Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: tốc độ đột phá chưa có tiền lệ trong lịch sử

Anh Thư| 25/02/2017 16:01

KHPTO - Tốc độ của những đột phá hiện tại là chưa hề có tiền lệ trong lịch sử. Nếu so với các cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) trước đây thì cuộc CMCN lần thứ 4 này đang phát triển với tốc độ cấp số mũ.

Hơn nữa nó đang phá vỡ hầu hết mọi ngành công nghiệp ở mọi quốc gia. Về bề rộng và chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị của xã hội loài người. Đó là nhận định của TS.Phan Quang Trung, phó chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam tại hội thảo: “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng tại các trường đại học, cao đẳng Việt Nam”, vừa được tổ chức ngày 24 – 25/2, tại TP.HCM.

Thay đổi triệt để về cách sống, làm việc và quan hệ với nhau

TS.Phan Quang Trung cho biết, nhân loại đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp lớn. Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp đều để lại những thành quả vô cùng to lớn là tiền đề cho những bước phát triển nhảy vọt của nhân loại. Giờ đây lại bắt đầu bước vào ng­ỡng cửa của một cuộc cách mạng công nghiệp mới - cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, một cuộc cách mạng mà nó sẽ thay đổi triệt để về cách chúng ta sống, làm việc và quan hệ với nhau. Về quy mô, phạm vi và tính phức tạp của sự thay đổi này sẽ không giống với bất cứ những gì mà chúng ta đã từng trải qua. Hiện nay chưa ai có thể lường trước được nó sẽ chuyển biến như thế nào, nhưng có một điều chắc chắn rằng chúng ta cần phải ứng phó với cuộc cách mạng này một cách đồng bộ, toàn diện với sự tham gia của tất cả các chủ thể của nền chính trị toàn cầu, từ các khu vực công và tư cho tới giới học thuật và các tổ chức xã hội.

Các công nghệ mới từ CMCN lần thứ 4 được phát triển với tốc độ v­ợt bậc, với những đột phá để phục vụ con người được hiện thực hóa như xe tự lái, các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo ... tất cả đang và sẽ mang lại nhiều thay đổi cơ bản và sâu rộng trong cách con người sống, đi lại, vận chuyển hàng hóa, kinh doanh, chẩn đoán và điều trị bệnh tật. . .

Trong hoạt động sản xuất, công nghệ robot kết hợp với Intemet sẽ cho phép tự động hóa sâu rộng nhiều ngành công nghiệp truyền thống - một thí dụ điển hình, gây nhiều tiếng vang gần đây là phần mềm Alphago đã đánh bại kỳ thủ giỏi nhất của môn cờ vây. Điều này nói lên trí tuệ nhân tạo đã tìm bước tiến kịp với trí tuệ con người. Trong tương lai đổi mới công nghệ cũng sẽ dẫn đến những lợi ích lâu dài trong hiệu quả và năng suất lao động. Hậu cần và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên hiệu quả hơn, các chi phí sẽ giảm xuống đáng kể. Tất cả những điều đó sẽ giúp mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng tr­ởng kinh tế.

Lao động không tự hoàn thiện sẽ bị robot thay thế

PGS.TS. Mạc Văn Tiến, Tổng cục dạy nghề, cho rằng, trong cuộc cách mạng này, thị trường lao động sẽ bị thách thức nghiêm trọng giữa chất lượng cung và cầu lao động, cũng như cơ cấu lao động. Khi tự động hóa thay thế con người trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, người lao động chắc chắn sẽ phải thích ứng nhanh với sự thay đổi của sản xuất nếu không sẽ bị dư thừa, bị thất nghiệp.

Theo một số dự báo, trong một số lĩnh vực, với sự xuất hiện của robot, số lượng nhân viên sẽ giảm đi 1/10 so với hiện nay. Như vậy, 9/10 nhân lực còn lại sẽ phải chuyền nghề hoặc thất nghiệp. Cuối năm 2015, Ngân hàng Anh Quốc đưa ra một dự báo: sẽ có khoảng 95 triệu lao động truyền thống bị mất việc trong vòng 10 - 20 năm tới chỉ riêng tại Mỹ và Anh - tương đương 50% lực lượng lao động tại hai nước này và ở các quốc gia khác cũng sẽ có tình trạng tương tự. Hàng loạt nghề nghiệp cũ sẽ mất đi và thay thế vào đó là những nghề nghiệp mới.

Thị trường lao động trong nước cũng như quốc tế sẽ phân hóa mạnh mẽ giữa nhóm lao động có kỹ năng thấp và nhóm lao động có kỹ năng cao. Theo ILO, trong thời gian tới, ảnh hưởng của cách mạng 4.0, khả năng nhiều lao động ngành dệt may của Việt Nam sẽ mất việc làm. Lao động giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh của các thị trường mới nổi. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng cuộc cách mạng 4.0 không chỉ đe dọa việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung (trung cấp, cao đẳng) cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu như họ không được trang bị những kỹ năng mới- kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế 4.0.

PGS.TS. Mạc Văn Tiến nhận xét: “Học sinh, sinh viên với các kiến thức, kỹ năng đang được dạy trong nhà trường hiện nay, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia, còn chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế 3.0 hiện tại, có thể hoàn toàn không hữu dụng với nền kinh tế 4.0 hoặc đang dễ dàng bị robot thay thế trong tương lai gần ở một số ngành nghề”.

Giáo dục đại học bị đặt trước nhiều thách thức rất lớn

Cùng với cuộc CMCN lần thứ 4, khu vực giáo dục đại học bị đặt trước nhiều thách thức rất lớn. Các trường ĐH không thể dự đoán được các kỹ năng mà thị trường lao động sẽ cần trong tương lai gần do tốc độ thay đổi công nghệ từ CMCN lần thứ 4 diễn ra quá nhanh, TS.Phan Quang Trung cảnh báo.

Các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học từ các trường đại học đối mặt với các yêu cầu cải cách và cạnh tranh mới. Nhiều tập đoàn công nghệ ngày nay có tiềm lực công nghệ, con người và tài chính rất lớn, họ lại ở tuyến đầu trong cuộc chạy đua biến tri thức thành sản phẩm phục vụ cuộc sống vì thế họ có nhiều trải nghiệm quý giá mà giới hàn lâm đại học không có. Chính điều đó đã làm giảm đáng kể ranh giới và khoảng cách về tri thức, khả năng sáng tạo giữa khu vực đại học và công nghiệp. Cùng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ trong cuộc CMCN lần thứ 4 đòi hỏi giáo dục phải đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản lẫn tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục để tránh nguy cơ bị đào thải. Tất cả tạo ra một bức tranh giáo dục đào tạo sinh động mà các phương thức giáo dục truyền thống chắc chắn sẽ không thể đáp ứng.

PGS.TS. Mai Thanh Phong, phó hiệu trưởng Trường đại học bách khoa TP.HCM nhận định: “Có 4 nhân tố quan trọng tương tác lẫn nhau trong mỗi đại học trong bối cảnh thay đổi này: nhân lực, đào tạo, nghiên cứu và quá trình tự thay đổi. Con người tham gia vào tất cả hoạt động và góp phần ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả như trong đào tạo và nghiên cứu. Tuy nhiên, các kết quả từ đào tạo và nghiên cứu góp phần tạo ra con người cho đại học. Ngoài ra, đại học cũng là một tổ chức tồn tại và cạnh tranh trong bối cảnh mới nên chính tổ chức này cũng phải tự đổi mới mình để thích nghi với điều kiện mới. Quá trình tự thay đổi diễn ra ở nhiều khía cạnh khác nhau như đổi mới về tư duy quản lý, đánh giá đúng giá trị của đổi mới và sáng tạo, triết lý về đào tạo, đầu tư về hạ tầng công nghệ thông tin và phòng thí nghiệm tiên tiến...”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: tốc độ đột phá chưa có tiền lệ trong lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO