Cái tâm của một người thầy thuốc

SONG ANH| 24/02/2017 09:20

KHPT- Tất bật với công việc, tận tâm giúp đỡ bệnh nhân nghèo... là những gì mà chúng tôi cảm nhận được khi tiếp xúc với BS.CK2 Phùng Phước Nguyên, công tác tại Phòng y tế huyện Phong Điền (TP. Cần Thơ) và tham gia giảng dạy tại khoa y Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang).

Anh kể thêm về dự định của mình “...Tôi đang hình thành mô hình “Bác sĩ gia đình” để tạo thêm điều kiện khám chữa bệnh theo diện bảo hiểm y tế với mong muốn có thêm điều kiện tiếp cận, giúp đỡ bệnh nhân nghèo, rút ngắn thời gian khám bệnh cho công chức, viên chức, góp phần giảm tải số lượng bệnh nhân tại bệnh viện, đặc biệt vào các đợt cao điểm, khách hàng được chăm sóc sức khỏe liên tục, suốt đời...”.

Mười sáu năm sau khi tốt nghiệp khoa y, Trường đại học Cần Thơ, BS. Phùng Phước Nguyên đã trải qua nhiều bệnh viện tại nhiều địa phương khác nhau với nhiều cương vị khác nhau: từ bác sĩ điều trị bệnh viện huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang); trưởng phòng nghiệp vụ bệnh viện huyện Phong Điền (TP. Cần Thơ)... Do yêu cầu chuyên môn, anh được phân công về công tác tại phòng y tế huyện. Dù nhiệm vụ nào anh cũng đều hoàn thành xuất sắc với suy nghĩ: ở đâu, vị trí nào cũng ra sức phục vụ bệnh nhân với tấm lòng đầy trách nhiệm “lương y như từ mẫu”.

Ông Nguyễn Văn Phúc, ngụ thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang) xúc động kể: “...BS. Nguyên luôn tận tậm với người bệnh, “mát tay” trong điều trị, không chỉ gia đình tui mà rất nhiều bệnh nhân huyện này rất ngưỡng mộ và mang ơn...”. Ông Phạm Hoàng Phương, ngụ xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ nhận xét: “...BS. Nguyên có chuyên môn rất cao, điều trị khỏi bệnh rất nhanh chóng, tiếp xúc với bệnh nhân rất từ tốn, tế nhị, thân tình như người thân của mình trong gia đình, hiếm khi có được một người thầy thuốc đúng mực như vậy...”.

Không chỉ giỏi về công tác khám, điều trị, BS. Nguyên còn được hàng ngàn sinh viên chính quy khoa y Trường ĐH Võ Trường Toản; sinh viên học hệ liên thông từ các bệnh viện lớn của TP. Cần Thơ, các tỉnh lân cận nể phục với phương pháp lên lớp linh động, hấp dẫn, dễ nhớ, lâu quên đi kèm với những kinh nghiệm thực tế và tác phong chuẩn mực, kiến thức chuyên môn sâu. Chị Hà Như Thủy, học viên khóa Y 2 liên thông Trường ĐH Võ Trường Toản xúc động kể: “...Thầy Nguyên hướng dẫn học viên rất tận tình, chu đáo, có kiến thức chuyên môn sâu, bài giảng kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và lâm sàng thực tế nên những học viên đã có thời gian công tác trong ngành y như chúng tôi tiếp thu kiến thức rất nhanh...”.

Khi chúng tôi đề nghị anh cung cấp một số tư liệu, hình ảnh về hành trình đi làm từ thiện, quá trình khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, quá trình giảng dạy, anh chỉ cười thân thiện. Anh nói: “...chuyện tôi làm là rất bình thường, không có gì đáng kể, cái chính là thấy người nghèo bớt khó khăn, bệnh nhân bớt khốn khó, sinh viên ra trường có đủ kiến thức chuyên môn và cái tâm trong sáng, đó là ước mơ, là hạnh phúc của đời tôi...”.

Bằng nhiều con đường, bằng nhiều cách thu thập thông tin riêng của mình, chúng tôi cũng đã có được những con số, những câu chuyện có thật rất ấn tượng về người thầy thuốc nhân ái này như: chủ nhân của 14 đề tài khoa học cấp cơ sở; tự thân vận động trên 1,5 tỷ đồng để giúp đỡ hàng trăm gia đình nghèo, học sinh khó khăn; xây dựng 4 căn nhà cho hộ nghèo; đã nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều kỷ niệm chương, bằng khen từ trung ương đến tỉnh, thành phố... Riêng gạo, sách, tập, dụng cụ học tập, xe đạp và tiền lương anh tự trích ra để hỗ trợ tiền thuốc cho bệnh nhân nghèo thì không thể thống kê vì quá dày đặc và anh không hề ghi chép để phô trương việc làm nhân đạo của riêng mình.

Chúng tôi kết thúc bài viết này bằng những cái tên thân thương mà cả cộng đồng đặt cho anh với sự tôn trọng, thương yêu rất mực như: “Bác sĩ của người nghèo”; “Người thầy thuốc đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật”; “Người thầy giáo tận tâm”...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cái tâm của một người thầy thuốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO