGS.TS. Phạm Đình Nghiệm, Trường đại học Sài Gòn cho rằng, không thể xây dựng đội ngũ tri thức giỏi, đông đảo bằng những lời kêu gọi suôn. Cần có chính sách thích hợp để các doanh nghiệp, cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng cường mảng nghiên cứu phát triển của họ tại thành phố. Chính điều này sẽ kéo trí thức về thành phố. Hiện nay, số lượng trí thức khoa học - công nghệ người Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài, có trình độ khoa học công nghệ cao khá lớn. Nhưng những người giỏi nhất, năng động nhất thường ở lại nước ngoài làm việc sau khi tốt nghiệp vì mức lương trong nước quá thấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần chính sách đồng bộ để phát triển đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ TP.HCM: Tiếng nói tâm huyết của trí trức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO