“Lớp học đảo ngược”: phát triển năng lực tư duy sáng tạo cho sinh viên

Như Quỳnh| 12/03/2017 10:15

KHPTO - Đây là một mô hình dạy học vừa được nhóm nghiên cứu Nguyễn Quốc Vũ, Trường đại học Đồng Tháp, Lê Thị Minh Thanh, Học viện công nghệ bưu chính viễn thông áp dụng thử nghiệm cho kết quả khả quan, cao hơn lớp đối chứng.

Các tác giả đã phân tích để thấy rằng “lớp học đảo ngược” có thể được xem như một mô hình tổ chức lớp học trong dạy học kết hợp. Các nghiên cứu và những kết quả khảo sát chỉ ra rằng việc ứng dụng “lớp học đảo ngược” để dạy chuyên đề kĩ thuật số không chỉ tạo hứng thú học tập cho sinh viên (SV), nâng cao kết quả học tập của SV mà còn giúp SV phát triển năng lực tư duy sáng tạo.

Đảo ngược quá trình học truyền thống

Dạy học đảo ngược (Flipped learning) một phương pháp dạy học đảo ngược quá trình học truyền thống. Phương pháp này đề xuất việc đảo ngược các bước giảng và dạy. Nghĩa là việc nghe giảng để về nhà còn việc thực hành, ứng dụng, làm bài tập được thực hiện ở trên lớp.

Với dạy học truyền thống, một buổi lên lớp sẽ bắt đầu với việc giáo viên chuẩn bị bài giảng lên lớp và học sinh chuẩn bị làm bài tập về nhà buổi trước. Bài mới sẽ được giảng trong giờ trên lớp và thừa một ít thời gian sẽ làm làm bài tập luyện tập tại lớp. Như vậy, hầu hết việc giảng và nghe giảng đã chiếm hết phần lớn thời gian, thời gian còn lại cho việc luyện tập trên lớp của cả giáo viên và học sinh là rất ít. Khi nghe giảng người học được xem như rơi vào tình trạng “low level thinking”. Khi ứng dụng lí thuyết làm bài tập hoặc các hoạt động học, học sinh sẽ ở “high level thinking”. Nghĩa là khi học sinh đang bị động tiếp thu kiến thức thì phần lớn sẽ khó suy nghĩ, tưởng tượng, đào sâu vào kiến thức ngay trong lúc nghe giảng. Ý tưởng chủ chốt của dạy học đảo ngược là tăng thời gian cho việc đào sâu suy nghĩ (high level thinking) và giảm thời gian tiếp thu bị động (low level thinking).

Lớp học đảo ngược làm thay đổi vai trò của người dạy và người học. Người dạy không phải lên lớp để dạy những nội dung, kiến thức trong bài giảng mà chỉ thảo luận, trao đổi, giải thích những vấn đề phát sinh mà người học không thể giải quyết được. Tương tự, việc tiếp thu kiến thức của người học sẽ được chuyển đổi qua các hình thức học với video thu lại lời giảng của giảng viên và hiện nay là các hoạt động học trực tuyến.

Quy trình thực hiện “lớp học đảo ngược”

Trước giờ học trên lớp. Giáo viên (GV) tạo 1 video bài giảng hoặc GV hướng dẫn SV khai thác các bài giảng trên mạng. Lớp học đảo ngược có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm và kỹ năng sử dụng ICT trong giảng dạy của GV. Tất cả năng lực của GV được thể hiện qua việc xây dựng video bài giảng một cách khoa học, phù hợp với đối tượng người học. Kịch bản sư phạm cũng như giáo án của lớp học đảo ngược sẽ khác về bản chất với dạy học truyền thống. Kịch bản và giáo án của GV gồm 2 phần chính: video bài giảng truyền thống và các tình huống GV tương tác với SV ở lớp. Giữa nội dung video bài giảng cho SV xem trước ở nhà với nội dung thảo luận trên lớp phải đảm bảo kết cấu hài hòa và hợp lý. Không ngừng cập nhật những nội dung mới, những tình huống mới trong thực tế để đưa vào bài giảng video các năm sau. SV tự học, tự nghiên cứu video bài giảng của GV và chuẩn bị phần thực hành trên lớp. Việc học tập bị đảo ngược là nhằm hướng vào người học, thay vì GV điều khiển SV, giờ đây SV chủ động nghiên cứu các đoạn video bài giảng để hình thành những ý kiến riêng, các câu hỏi xung quanh nội dung, và trước khi đến lớp đã có những hiểu biết xung quanh khái niệm liên quan.

Trong giờ học trên lớp: GV trao đổi, thảo luận, kiểm tra đánh giá SV tại lớp. GV chủ yếu hướng dẫn các SV làm bài tập, tìm hiểu các kiến thức SV chưa hiểu, tìm ra những cách thức làm bài hay nhất, tối ưu nhất cho SV. Do cá nhân hóa người học nên việc dạy của GV ở các lớp khác nhau thì tình huống cũng như cách xử lý sư phạm sẽ khác nhau. SV thực hành ứng dụng các khái niệm chính cùng với phản hồi từ GV và các SV khác. Bằng cách làm này, SV được phát triển các kỹ năng cần thiết, đó là: kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, ứng dụng công nghệ. Công việc trên lớp của GV và SV: GV hướng dẫn SV đào sâu kiến thức, SV thực hiện các hoạt động nhóm phù hợp cũng như dành nhiều thời gian hơn trong việc luyện tậpvà tư duy...

Sau giờ học trên lớp: kết thúc giờ học trên lớp, nếu những nội dung trao đổi trên lớp chưa hoàn thiện, GV sẽ hướng dẫn và giải đáp các thắc mắc của SV qua mạng. SV kiểm tra lại kiến thức đã học trong giờ học và tự tìm hiểu mở rộng thêm.

Theo nhóm nghiên cứu, mô hình “lớp học đảo ngược” là quá trình hội tụ mọi kết quả nghiên cứu của các phương pháp dạy học truyền thống cũng như dạy học dựa trên máy tính. Học đảo ngược, SV chủ động kiểm soát việc tự học của mình, có thể tạm dừng, tua lại, xem video và thảo luận với bạn bè. Thay vì ngồi lắng nghe các GV giảng bài, SV có dành nhiều thời gian hoạt
động hợp tác trao đổi. Do tăng số giờ thực hành thảo luận tại lớp, SV phát triển được kỹ năng trao đổi, diễn đạt suy nghĩ của mình. SV thường xuyên được GV kiểm tra đánh giá, nên biết kiến thức mình còn thiếu và yếu vấn đề gì và tự bổ sung trong quá trình tự học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Lớp học đảo ngược”: phát triển năng lực tư duy sáng tạo cho sinh viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO